Khảo sát sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tại huyện Vĩnh Linh

Hôm nay 11.10.2019, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Trị do Trưởng ban Nguyễn Văn Cầu làm trưởng đoàn đã khảo sát về tình tình thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Vĩnh Linh.

 Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Văn Cầu phát biểu tại buổi khảo sát

Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Văn Cầu phát biểu tại buổi khảo sát

Theo phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã của UBND huyện Vĩnh Linh, toàn huyện có 8 xã, thị trấn tiến hành sáp nhập với nhau gồm: Vĩnh Hiền sáp nhập với Vĩnh Thành; Vĩnh Trung sáp nhập với Vĩnh Nam; Vĩnh Thạch sáp nhập với Vĩnh Kim; Vĩnh Tân sáp nhập với thị trấn Cửa Tùng. Để sáp nhập, các địa phương đã tiến hành lấy kiến cử tri về việc sáp nhập và nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Trên cơ sở đó, HĐND các xã đã tổ chức phiên họp bất thường để biểu quyết thông qua việc sáp nhập. Quá trình sáp nhập giữa Vĩnh Hiền và Vĩnh Thành lấy tên đơn vị hành chính mới là xã Hiền Thành; xã Vĩnh Tân nhập với thị trấn Cửa Tùng thành đơn vị hành chính mới là thị trấn Cửa Tùng; hai cặp xã còn lại là Vĩnh Trung - Vĩnh Nam và Vĩnh Kim - Vĩnh Thạch vẫn chưa thống nhất về tên gọi đơn vị hành chính mới. Đến nay, HĐND huyện Vĩnh Linh đã biểu quyết thông qua việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã của các địa phương nói trên thành 4 đơn vị hành chính với tên gọi mới gồm các xã Hiền Thành, Trung Nam, Kim Thạch và thị trấn Cửa Tùng.

Theo UBND huyện Vĩnh Linh, sau sáp nhập khó khăn lớn nhất là công tác sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ. Theo đó, sau sáp nhập có 68 cán bộ, công chức và 49 cán bộ làm việc không chuyên trách trong diện dôi dư cần phải sắp xếp, bố trí công việc hoặc giải quyết chế độ. Hiện nay, phương án bố trí cán bộ, công chức ở các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập chưa được hoàn thiện do việc giải quyết chế độ chính sách theo quy định pháp luật còn nhiều vướng mắc; chưa có chính sách đặc thù dôi dư do sắp xếp.

Chưa xây dựng được phương án bố trí người làm việc không chuyên trách cấp xã do chưa có văn bản quy định, hướng dẫn. Việc thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ khiến việc bố trí cán bộ, công chức sau sáp nhập gặp nhiều vướng mắc nhất định. Từ đó, kiến nghị UBND tỉnh, ngoài các quy định chung, cần có văn bản quy định giải quyết chế độ, chính sách riêng đối với cán bộ, công chức, người làm việc không chuyên trách cấp xã ở những địa phương sáp nhập.

Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Văn Cầu ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong triển khai chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà địa phương đang đối mặt trong quá trình tổ chức thực hiện. Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm tốt công tác tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện chủ trương sáp nhập.

Ghi nhận những kiến nghị của địa phương để nghiên cứu, đề xuất trung ương có giải pháp về việc bố trí thêm các chức danh chủ chốt và giảm theo lộ trình; tiếp nhận, bố trí cán bộ, công chức, tuyển dụng vào công chức cấp xã các đơn vị hành chính mới và điều động cán bộ đến các phòng, ban, đơn vị công tác khác để các địa phương sớm ổn định bộ máy, hoạt động có hiệu quả.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=142967