Khánh Thuận đẩy mạnh chuyển đổi số

Xác định chuyển đổi số (CÐS) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thời gian qua, xã Khánh Thuận đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, phát triển xã hội số, kinh tế số.

Ông Trần Công Mười, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Các tổ công nghệ số cộng đồng được xã thành lập, có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng công an, cán bộ, công chức xã, các ngành, đoàn thể “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hỗ trợ người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử, tài khoản dịch vụ công trực tuyến, cài app chuyển khoản không dùng tiền mặt và sử dụng các tiện ích của công nghệ số. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về những lợi ích thiết thực của các nền tảng công nghệ số, hỗ trợ người dân ứng dụng CÐS phục vụ học tập, lao động, sản xuất, cuộc sống, từng bước xây dựng cộng đồng số, xã hội số, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”.

Ðiểm nổi bật của xã Khánh Thuận là tập trung xây dựng chính quyền số để phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Theo đó, UBND xã đầu tư nâng cấp hệ thống mạng nội bộ đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đáp ứng nhu cầu công việc chuyên môn và phục vụ người dân.

Tại bộ phận một cửa, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, bố trí đầy đủ trang thiết bị, máy tính, máy in phục vụ công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. 100% văn bản đi, đến của cơ quan được xử lý qua môi trường mạng; 100% cán bộ, công chức xã được trang bị máy tính phục vụ công việc.

Công chức Bộ phận Một cửa xã Khánh Thuận hướng dẫn người dân cách thức nộp hồ sơ từ trực tiếp sang trực tuyến.

Công chức Bộ phận Một cửa xã Khánh Thuận hướng dẫn người dân cách thức nộp hồ sơ từ trực tiếp sang trực tuyến.

Ông Trần Công Mười cho biết thêm: “Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong CÐS, đến nay, xã hoàn thành 18/20 nhiệm vụ cải cách hành chính, đạt 90% so với kế hoạch. Từ đầu năm đến nay, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tiếp nhận 2.365 hồ sơ, trong đó 2.360 hồ sơ giải quyết trước hạn, đạt 99,58%. Xã đã duy trì thực hiện hiệu quả chiến dịch “Nâng cao hiệu quả ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn xã”; triển khai đồng bộ các giải pháp trong thực hiện mô hình CÐS - thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó, người dân và doanh nghiệp thay đổi nhận thức, cách thức nộp hồ sơ trực tiếp sang trực tuyến, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân. Hiện trên địa bàn xã có 1.314 lượt thuê bao đăng ký, đạt 85%; phát sinh giao dịch 180 lượt, đạt 66%”.

Bên cạnh đó, xã cùng với Viettel ký kết hợp tác triển khai mô hình điểm CÐS - thanh toán số, tạo mã QR cho các điểm buôn bán kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn xã để thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt, qua đó, tiểu thương phát sinh giao dịch đạt 70%. Ngoài ra, xã còn tuyên truyền người dân thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ điện, nước, truyền hình số, thuế, mua bán hàng hóa, hợp đồng điện tử, nộp học phí tại các trường học, thanh toán phí và lệ phí các thủ tục hành chính, BHXH; sử dụng thẻ BHYT điện tử, sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa... Thực hiện chi trả hoạt động phí qua chuyển khoản cho các ấp với 165 tài khoản. Qua đó, mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Ông Quách Thanh Sang, hộ kinh doanh tạp hóa ở Ấp 1, chia sẻ: “Tôi thấy thanh toán không dùng tiền mặt rất tiện lợi, đỡ mất thời gian. Từ khi thực hiện giải pháp này, mình cũng không để tiền mặt nhiều trong nhà nên an toàn hơn trước rất nhiều”.

Ông Tôn Trung Kháng, Trưởng ấp 9, chia sẻ: “Trước đây, mỗi tháng tôi phải ra xã nhận tiền hoạt động của ấp, nay tiền này được chuyển khoản hết, sau khi nhận, tôi cũng chuyển khoản cho anh em hoạt động trong ấp, tiết kiệm thời gian đi lại, tiền xăng xe. Không chỉ vậy, thời gian gần đây, ấp còn tạo 2 nhóm Zalo gồm nhóm ban dân chánh và nhóm cho người dân trong ấp, có việc gì chỉ cần nhắn lên nhóm là triển khai luôn, rút ngắn thời gian và hiệu quả hơn trước đây rất nhiều”.

Tuy nhiên, Khánh Thuận cũng còn gặp một số khó khăn nhất định: mạng lưới phủ sóng Internet trên địa bàn xã còn yếu, nhất là ở các ấp trên lâm phần; nhận thức của người dân không đồng đều, việc tiếp cận khai thác các tiện ích của công nghệ số còn hạn chế, nhất là đối với người lớn tuổi; một bộ phận người dân chưa quen giao dịch trực tuyến, còn sợ bị lạc hồ sơ...

Ông Trần Công Mười thông tin: “Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực xây dựng chính quyền số, tích cực phối hợp với các đơn vị viễn thông hỗ trợ người dân kết nối, sử dụng mạng Internet; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích CÐS; hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ đời sống, sản xuất; qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình CÐS trên địa bàn”./.

Trần Thể

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/khanh-thuan-day-manh-chuyen-doi-so-a35116.html