Khánh Hòa: Tăng cường phòng, chống lây nhiễm HIV qua đường máu và giúp bệnh nhân điều trị kịp thời
Lây truyền HIV/AIDS qua đường máu là một trong những con đường lây nhiễm chính. Vậy nên, việc phòng, chống HIV/AIDS qua đường máu luôn được tỉnh Khánh Hòa chú trọng tư vấn, phòng ngừa.
Tăng cường phòng lây nhiễm
Thống kê đến 30/9/2022, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở Khánh Hòa là 2.756 trường hợp. Lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong đến 30/9/2022 là 1.301; 1.455 trường hợp đang còn sống và được quản lý rất tốt tại các địa phương. Trong nhiều năm qua, tại tỉnh Khánh Hòa việc chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường máu nói riêng và lây nhiễm qua các hình thực khác được nỗ lực thực hiện.
Theo khảo sát, người nghiện ma túy dùng bơm kim tiêm chung cũng là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, người chăm sóc bệnh nhân AIDS có nguy cơ bị lây nhiễm HIV qua các vết hở rỉ nước khi tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của người bệnh hoặc bị kim tiêm đâm phải tay, dao kéo cứa phải tay... do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Vậy nên, để phòng chống lây truyền HIV qua đường máu, phải thực hiện các biện pháp sau: Bảo đảm 100% các chai máu được sàng lọc HIV trước khi truyền, cũng như kiểm tra tình trạng nhiễm HIV của những người cho máu trước khi lấy máu. Khi thực hiện tiêm chích, châm cứu, các thủ thuật qua da, thực hiện thụ tinh nhân tạo... phải bảo đảm các dụng cụ được tiệt khuẩn. Tuyệt đối phòng ngừa hiện tượng lây chéo xảy ra trong chăm sóc dịch vụ y tế.
Thời gian qua, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa còn triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, vừa can thiệp y khoa vừa tư vấn tâm lý giúp người bệnh tự tin hơn trong cuộc sống, không chán nản mà làm lây lan ra người thân.
Người bệnh HIV/AIDS trên địa bàn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ y tế, chính điều này đã giúp họ bớt đi mặc cảm lo lắng, cân bằng tâm lý, hợp tác và tuân thủ điều trị tốt hơn. Thực tế, không ít bệnh nhân HIV/AIDS gặp phải sự kỳ thị phân biệt đối xử. Điều này khiến người nhiễm giấu tình trạng bệnh, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác điều trị. Do đó họ khó tiếp nhận thông tin, kỹ năng phòng bệnh và có thể vô tình lây truyền HIV cho người khác, làm cho mức độ lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng trầm trọng.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phó GĐ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa chia sẻ: Có điều khiến cho chúng tôi rất trăn trở là nhiều người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn. Vậy nên vừa điều trị vừa "vực" dậy tâm lý, giúp họ xóa đi các mặc cảm. Bên cạnh đó các nhóm đồng đẳng hoạt động tốt với nhiều cách chia sẻ, cổ vũ lẫn nhau nên bệnh nhân an tâm điều trị và làm theo các hướng dẫn của nhân viên y tế.
Đã lây nhiễm HIV/AIDS mấy năm nay, chị Ph chia sẻ: Có khi nhiễm HIV chỉ vì sự thiếu cẩn trọng, có người phụ nữ thì bị chồng mắc bệnh truyền sang… do vậy cần sự sẻ chia của cộng đồng, người thân.
Điều trị kịp thời
Được điều trị chu đáo, cải thiện sức khỏe là niềm vui chung của tất cả bệnh nhân có HIV. Họ được hòa nhập cộng đồng, sinh sống và làm việc như tất cả mọi người. Để ngăn chặn việc lây nhiễm, Khánh Hòa cũng đã triển khai nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh chiến dịch dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; Đẩy mạnh phòng-chống HIV/AIDS trong mọi tình huống.
Các đối tượng có nguy cơ cao ngày càng thấu hiểu lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV, nhất là xét nghiệm HIV tại cộng đồng; lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV; lợi ích tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế.
Một số bệnh nhân nhiễm HIV cho biết, lạc quan để điều trị theo đúng các phác đồ của ngành y tế nên sức khỏe được cải thiện và không còn hoang mang nữa. Đặc biệt, khi gặp những người cùng cảnh ngộ như mình tôi luôn động viên họ vượt lên nỗi chán trường, sợ hãi. Từ đó nắm chắc các biện pháp bảo vệ an toàn cho mình và người thân. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, người nhiễm HIV/AIDS ở Khánh Hòa đều được cấp phát thuốc điều trị đầy đủ và được hướng dẫn tận tình. Các hình thức phát thuốc cũng linh hoạt để tạo thuận lợi nhất cho người nhận như: Qua các trạm y tế, qua hệ thống bưu điện…
Chị P, một bệnh nhân đã nhiều năm điều trị tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết: "Bị lây nhiễm HIV từ người yêu của mình nên lúc đầu rất lo lắng, không biết xoay sở thế nào. Mỗi lần đối diện với gia đình, người thân chị P luôn có nỗi mặc cảm. Nhưng khi được các đồng đẳng viên, nhân viên y tế tư vấn, chị P đã được tiếp cận điều trị kịp thời nên chị đã vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Một số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng chung dòng cảm xúc: Khi cầm kết quả xét nghiệm biết mình mắc bệnh HIV đều suy sụp, muốn sống biệt lập với mọi người. Thế nhưng nhờ các nhân viên y tế, các đồng đẳng viên tư vấn, thường xuyên nhắc nhở uống thuốc đúng giờ, đồng thời giải thích cho hiểu về lợi ích khi tuân thủ điều trị nên các lo âu dần được xua tan đi.
Tại Cam Ranh, hoạt động của hệ thống nhóm đồng đẳng viên trong nhiều năm qua rất hiệu quả. Họ đã tiếp cận các đối tượng làm trong các môi trường có có nguy cơ cao như: tiêm chích ma túy, vũ trường, điểm massage và các dịch vụ hành nghề tiềm ẩn khả năng làm lây nhiễm HIV/AIDS để có những tư vấn, hướng dẫn kịp thời.
Một bệnh nhân HIV ở Cam Ram tự tin: Được trang bị đầy đủ kiến thức về căn bệnh này không còn lo lắng nữa. Nhân viên y tế cũng như các đồng đẳng viên có mặt ở hầu hết các địa điểm có người nhiễm HIV để trợ giúp kịp thời nhiều mặt nên đời sống trở về ổn định. Mỗi người nhiễm đều tự nhủ với mình tuyệt đối không được làm lây cho người khác. Từ đó sống hòa nhập cộng đồng ổn định không quá quá lo âu nữa.