Khánh Sơn: Quan tâm kết nối tiêu thụ nông sản

Với tiềm năng, thế mạnh riêng về sản xuất nông nghiệp, nhất là các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, thời gian qua, huyện đã tích cực tổ chức nhiều phiên chợ, lễ hội để kết nối cung cầu, hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản.

Nhiều hoạt động được tổ chức

Cứ vào sáng thứ Bảy tuần cuối tháng, bà Bo Bo Thị Phương (Tổ dân phố Hạp Cường, thị trấn Tô Hạp) lại mang gà vườn, măng le, rau rừng, chuối rừng ra bày bán tại Chợ phiên thị trấn Tô Hạp. Được duy trì từ tháng 9-2023 đến nay, chợ phiên này đã giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn trao đổi, mua bán các loại nông sản hay các mặt hàng thủ công do mình làm ra. “Chợ phiên thị trấn Tô Hạp chủ yếu là các gian hàng của đồng bào dân tộc thiểu số, với các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương, sản vật rừng như: Các loại rau sạch, rau rừng, thịt heo đen, măng le, mật ong, chuối rừng, nấm linh chi, các loại trái cây, các sản phẩm thủ công đan lát từ tre, nứa… nên thu hút được nhiều người dân trong huyện đến chợ. Ngoài ra, ở các phiên chợ còn có khách du lịch ngoài huyện, ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm và mua các sản vật của người dân”, bà Phương bày tỏ.

Người dân huyện Khánh Sơn với các sản phẩm nông sản tham gia Lễ hội trái cây Khánh Sơn năm 2024.

Người dân huyện Khánh Sơn với các sản phẩm nông sản tham gia Lễ hội trái cây Khánh Sơn năm 2024.

Để kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, giữa tháng 10 này, huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Phiên chợ Thương mại nông dân năm 2024 tại Khánh Sơn. Theo đó, phiên chợ này diễn ra đồng thời ở 3 địa điểm: Chợ Tô Hạp (thị trấn Tô Hạp), chợ Sơn Lâm (xã Sơn Lâm) và Nhà Văn hóa xã Ba Cụm Bắc. Phiên chợ này đã thúc đẩy các hoạt động giới thiệu, quảng bá, tư vấn, mua bán nông sản, vật tư nông nghiệp tại địa phương; mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, phiên chợ cũng tạo cơ hội cho nông dân và đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác và các doanh nghiệp phân bón, vật tư nông nghiệp… gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, kết nối cung cầu, liên kết hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh và góp phần mở rộng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp tại huyện.

Một gian hàng bày bán nông sản tại Chợ phiên thị trấn Tô Hạp tháng 10-2024.

Một gian hàng bày bán nông sản tại Chợ phiên thị trấn Tô Hạp tháng 10-2024.

Trước đó, Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ III tổ chức giữa tháng 8-2024 đã thành công khi thu hút hơn 18.000 lượt khách. Các hoạt động mua bán, trao đổi nông sản đã tiêu thụ được 127 tấn nông sản của nông dân. Tại lễ hội này, huyện cũng đã tổ chức hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản địa phương; qua đó đã có nhiều nông hộ ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông sản với các cơ sở thu mua lớn trong và ngoài huyện… “Tôi đánh giá cao việc UBND huyện Khánh Sơn đứng ra kết nối doanh nghiệp thu mua nông sản với các nhà vườn, nông dân trên địa bàn nhằm phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản, nhất là sầu riêng Khánh Sơn khi xuất khẩu”, bà Trần Thị Kim Quy - đại diện cơ sở thu mua sầu riêng Minh Lợi (xã Sơn Bình) bày tỏ.

Tiếp tục hỗ trợ người dân

Khánh Sơn có lợi thế lớn về phát triển sản xuất nông nghiệp, với 4.911ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 3.941ha trồng cây lâu năm. Đặc biệt, trên địa bàn có 3.308ha cây ăn quả giá trị kinh tế cao, gồm: 2.600ha sầu riêng (1.700ha đã cho thu hoạch), 349ha bưởi da xanh, 38ha quýt, 51ha chôm chôm và nhiều diện tích cây ăn quả khác. Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế này, huyện Khánh Sơn đã và đang tập trung triển khai Đề án chuyển đổi, phát triển ngành nông nghiệp huyện. Trong đó, huyện tập trung hỗ trợ người dân phát triển theo hướng: Chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu của thị trường; chuyển từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng. Cùng với đó, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp chú trọng tăng sản lượng sang nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững; chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ một giá trị sang tích hợp nhiều giá trị; chuyển từ hỗ trợ đầu vào sang vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra…

Một góc vùng trồng cây ăn quả ở huyện Khánh Sơn.

Một góc vùng trồng cây ăn quả ở huyện Khánh Sơn.

Theo ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, để phát triển thế mạnh nông nghiệp, huyện còn tích cực phối hợp với các sở, ngành để thực hiện việc cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đến nay, đã có 15 mã số vùng trồng, với tổng diện tích 430ha sầu riêng được cấp. Trong phát triển sản phẩm OCOP, huyện đã có 1 sản phẩm OCOP 4 sao và 33 sản phẩm OCOP 3 sao, chủ yếu là nông sản của người dân. Trong thời gian tới, bên cạnh tiếp tục triển khai các hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân, huyện sẽ tích cực hỗ trợ các hộ nông dân, hợp tác xã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, nắm bắt kiến thức về thị trường; có giải pháp để xây dựng liên kết "4 nhà" trong phát triển nông nghiệp hiệu quả; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường…

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202410/khanh-sonquan-tam-ket-noi-tieu-thu-nong-san-8b643b9/