Khát vọng làm giàu

PTĐT - Năng động, nhạy bén cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm và tích lũy thêm nguồn kiến thức từ thực tiễn, những thanh niên thế hệ 8x, 9x không chọn cách ở lại thành phố lập nghiệp sau tốt nghiệp đại học mà về quê sống với ruộng đồng, ấp ủ những hoài bão của riêng mình cùng khát vọng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất nơi họ sinh ra.

Anh Bùi Phú Nam - Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ thanh niên xã Thanh Đình chăm sóc cây Đào chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán.

Anh Bùi Phú Nam - Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ thanh niên xã Thanh Đình chăm sóc cây Đào chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán.

Về quê phát triển dịch vụ
Sau khi tốt nghiệp đại học, Bùi Phú Nam sinh năm 1989, ở khu 9, xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì bươn chải khắp nơi mà cuộc sống vẫn chật vật, kinh tế gia đình khó khăn. Nhận thấy những lợi thế của đồng đất quê nhà, Nam quyết định khởi nghiệp bằng việc mạnh dạn phối hợp với một số bạn thân vay vốn ngân hàng, xin cấp phép thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thanh niên xã Thanh Đình, tập trung vào các ngành nghề: Kinh doanh vận tải, nhà hàng, tổ chức sự kiện, gia công cơ khí, nuôi trồng thủy sản, trồng cây cảnh, cây ăn quả.Giai đoạn mới thành lập, HTX gặp nhiều khó khăn nhất là thiếu vốn và thị trường. Để giải quyết bài toán này, Nam cùng các thành viên trong HTX không quản vất vả, đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước tìm mua nguồn cây, con giống cho mô hình vườn, ao, chuồng; tích cực nghiên cứu, học tập kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cảnh tại Viện Cây trồng Trung ương (Học viện Nông nghiệp Việt Nam); chủ động tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia; gửi đội ngũ nhân viên nấu ăn đi tập huấn tại các nhà hàng, khách sạn lớn ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nam cũng thường xuyên cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật qua sách, báo, tài liệu khoa học, dần dần tích lũy kinh nghiệm. Đến nay, HTX của Nam không chỉ cung cấp giống cây trồng; phát triển mạnh lợi thế trồng đào, mai, cây cảnh, nuôi trồng thủy sản mà còn làm dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; cơ khí; mộc dân dụng; nhà hàng; dịch vụ vận tải…, tạo việc thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của HTX hàng tỷ đồng/năm, trừ chi phí thu lãi 400 đến 600 triệu đồng. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Nam là một trong những thanh niên tiêu biểu của tỉnh trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế, là người tiên phong cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới tại địa phương.

Anh Nguyễn Văn Đức khởi nghiệp với giống gà nhiều cựa.

Anh Nguyễn Văn Đức khởi nghiệp với giống gà nhiều cựa.

Gìn giữ giống gà nhiều cựa quý hiếm
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất vùng cao, nơi có giống gà nhiều cựa quý trong truyền thuyết, ngay từ nhỏ, anh Nguyễn Văn Đức sinh năm 1985, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn đã thấu hiểu sự vất vả của người dân khi đi tìm mua con giống để phục vụ nhu cầu chăn nuôi của gia đình. Có thời điểm, gia đình anh phải tìm kiếm khắp các bản làng, thôn xóm ở Xuân Sơn, Minh Đài, Long Cốc - “thủ phủ” của giống gà quý cũng chỉ mua được vài chục con. Tuy nhiên, chất lượng không đồng đều, dễ bị lai và chênh lệch độ tuổi nên gặp khó khăn trong khâu chăm sóc. Năm 2013, nhận thấy giống là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm, anh Đức quyết tâm học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật để nhân giống gà nhiều cựa, tránh bị thoái hóa. Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, quy mô chuồng trại theo đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật úm giống bằng máy nên tỷ lệ sống tăng lên 60 - 70%. Gà khi mới nở ra đã có từ 6 - 8 cựa, chân to, màu vàng óng nên rất dễ phân biệt với các loại gà khác. Khi có nguồn giống ổn định, đảm bảo chất lượng, anh Đức đã mở rộng xây dựng chuồng trại theo mô hình trang trại, nhân giống kết hợp nuôi gà thương phẩm với mỗi lứa từ 900 - 1.000 con. Để tháo gỡ khó khăn về thị trường, anh Đức tiếp tục đầu tư thời gian học cách làm truyền thông và quảng bá trên Facebook, lập kênh Youtube giới thiệu các món ăn, đặc điểm nhận biết để người tiêu dùng tránh mua các loại gà kém chất lượng. Thị trường gà nhiều cựa dần được mở rộng, đến nay anh Đức đã cung cấp gà giống cho hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, doanh thu mỗi năm ước đạt khoảng 2 tỷ đồng. Đức tâm sự: “Tới đây mình sẽ tiếp tục phát triển mở rộng các kênh bán gà nhiều cựa dành cho khách hàng cao cấp và thực hiện liên kết với các cửa hàng, khu du lịch trên địa bàn huyện để giới thiệu cho du khách được thưởng thức các món ăn độc đáo chế biến từ gà nhiều cựa, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ cho người dân”.Tạm biệt những chàng trai dám nghĩ, dám làm, dám sống vì những gì mình chọn như anh Văn, anh Nam, anh Đức, chúng tôi hy vọng họ tiếp tục hiện thực hóa ước mơ làm giàu bằng hành động thiết thực, có lợi cho quê hương, cho cộng đồng, xứng đáng với lời dặn của Bác: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Những sản phẩm làm từ tre của Văn tham gia trưng bày tại các hội nghị trên địa bàn huyện, tỉnh.

Những sản phẩm làm từ tre của Văn tham gia trưng bày tại các hội nghị trên địa bàn huyện, tỉnh.

Tinh thần Tre Việt
Vốn sinh ra ở nông thôn, nên chàng trai Vũ Anh Văn (khu 1, thị trấn Thanh Thủy) nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào từ cây tre, vì vậy sau khi tốt nghiệp ra Trường Đại học Luật Hà Nội, Văn trở về quê hương với mong muốn góp sức cho nơi chôn rau cắt rốn của mình bằng việc sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó chàng trai sinh năm 1995 đã quyết định khởi nghiệp từ loại cây quen thuộc này. Ban đầu, Công ty TNHH BamBamBoo của Văn tiếp cận thị trường thông qua việc sản xuất đũa tre, ống hút tre, bán cho các cửa hàng ăn uống, quán tạp hóa nhỏ lẻ tại địa phương. Tuy nhiên, các sản phẩm này đều là những sản phẩm sơ chế thô sơ, giá trị gia tăng lợi nhuận không cao, điều đó thôi thúc anh tìm hướng đi cho các sản phẩm từ tre tinh xảo hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn như hộp bút, cốc, khay đĩa, ống hút, bình giữ nhiệt, lồng chim… Dám nghĩ, dám làm, sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, bắt đầu có thị trường, Văn quyết tâm đầu tư nhà xưởng, mở rộng sản xuất với việc nghiên cứu các thiết bị như máy cắt, máy mài, máy đánh bóng, máy khắc chữ laser... hướng tới xây dựng hình ảnh BamBamBoo gắn liền với các sản phẩm decor và đồ gia dụng tre cao cấp, phục vụ nhà hàng, khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng và xuất khẩu. Đây là hướng đi mới, vừa nâng cao giá trị của cây tre Việt, vừa thân thiện với môi trường. Vũ Anh Văn chia sẻ: “Với mong muốn góp phần bảo vệ môi trường, đẩy lùi các loại rác thải nhựa, mình hy vọng hướng đi này không chỉ mang lại những sản phẩm tốt cho người tiêu dùng mà còn góp phần nâng cao giá trị cây tre Việt Nam, quảng bá đến bạn bè trên thế giới”.Hiện nay các sản phẩm bằng tre của Văn ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, đã tiếp cận được thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, hàng tháng doanh thu đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 15 lao động với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Linh - Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202102/khat-vong-lam-giau-175294