Khảo sát, đánh giá tình hình sâu năn gây hại trên lúa

Ngày 03/01, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình sâu năn gây hại trên lúa Đông Xuân 2023 - 2024 tại 2 huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.

Đoàn công tác làm việc với UBND huyện Tân Hưng về công tác thống kê diện tích bị sâu năn gây hại và công tác triển khai phòng, chống

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, diện tích gieo sạ lúa Đông Xuân 2023-2024 toàn tỉnh là trên 207.830ha. Trong đó, lúa đang ở giai đoạn mạ trên 84.460ha; giai đoạn đẻ nhánh trên 64.360ha; giai đoạn làm đòng trên 16.770ha; giai đoạn trổ trên 14.350ha; giai đoạn chín trên 18.900ha và đã thu hoạch trên 8.970ha.

Khảo sát tình hình sâu năn gây hại trên lúa tại huyện Tân Hưng

Hiện nay, tổng diện tích lúa bị sâu năn gây hại trên toàn tỉnh là trên 1.800ha. Trong đó, tỷ lệ gây hại nhẹ từ 7-20% là 1.255ha; tỷ lệ gây hại trung bình từ 20-30% là 242ha; tỷ lệ gây hại nặng từ 30-50% là 304ha. Sâu năn tập trung gây hại trên các trà lúa từ giai đoạn mạ đến đòng trổ tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng và Mộc Hóa.

Kiểm tra cá thể lúa bị nhiễm sâu năn

Qua khảo sát thực tế tại các cánh đồng lúa tại xã Hưng Hà, Hưng Điền (huyện Tân Hưng) và xã Thái Bình Trung, Thái Trị, Hưng Điền A (huyện Vĩnh Hưng). Đoàn ghi nhận sâu năn xuất hiện nhiều tại các khu vực gò cao, các trà lúa trên 35 ngày tuổi và các giống lúa xuất hiện sâu năn là OM 18; Đài thơm 8, nếp,...

Đoàn công tác yêu cầu, các địa phương tập trung khuyến cáo nông dân không nên phun ngừa thuốc trừ sâu sớm và cần tăng cường sử dụng các phân vi sinh hữu cơ để kích hoạt được phân lân còn ở trong đất để tiết kiệm phân, cũng như giảm hàm lượng đạm. Đối với các trà lúa bị sâu năn gây hại nặng, nông dân ưu tiên sử dụng phân bón lá nhằm tăng cường kích thích rễ, giúp cho cây lúa sớm phục hồi./.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khao-sat-danh-gia-tinh-hinh-sau-nan-gay-hai-tren-lua-a169105.html