Khánh Hòa hướng đến kinh tế biển xanh

Đối với kinh tế biển, tỉnh Khánh Hòa chú trọng công tác bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững cho tương lai.

Nghị quyết 09 ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra nhiệm vụ phát triển mạnh kinh tế biển. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.

 Hàng trăm tàu thuyền neo đậu trong cảng cá Hòn Rớ để bán hải sản vừa đánh bắt. Ảnh: XUÂN HOÁT

Hàng trăm tàu thuyền neo đậu trong cảng cá Hòn Rớ để bán hải sản vừa đánh bắt. Ảnh: XUÂN HOÁT

Tỉnh Khánh Hòa là địa phương có vùng biển rộng, bờ biển dài 385 km, với khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ và các đảo san hô trong quần đảo Trường Sa. Ven bờ biển có nhiều cửa sông, eo vịnh, đầm, vùng bãi triều rất thuận lợi cho phát triển thủy sản. Thủy sản là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa.

Hướng đến kinh tế biển bền vững

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết xác định rõ mục tiêu trên, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ; đầu tư phát triển hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.

Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ số trong đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về biển của ngư dân trong quá trình khai thác thủy sản trên các vùng biển.

Theo ông Quang, về nuôi trồng thủy sản, UBND tỉnh phối hợp với các bộ, ngành trung ương trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

 Ngư dân đưa hải sản vừa đánh bắt lên bán cho thương lái tại cảng cá Hòn Rớ. Ảnh: XUÂN HOÁT

Ngư dân đưa hải sản vừa đánh bắt lên bán cho thương lái tại cảng cá Hòn Rớ. Ảnh: XUÂN HOÁT

Trong đó, có riêng một điều dành cho phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa là tập trung vào phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển do tỉnh và Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa quản lý.

Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh điều chỉnh tích hợp, bổ sung các vùng nuôi trồng thủy sản vào quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với thực tiễn; phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III xây dựng, hoàn thiện Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đến năm 2030. Hiện UBND tỉnh đang xem xét trình Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

“Sau một năm triển khai thí điểm nuôi biển công nghệ cao, năng suất, sản lượng, lợi nhuận đều vượt trội so với cách nuôi cũ.”

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Duy Quang

Thí điểm nuôi biển công nghệ cao

Nghị quyết 42/2022 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chương trình hành động số 30 của Tỉnh ủy Khánh Hòa thực hiện Nghị quyết 09 đều xác định: “Công tác xây dựng và triển khai đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế biển của tỉnh”.

Theo ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, đề án trên được xác định là đề án mới và khó bởi có nội dung lớn, khối lượng công việc nhiều, phạm vi rộng từ khu vực ven bờ đến 6 hải lý mặt nước biển thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

Lồng nuôi biển đứng vững khi bão giật cấp 12

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam nằm trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh đã khẳng định vị thế hàng đầu về nuôi biển công nghệ cao ở tỉnh Khánh Hòa nói riêng và vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam bằng con đường xuất khẩu.

Ông Hoàng Ngọc Bình, Giám đốc vận hành Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, cho biết tổng sản lượng hằng năm đạt hơn 10.000 tấn. Lồng nuôi biển HDPE phù hợp nuôi với quy mô lớn, tối ưu diện tích nuôi, lồng tùy chỉnh được kích thước và có sức chịu sóng gió tốt, đặc biệt là mưa bão đến cấp 12. “Mùa mưa bão sẽ khiến người nuôi trồng thủy sản lo lắng, tuy nhiên với công nghệ lồng HDPE được đầu tư kết cấu khép kín có thể chịu được bão gió giật cấp 12” - ông Bình nói.

Trong vịnh Vân Phong, ngoài Công ty Australis Việt Nam, có nhiều đơn vị, doanh nghiệp chuyển sang nuôi biển công nghệ cao thành công, như Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I; Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Phương Minh; Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa…

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, mô hình nuôi cá bớp bằng lồng HDPE do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai từ năm 2020, đến nay mang lại hiệu quả rất lớn so với cách nuôi truyền thống.

Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của cả bộ máy, xin ý kiến tham vấn của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đến nay đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, trình Thủ tướng xem xét phê duyệt theo quy định.

Khánh Hòa đã triển khai thành công các mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vịnh Cam Ranh.

Theo đó, tháng 5-2023, mô hình thí điểm này đã được triển khai trên thực tế, với 10 hộ dân nuôi biển trên địa bàn Cam Ranh được hỗ trợ tổng cộng 16 lồng tròn HDPE (thể tích một lồng là 800 m3) để nuôi cá biển, 12 ô lồng vuông HDPE (thể tích 24 m3/ô lồng, nuôi hai tầng) để nuôi tôm hùm. Ngoài ra, các hộ còn được tài trợ hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên mọi thiết bị điện tử…

“Sau một năm triển khai thí điểm nuôi biển công nghệ cao, năng suất, sản lượng, lợi nhuận đều vượt trội so với cách nuôi cũ. Đây là cơ sở quan trọng để người dân thay đổi phương thức sản xuất trong nuôi biển, gắn với bảo vệ môi trường nuôi; giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; làm đẹp cảnh quan, có thể kết hợp phát triển du lịch sinh thái…” - ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT, thông tin.

Hiện Sở NN&PTNT đang triển khai mở rộng ra các khu vực biển khác trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở triển khai đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với ngành nghề khai thác hải sản, theo ông Quang, địa phương sẽ tiếp tục triển khai sắp xếp cơ cấu lại đội tàu cá theo tổ đội và các vùng khai thác (ven bờ, vùng lộng và vùng khơi), cơ cấu lại lực lượng nghề khai thác theo hướng bền vững kinh tế biển.

Đặc biệt, tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cấp, mở rộng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Tỉnh đẩy nhanh hoàn thành xây dựng cảng cá Đá Bạc (TP Cam Ranh) thành trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Trường Sa.

Để bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững cho tương lai, Sở NN&PTNT cũng đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị để hướng dẫn thành lập Tổ đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017.•

Nhộn nhịp cảng cá lớn nhất Nam Trung Bộ

Cảng cá Hòn Rớ, Nha Trang nằm ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm TP khoảng 7 km.

Bộ NN&PTNT xếp cảng Hòn Rớ là chợ cá đầu mối và cảng cá lớn nhất Nam Trung Bộ. Cảng cá Hòn Rớ còn phát triển mạnh các dịch vụ hậu cần. Tàu thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... thường xuyên ghé vào cảng Hòn Rớ để bán cá, sau đó mua dầu, đá lạnh, lương thực... tiếp tục ra khơi đánh bắt hải sản.

Vào mùa mưa bão, cảng cá Hòn Rớ còn là nơi tránh trú của hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân cả nước. Dưới đây là những hình ảnh sinh động tại cảng cá Hòn Rớ.

Cảng cá Hòn Rớ là nơi cập cảng của ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ và mọi miền Tổ quốc.

Là chợ đầu mối nên tất cả thủy sản đánh bắt trên biển đều được mua bán tấp nập tại đây. Trong ảnh: Ngư dân đưa cá ngừ đại dương từ hầm tàu lên cảng bán cho thương lái.

Hiện giá cá ngừ đang dao động 100.000-125.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do giá nhiên liệu, nhân công tăng cao nên chủ tàu kém vui khi gần như không có lời.

Ngư dân vui mừng mỗi khi chuyến biển đánh được nhiều cá to, bán được giá.

Tiểu thương mua bán nhộn nhịp mỗi khi có tàu cập cảng, xuống hàng.

Bán hàng xong, chủ tàu mua nhu yếu phẩm, đá lạnh để tiếp tục vươn khơi bám biển.

Không chỉ là chợ đầu mối hải sản, cảng cá Hòn Rớ còn là nơi cho tàu thuyền, hàng ngàn ngư dân vào tránh trú mỗi mùa mưa bão.

Các chủ tàu cá được lực lượng biên phòng, kiểm ngư tuyên truyền về chống khai thác IUU.

*************************

Hôm nay, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến Khánh Hòa

Hôm nay (20-9), Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp Luật TP.HCM đến Khánh Hòa, cùng với chính quyền góp phần hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Khánh Hòa là địa phương có biển thứ 16 mà báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chương trình này.

Chương trình có sự tham dự của Hoa hậu Phương Khánh (đại sứ chương trình); đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa; đại diện các cơ quan thực thi pháp luật trên biển cùng các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị tỉnh Khánh Hòa và đông đảo bà con ngư dân địa phương.

Ngày 20-9, tại Hội trường Thành ủy Nha Trang (22 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), Ban Tổ chức Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ thăm hỏi, động viên, tặng 200 phần quà cho ngư dân (mỗi phần quà trị giá hơn 5 triệu đồng) gồm: Bình ắc quy, đèn LED, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, cuộn dây thừng chuyên dụng và phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng.

Đồng thời, Ban Tổ chức trao tặng 25 suất học bổng cho các học sinh là con em các gia đình ngư dân vượt khó học giỏi; tặng học bổng cho 1 em học sinh khó khăn giỏi tiếng Anh, 1 em học sinh vượt khó học giỏi và là con/cháu của bộ đội Trường Sa.

Dịp này, cũng tại Hội trường Thành ủy Nha Trang, báo Người Lao Động sẽ tổ chức trao học bổng hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo tỉnh Khánh Hòa. Tiếp đó là lễ trao Giải báo chí Nam Trung Bộ lần thứ I do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Trước đó, sau lễ ra mắt vào tháng 4-2023, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã đến với 15 tỉnh, TP gồm: TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thái Bình với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức từ đầu năm 2023, dự kiến sẽ diễn ra tại 28 tỉnh, TP giáp biển trên cả nước với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỉ đồng nhằm hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng bà con ngư dân; sát cánh cùng Chính phủ và chính quyền địa phương tìm giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cho ngành hải sản của Việt Nam.

BAN TỔ CHỨC

XUÂN HOÁT

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/khanh-hoa-huong-den-kinh-te-bien-xanh-post810941.html