Khảo sát khu vực chuyển đổi 600ha rừng để xây dựng hồ chứa nước ở Bình Thuận

Hôm nay (6/9), đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi khảo sát khu vực 600 ha rừng sẽ được chuyển đổi để thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét mà dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày qua.

Theo ghi nhận của đoàn công tác, tại vị trí dự kiến xây hồ Ka Pét, cây rừng mọc nhiều nhất ở 2 bên bờ sông Ba Bích, chủ yếu là các loại tre nứa và cây hỗn tạp. Bên cạnh đó, trong vùng lõi của khu dự án còn có nhiều cây dầu (chiếm đa số), bằng lăng, nhiều cây căm xe, đường kính từ 20-30cm...

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, trước đây, khu vực rừng dự kiến triển khai dự án hồ Ka Pét được cho phép khai thác (chọn lựa những loại cây gỗ lớn có giá trị). Tuy nhiên từ năm 2002, khi Thủ tướng Chính phủ thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên thì khu rừng này được bảo vệ nghiêm ngặt. Do đó, hiện tại ở đây những cây gỗ lớn, có giá trị còn rất ít.

Đoàn công tác vượt suối để vào khu vực vùng lõi của dự án (Ảnh: N.T)

Đoàn công tác vượt suối để vào khu vực vùng lõi của dự án (Ảnh: N.T)

Cũng theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, khu vực rừng nói trên đã được quy hoạch làm hồ chứa nước từ năm 1995. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn nên đến năm 2019, Quốc hội mới thông qua chủ trương dự án.

Liên quan nhiều cây căm xe cổ thụ và cây lim già cỗi được chia sẻ trên mạng trong những ngày qua khiến dư luận xôn xao, qua kiểm tra thực địa, ông Lê Thanh Sơn khẳng định đều nằm ngoài ranh giới dự án. Do vậy, khi triển khai dự án hồ thủy lợi thì những cây này không bị ảnh hưởng.

Dự án hồ Ka Pét được Quốc hội quyết định và quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93, ngày 26/11/2020 và Nghị Quyết số 101, ngày 24/6/2023. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư và thực hiện dự án tại văn bản số 541, ngày 14/5/2020. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ, đề cương, nhiệm vụ khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình.

Trong vùng lõi của dự án còn có nhiều cây dầu (chiếm phần lớn), bằng lăng, nhiều cây căm xe, đường kính từ 20-30cm (Ảnh: N.T)

Trong vùng lõi của dự án còn có nhiều cây dầu (chiếm phần lớn), bằng lăng, nhiều cây căm xe, đường kính từ 20-30cm (Ảnh: N.T)

Quy mô dự án gồm: Hồ điều tiết dung tích toàn bộ trên 51 triệu m3; hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư của dự án là trên 874 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hến năm 2025. Đây là dự án quan trọng điểm cấp Quốc gia.

Dự án được xây dựng trên diện tích trên 697,73 ha, đa phần là đất lâm nghiệp. Trong đó, đất có rừng là hơn 680 ha, gồm: Rừng đặc dụng là trên 137 ha; rừng phòng hộ là 0,51 ha; rừng sản xuất là hơn 440ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là trên 40 ha và đất không có rừng hơn 60ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là hơn 18 ha.

Để thay thế cho hơn 680 ha diện tích rừng tự nhiên bị ngập tại hồ Ka Pét, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tổ chức khảo sát trồng mới với diện tích 1.844 ha.

Cây rừng mọc nhiều nhất ở 2 bên bờ sông Ba Bích, đa phần là các loại tre nứa, cây hỗn tạp (Ảnh: N.T)

Cây rừng mọc nhiều nhất ở 2 bên bờ sông Ba Bích, đa phần là các loại tre nứa, cây hỗn tạp (Ảnh: N.T)

Mục tiêu đầu tư dự án cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II với 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết. Đồng thời, hồ Ka Pét sẽ giúp phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du nhất là đoạn qua TP. Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh.

Đoàn Sĩ/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khao-sat-khu-vuc-chuyen-doi-600ha-rung-de-xay-dung-ho-chua-nuoc-o-binh-thuan-post1044101.vov