Khấp khởi trong âu lo

Hồ tiêu đang bước vào chu kỳ tăng giá mới, sẽ kéo dài 10-15 năm và giá có thể đạt đỉnh 350.000-400.000 đồng/kg. Lãnh đạo hiệp hội một vựa hồ tiêu nổi tiếng ở Tây Nguyên đã nhận định như vậy, khiến nông dân trồng tiêu khấp khởi, nhưng cũng không khỏi âu lo.

Các đại lý cũng như công bố của cơ quan chức năng ngày 5-11-2024 cho thấy giao dịch hồ tiêu (loại đen, khô) khoảng 145-147 ngàn đồng/kg. Đây cũng là mức giá dao động trong những ngày qua, thấp hơn khoảng 3-5 ngàn đồng/kg so với 1 tuần trước đó.

6 tháng trước, khi hồ tiêu liên tiếp tăng giá mạnh, đạt xấp xỉ 100 ngàn đồng/kg, người trồng tiêu đã vui mừng khôn xiết vì thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khi nhiều năm phải vật lộn vì giá xuống đáy, có thời điểm thu không đủ chi, đành bỏ bê vườn rẫy, thậm chí phá bỏ vườn tiêu chuyển sang trồng loại cây khác.

Ngược dòng thời gian, 5 năm trước, diện tích hồ tiêu cho thu hoạch toàn tỉnh Bình Phước khoảng 17.200 ha, nay chỉ còn khoảng 12.200 ha, giảm khoảng 30%. Điều đó đồng nghĩa khoảng 30% số nhà nông Bình Phước từng "ăn, ngủ" với cây tiêu, đã không được đón nhận tin vui hồ tiêu lập đỉnh giá mới, hồ tiêu giá tăng đột biến…

Sau 3 tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai chiếm 63,5%, Bình Phước là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất Đông Nam Bộ và đứng thứ 4 cả nước. Mặc dù chưa tới 20 ngàn ha trong tổng diện tích hơn 424 ngàn ha đất canh tác nông nghiệp toàn tỉnh, nhưng hồ tiêu (cùng với điều và cao su) lại là một trong 3 loại cây trồng chủ lực quan trọng nhất của Bình Phước…

Dẫn ra những con số đó để thấy hồ tiêu có vị trí như thế nào trong bức tranh nông nghiệp của Bình Phước, cũng như một số vựa tiêu trong cả nước. Còn với người nông dân?

“Vàng trắng” cao su hay “vàng nâu” hạt điều đều cần diện tích lớn, chi phí kiến thiết cơ bản dàn trải nhiều năm, yêu cầu kỹ thuật trồng và chăm sóc ở mức trung bình, thu hoạch trong 20 năm, có thể chịu trận qua vài chu kỳ tăng - giảm giá... Còn với “vàng đen” hồ tiêu, không cần diện tích lớn, nhưng lại kén đất, khó trồng và chăm sóc, dễ sâu bệnh, chi phí đầu tư lớn trong khoảng thời gian ngắn và chỉ 1-2 mùa bỏ bê là tan hoang. “Vàng trắng” hay “vàng nâu” khá ổn định, giàu lên cần qua khá nhiều năm với diện tích lớn. Nhưng với “vàng đen” hồ tiêu, chỉ qua vài vụ thu hoạch có thể trở thành tỷ phú với diện tích chỉ vài sào đến 1 ha đất…

Với những điểm khác biệt ấy, nên nhà nông trồng các loại cây này cũng khác nhau. Trồng hồ tiêu cần sự tính toán kỹ hơn, tính chất “được ăn cả ngã về không” lớn hơn. Kết quả, nhiều người đổi đời, nhưng cũng không ít người bán đất, bán nhà, bỏ xứ ra đi vì hồ tiêu. Bình Long, Lộc Ninh… một thời là những vựa tiêu nổi tiếng của Bình Phước và cả nước. Sự nổi tiếng ấy đã đi vào dĩ vãng với không ít nụ cười, nhưng cũng không ít nước mắt của nhiều nhà nông.

Hồ tiêu đang hồi sinh. Năm 2024, dự báo Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới, với giá trị 1,3 tỷ USD, tăng khoảng 400 triệu USD so với năm 2023. Cánh cửa làm giàu từng bị khép chặt lại, nay đã và đang được mở ra rất rộng với nông dân trồng tiêu…

Không ai không muốn làm giàu và ước mơ làm giàu một cách chân chính của người nông dân nhận được sự tôn trọng tuyệt đối của cả xã hội. Nhưng bên cạnh chuyện một thời “vàng đen”, có cả chuyện một thời tan hoang và còn đó cả những con số cảnh báo còn nguyên giá trị của cơ quan chức năng: Bởi 5 năm trước, diện tích hồ tiêu cả nước đạt đỉnh với khoảng 152 ngàn ha và rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, hiện giảm còn khoảng 110 ngàn ha, nhưng vẫn gấp hơn 2 lần quy hoạch đến năm 2030 với chỉ 50.000 ha mà thôi.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/164888/khap-khoi-trong-au-lo