Khát vọng hòa bình

Liên hợp quốc (LHQ) vừa cảnh báo về nguy cơ cuộc xung đột ở Libya trở nên phức tạp hơn. Nguyên nhân bắt nguồn từ dòng vũ khí vẫn đang được 'bên ngoài' tiếp tục chuyển cho các bên tham chiến.

Liên hợp quốc (LHQ) vừa cảnh báo về nguy cơ cuộc xung đột ở Libya trở nên phức tạp hơn. Nguyên nhân bắt nguồn từ dòng vũ khí vẫn đang được “bên ngoài” tiếp tục chuyển cho các bên tham chiến.

Mới đây, năm nước gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Italy và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) đã ra Tuyên bố chung kêu gọi các bên xung đột ở Libya ngừng bắn ngay lập tức và mở cuộc điều tra vụ tiến công khiến ba nhân viên LHQ chết. Bạo lực tại Libya vẫn đang reo giắc nỗi đau thương cho dân thường kể từ khi “Mùa xuân A-rập” bùng phát, đẩy nước này chìm trong rối ren và bất ổn.

Cuộc xung đột đẫm máu giữa các phe phái ở Libya trong những tháng gần đây gây lo ngại về một cuộc nội chiến kéo dài ở quốc gia Bắc Phi này. Mối đe dọa an ninh, khủng bố tại Libya đã được cảnh báo nhiều lần. Đến nay, cộng đồng quốc tế một lần nữa lại thúc giục cần sớm tìm ra giải pháp khả thi nhằm chấm dứt xung đột ở Libya, sau khi xảy ra vụ nổ mới đây tại trung tâm thành phố miền đông Ben-ga-di làm chết ba nhân viên LHQ.

LHQ cho rằng, vụ tiến công ở Ben-ga-di, hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) của Tướng K.Haftar, chứng tỏ mối đe dọa khủng bố đang lan tràn trên khắp nước này. LHQ đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có chính phủ cùng lực lượng quân đội và cảnh sát thống nhất của Libya để điều hành hiệu quả quốc gia đang chìm trong khủng hoảng. LHQ kêu gọi các bên xung đột tại Libya bảo đảm an toàn cho những dân thường đang tìm cách rời khỏi khu vực tây nam nước này, nơi các cuộc không kích bằng máy bay và máy bay không người lái, các vụ tiến công bằng tên lửa và pháo kích cũng như các cuộc giao tranh trực tiếp trên mặt đất tiếp tục gây thương vong cho các bên tham chiến tại đây.

Kể từ đầu tháng 4-2019 đến nay, LNA đã mở các đợt tiến công nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli, nơi đặt các cơ quan của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận. Giao tranh làm hơn 1.000 người chết, gần 6.000 người bị thương, hơn 120 nghìn người mất nhà cửa. Sân bay Mi-ti-ga, sân bay duy nhất hiện hoạt động ở thủ đô Tripoli nhiều lần bị tiến công bằng tên lửa, gây gián đoạn các hoạt động hàng không. Phái bộ LHQ tại Libya (UNSMIL) cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực diễn ra ở thành phố Mu-dúc, miền nam Libya và những tác động tiêu cực đến người dân. Trong vòng ba tuần qua, gần 10 nghìn người đã phải di dời vì bạo lực tại khu vực này.

Trước diễn biến ngày càng nguy hiểm ở Libya, LHQ ráo riết thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn ở quốc gia này. UNSMIL có kế hoạch biến thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo giữa GNA và LNA thành một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Tuy nhiên, lộ trình tiến tới hòa bình cho Libya còn dài và nhiều chông gai. Thực tế, các bên tham chiến ở nước này đang nhận sự hậu thuẫn từ các quốc gia khác nhau. Giới phân tích khu vực nhận định, Ai Cập, UAE và A-rập Xê-út dành sự ủng hộ cho Tướng K.Haftar; Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hỗ trợ các nhóm dân quân liên minh với GNA. Trong khi đó, các nước phương Tây cũng hợp tác với các nhóm dân quân để chống những phần tử cực đoan và ngăn chặn dòng người di cư vào châu Âu. Italy được cho là ủng hộ GNA, trong khi Pháp lại ủng hộ LNA mặc dù Pa-ri luôn tuyên bố đang tìm cách làm trung gian cho cuộc khủng hoảng tại Libya.

Các nước phương Tây và khu vực thúc giục tất cả các bên cần bảo vệ người dân, bảo đảm nguồn tài nguyên dầu mỏ và bảo vệ các cơ sở vật chất ở Libya. Cộng đồng quốc tế đều ủng hộ kiến tạo một giải pháp chính trị lâu dài và khẳng định không có lựa chọn quân sự cho Libya. Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo M.Ca-đa-phi, Libya vẫn chìm trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Nhiều mùa xuân đã đi qua, song những dư âm và hệ lụy của “Mùa xuân A-rập” vẫn để lại “trái đắng” cho Libya, biến quốc gia từng một thời giàu mạnh ở Bắc Phi thành một đất nước hoang tàn, đổ nát và trở thành “điểm nóng” xung đột. Một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn đang được LHQ nỗ lực thúc đẩy, nhằm đáp ứng khát vọng về một nền hòa bình của người dân ở Libya. Tuy nhiên, con đường đi tới hòa bình ở đất nước này hiện đang đối mặt vô vàn thách thức và khó khăn.

BẢO TRÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41304302-khat-vong-hoa-binh.html