Khát vọng đổi mới tư duy học ngoại ngữ của cô giáo Gen Z

Nguyễn Thị Phương Hà sinh năm 1998, đến từ Nghệ An, là giáo viên tiếng Anh thuộc thế hệ Gen Z nhiệt huyết đang không ngừng nỗ lực trong việc đổi mới tư duy học ngoại ngữ của thế hệ trẻ Việt Nam. Với tầm nhìn hiện đại cùng phương pháp giảng dạy sáng tạo, Phương Hà mong muốn có thể giúp các bạn trẻ vượt qua nỗi sợ học tiếng Anh, đồng thời tiếp cận ngôn ngữ này theo một cách hoàn toàn mới – coi tiếng Anh như một công cụ hữu ích cho cuộc sống chứ không đơn thuần là môn học bắt buộc trên trường.

Trở thành giáo viên tiếng Anh là ước mơ mà Phương Hà ấp ủ từ lâu, vì vậy sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, cô nàng tiếp tục trau dồi tri thức tại Đại học Huddersfield, Vương quốc Anh và tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh với tấm bằng xuất sắc. Hiện tại, ngoài vai trò giảng viên tiếng Anh tại khối giáo dục FPT (FPT Education), cô giáo xứ Nghệ còn sở hữu chuỗi trung tâm tiếng Anh với nhiều cơ sở tại Hà Nội.

Phương Hà nhận giấy khen “Sinh viên xuất sắc” ngành Ngôn ngữ Anh niên khóa 2016 - 2020 do Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội trao tặng.

Phương Hà nhận giấy khen “Sinh viên xuất sắc” ngành Ngôn ngữ Anh niên khóa 2016 - 2020 do Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội trao tặng.

Là một người trẻ thuộc thế hệ Gen Z, bản thân Hà hiểu rất rõ tâm lý của một số bạn trẻ hiện nay học tiếng Anh chỉ vì bằng cấp, vì điểm số bởi chính cô cũng đã từng giới hạn tiếng Anh là một môn học bắt buộc: “Mình cảm thấy thấu hiểu việc các bạn học tiếng Anh hiện nay chủ yếu nhằm mục đích đạt được điểm cao và có những chứng chỉ cần thiết. Một phần vì đó chính là những yêu cầu bắt buộc tại trường và nơi làm việc. Chính mình trong khoảng thời gian từ cấp 1 đến cấp 3 cũng coi tiếng Anh thuần túy là một môn học và phục vụ cho một mục đích duy nhất là đạt điểm tốt ở trường và trong các kỳ thi”, Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, khi bước vào môi trường đại học và được nghiên cứu sâu hơn về ngôn ngữ, Phương Hà dần nhận ra tiếng Anh không chỉ là một môn học để lấy điểm, mà thực sự là một công cụ hữu ích giúp cô mở rộng cánh cửa tri thức, giao lưu văn hóa và phát triển sự nghiệp. Đặc biệt, quá trình du học thạc sĩ tại Anh đã mang lại cho cô nhiều khía cạnh mới về ngôn ngữ này: “Sau khi tốt nghiệp đại học, mình muốn tận dụng những kiến thức đã học như một công cụ đắc lực để khám phá và tìm tòi những điều mới về văn hóa, con người ở một đất nước nói tiếng Anh để mình có thêm chiều sâu về ngôn ngữ, đắm chìm vào nó hơn. Và việc đi du học ở Anh là 1 quyết định đúng đắn giúp mình đạt được điều đó. Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ giảng dạy tại Anh, mình tự tin hơn không chỉ về ngôn ngữ mà còn về phương pháp sư phạm mới mẻ, tiên tiến để có thể trở về Việt Nam, góp phần nhỏ đồng hành cùng các bạn học sinh sinh viên trên hành trình học ngôn ngữ”, Hà kể lại.

Mang trong mình khát vọng đổi mới tư duy học ngoại ngữ, cô giáo xứ Nghệ không ngừng cải tiến phương pháp dạy để phù hợp với nhu cầu và tâm lý của các bạn trẻ. Cô hiểu rằng, mỗi bạn đều có những khó khăn và áp lực riêng khi học ngoại ngữ, từ lo lắng về thi cử đến thiếu tự tin trong giao tiếp. Chính vì vậy, Phương Hà luôn cố gắng tạo ra một môi trường học tập thoải mái, nơi học viên có thể thỏa sức sáng tạo, thể hiện bản thân và thực sự tận hưởng ngôn ngữ. Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, Phương Hà còn chú trọng xây dựng sự tự tin, khuyến khích học viên dám thử thách bản thân trong các tình huống giao tiếp thực tế. Thông qua những buổi thảo luận và hoạt động nhóm, cô giáo trẻ đã giúp các bạn học sinh sinh viên không chỉ trau dồi kỹ năng ngôn ngữ mà còn phát triển tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề - những yếu tố cần thiết cho sự phát triển toàn diện trong thời đại hội nhập.

“Mình mong muốn trong quá trình học tiếng Anh các bạn đều có thể thật sự áp dụng và sử dụng ngôn ngữ này phục vụ cho cuộc sống, học tập, công việc, vì vậy trong các tiết học tiếng Anh, mình luôn cố gắng lồng ghép hoạt động tranh biện, thuyết trình, làm việc nhóm, giúp các bạn không chỉ nâng cao năng lực ngôn ngữ mà còn góp phần cải thiện kỹ năng mềm. Ví dụ trong một buổi học Listening (kỹ năng nghe) dạng bài Multiple choice (trắc nghiệm nhiều lựa chọn), thay vì chỉ cho các bạn nghe và chữa đề theo kiểu truyền thống, mình sẽ cho các bạn nghe một bài có chủ đề cụ thể về buổi học. Trước hết, các bạn sẽ nghe và hiểu nội dung bài để nắm được các kiến thức cơ bản về chủ đề ấy. Sau đó, các bạn sẽ cùng nhau thảo luận xoay quanh chủ đề hoàn toàn bằng tiếng Anh, cuối cùng mới sử dụng nguồn nghe đó để làm bài tập trắc nghiệm.

Phương Hà nhận bằng tốt nghiệp loại Xuất sắc niên khóa 2016 - 2020 tại trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phương Hà nhận bằng tốt nghiệp loại Xuất sắc niên khóa 2016 - 2020 tại trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Điều đặc biệt ở đây là các bạn học sinh sẽ không được dạy trước các bước để làm dạng bài này mà sẽ phải tự trải nghiệm, tự rút ra những đặc điểm và khó khăn của bài, từ đó tự xây dựng hướng làm bài phù hợp cho mình, còn giáo viên chỉ đóng vai trò hỗ trợ và tổng kết lại.” Hà chia sẻ đây là phương pháp “coi học sinh là trung tâm của lớp học”, một trong những phương pháp đã giúp ích rất nhiều trên hành trình giảng dạy của cô. Cô cho rằng việc để học sinh trải nghiệm và tự rút ra bài học từ thực tế sẽ giúp họ nắm bắt và ghi nhớ kiến thức sâu sắc hơn. Với một buổi học như vậy, tiếng Anh sẽ trở nên gần gũi hơn khi các bạn học sinh sinh viên được thảo luận về một chủ đề đời thường trong cuộc sống. Và sau này, đầu ra của các bạn sẽ không chỉ là làm tốt các bài thi mà còn có thể sử dụng tiếng Anh để bàn luận về những chủ đề xã hội hay giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày.

Phương Hà làm giám khảo cuộc thi hùng biện “Voice Battle” do Cao đẳng Anh quốc BTEC FPT tổ chức.

Phương Hà làm giám khảo cuộc thi hùng biện “Voice Battle” do Cao đẳng Anh quốc BTEC FPT tổ chức.

Phương Hà cùng 2 giám khảo tại cuộc thi hùng biện do CLB Hùng biện Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Phương Hà cùng 2 giám khảo tại cuộc thi hùng biện do CLB Hùng biện Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Song song với việc truyền đạt phương pháp học tiếng Anh mới đến các bạn trẻ, việc thay đổi góc nhìn của các bậc phụ huynh cũng rất quan trọng bởi họ là người đồng hành chính trong quá trình học tập của con cái. Theo Phương Hà, việc tạo ra một môi trường học tập tích cực không chỉ là trách nhiệm của giáo viên mà còn cần sự đồng hành của phụ huynh. Khi phụ huynh thay đổi suy nghĩ, họ sẽ giúp con cái thoải mái hơn trong việc học tiếng Anh, từ đó khuyến khích các em tiếp cận ngôn ngữ này trên tinh thần tự nguyện và thực sự yêu thích. “Mình nghĩ rằng trong thời đại hội nhập ngày nay thì ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng là một phần rất quan trọng dù cho bạn ở ngành nghề nào. Tiếng Anh là một công cụ đắc lực mở ra nhiều cơ hội lớn nếu bạn biết tận dụng nó, không chỉ đối với những bạn muốn đi du học hay làm việc ở nước ngoài mà đối với tất cả mọi người. Vì vậy mình mong cả phụ huynh và các bạn trẻ sẽ nhìn nhận tiếng Anh không chỉ là một môn học bắt buộc mà thật sự là một công cụ hữu ích phục vụ cho cuộc sống và công việc của mình. Từ đó thay đổi cách học tiếng Anh mới mẻ hơn, phù hợp hơn”, Hà cho biết.

Phương Hà trong vai trò diễn giả workshop do Cao đẳng Anh quốc BTEC FPT tổ chức.

Phương Hà trong vai trò diễn giả workshop do Cao đẳng Anh quốc BTEC FPT tổ chức.

Trong tương lai, cô giáo trẻ mong muốn tiếp tục phát triển các chương trình giảng dạy sáng tạo, kết hợp giữa kiến thức ngôn ngữ và các kỹ năng mềm, đồng thời lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của ngoại ngữ trong thời đại toàn cầu hóa: “Mình hy vọng rằng mỗi bạn trẻ sẽ cảm nhận được niềm vui và sự hứng thú khi học tiếng Anh. Để từ đó, các bạn có thể sử dụng nó một cách hiệu quả trong cuộc sống và công việc, tạo nên một thế hệ trẻ tự tin và chủ động trong môi trường hội nhập quốc tế” - Phương Hà gửi gắm tới các bạn trẻ.

Phương Hà đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi tiếng Anh và trao đổi văn hóa “International Olympiad on Empowerment, Language & Leadership” (IOELL) tại Malaysia.

Phương Hà đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi tiếng Anh và trao đổi văn hóa “International Olympiad on Empowerment, Language & Leadership” (IOELL) tại Malaysia.

Thùy Linh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/khat-vong-doi-moi-tu-duy-hoc-ngoai-ngu-cua-co-giao-gen-z-post1684283.tpo