Khát vọng làm giàu của chàng trai họ Lèng

Người bản Nà Nghè, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) lâu nay tự hào lắm khi nhắc tới người con sinh ra từ núi, từ làng mà giỏi giang nhường ấy. Đó là chàng trai dân tộc Tày Lèng Văn Duy với mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, trở thành điểm sáng trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã, góp phần khơi dậy khát vọng khởi nghiệp từ làng của nhiều người trẻ.

Chuyện lạ… gà “đeo kính”

Anh Duy bắt đầu chăn nuôi gà thịt từ năm 2016, anh chọn nuôi gà trống để có trọng lượng cao được thị trường ưa chuộng. Nhưng khổ nỗi, “cánh” gà trống thì hiếu chiến lắm, có khi chỉ một chuyện “tức nhau tiếng gáy” hay “xích mích” trong việc chọn chỗ ăn, chỗ đứng, thế là lao vào đánh nhau khiến lông xác xơ, nhiều con còi cọc, không lớn được, mẫu mã xấu, rất khó bán. Số lượng gà anh nuôi lên đến hơn 1.500 con, rất khó kiểm soát việc chúng “giao chiến” với nhau, nên anh mày mò tìm cách làm cho bọn gà không đánh nhau nữa.

Một lần tình cờ xem trên mạng thấy có người đeo kính cho gà để tránh gà chọi nhau, anh liền mày mò tìm địa chỉ, rồi đặt mua 1.000 chiếc về áp dụng vào trang trại gà nhà mình. Anh cho biết, kính cho gà anh mua với giá 700 đồng/chiếc, có thể sử dụng trong 3 năm, tính ra chi phí rất nhỏ nhưng hiệu quả mang lại thật bất ngờ. Những chiếc kính nhựa được đeo cho gà khiến chúng không thể thấy rõ nhau, khi đó gà sẽ hiền tính hơn, không còn “chạnh chọe” nhau nữa, giảm thiệt hại do “đánh nhau”. Anh bảo, từ khi đeo kính cho gà hiệu quả mang lại rõ rệt, chúng không đánh nhau tranh giành ăn, uống nữa nên gà lớn nhanh hơn. Năm đó anh thu lãi 70 nghìn đồng mỗi con, cũng bởi gà trống chất lượng đồng đều từ mẫu mã đến cân nặng.

Nhiều người dân trong xã đến học tập mô hình chăn nuôi cá của anh Lèng Văn Duy,thôn Nà Nghè, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa).

Nhân lên khát vọng làm giàu

“6 tháng đầu năm mình chăn nuôi gà thương phẩm cả mái, cả trống, còn 6 tháng sau dành để nuôi gà trống thiến cho cập Tết cổ truyền, vậy là cả năm gắn bó với gà rồi đấy”. Anh Duy cười thật tươi, đầy ắp niềm tự hào về nghề của mình. Bước sang năm thứ 4 nuôi gà thương phẩm, anh nghiệm ra nhiều điều để vận vào áp dụng, nhưng cái chính vẫn là đảm bảo từ nguồn thức ăn cho đến vệ sinh phòng dịch cho gà. Anh Duy xây dựng 2 trại gà, chia khu vực được lát nền bê tông, bưng kín xung quanh, nửa dưới xây gạch nửa trên quây lưới thép B40 đảm bảo độ thoáng cho chuồng trại. Nền chuồng gà sử dụng đệm lót sinh học từ lúc nuôi cho đến khi xuất bán, vừa đảm bảo môi trường vừa giúp đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt vì hạn chế được dịch bệnh. Không áp dụng đệm lót sinh học, chuồng trại dễ bị ô nhiễm, gà hay bị bệnh nấm chân, bệnh hô hấp, rất khó chữa. Cứ một tuần anh Duy phun thuốc sát trùng chuồng trại một lần.

Bên cạnh đeo kính cho gà để có được mẫu mã đẹp, anh nuôi gà theo hướng sinh học, nên cho thịt chắc và thơm ngon. Ngoài các loại thức ăn chính là lúa, ngô, anh còn bổ sung thêm thức ăn xanh, gà được chăn thả trong khu vườn cam nên thức ăn phụ từ côn trùng cũng giúp tăng cường dinh dưỡng. Anh chia sẻ tuần tự quy trình chăm gà tỉ mỷ, nếu trong 2 tháng đầu gà ăn hoàn toàn bằng cám ăn thẳng để “bật lực” thì những tháng sau anh bổ sung ăn ngô, lúa, sắn, và trước 1 tháng xuất chuồng anh cho gà ăn hoàn toàn bằng ngô, thóc.

Trang trại chăn nuôi gà của anh Lèng Văn Duy.

Trang trại chăn nuôi gà của anh Lèng Văn Duy.

Bãi chăn thả gà được san lấp bằng phẳng, tạo độ thoát nước, không có nước tù đọng, không có rác bẩn để tránh nhiễm bệnh cho gà. Anh Duy đặc biệt chú ý đến việc xây bể chứa cát và điểm sinh hoạt cho gà tắm, kích thước bể dài 2m, rộng 1m. Cát, sỏi hoặc đá nhỏ xung quanh nơi chăn thả, giúp cho chúng tiêu hóa nhanh hơn. Mỗi năm anh nuôi 2 lứa gà, từ 1.000 đến 1.200 con. Mỗi lứa xuất bán gần 1,5 tấn gà thịt, với giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg; trừ chi phí cho anh khoản lãi từ 150 đến 200 triệu đồng/năm. Anh Duy đã tìm kiếm được thị trường tiêu thụ gà thương phẩm ở tỉnh Hà Giang, tới đây anh sẽ tìm thêm những thị trường mới để mở rộng quy mô chăn nuôi.

Anh Duy còn đầu tư trồng 500 gốc cam Vinh, đến nay 250 gốc đã cho thu hoạch. Vườn cam cũng là khu “vui chơi” của gà, gà ăn cỏ, dọn côn trùng, giảm hẳn công làm cỏ cho vườn cam. Ngoài nuôi gà, trồng cam, anh còn ương nuôi cá giống, cá thương phẩm với diện tích mặt nước ao gần 2.000 m2 nuôi cá trắm cỏ, cá rô phi, trôi, chép, mè... Đưa tay chỉ về khoảng rừng xanh gần nhà, anh Duy bảo, thấy khắp nơi trồng rừng, thế là “cái máu” làm ăn lại trỗi dậy. Anh hì hục phát dọn cây tạp, cuốc hố trồng keo. “Khi rừng keo 3 ha lên xanh ngút ngàn, ai nấy đều thán phục ý chí của anh. Trước đó, cha mẹ anh cũng hoài nghi về những quyết định của con mình, nhưng chị Ma Thị Thoa, vợ anh luôn là người hiểu và ủng hộ chồng. Chị là người động viên và cùng chồng đồng tâm lập nghiệp. Với anh điều đó thật đáng quý, cho anh thêm nghị lực và những khát khao trên con đường lập thân lập nghiệp” - anh Duy tâm sự.

Học theo anh, nhiều chàng trai trẻ của xã Tân Thịnh đã phát triển chăn nuôi gia cầm theo quy mô khép kín, áp dụng kỹ thuật bài bản như anh Tạ Văn Thực, thôn Phúc An Mới; Hà Vĩnh Diện, thôn Linh Tân; Hà Tiến Thuận, thôn Lăng Luông… đều chăn nuôi gà với quy mô hơn 300 con/lứa. Chuyện nuôi gà đeo kính cũng là một kinh nghiệm trong chăn nuôi để mọi người cùng chia sẻ. Ông Hà Vĩnh Úy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thịnh chia sẻ, ở tuổi 33 nhưng anh Duy đã nhạy bén, sáng tạo trong phát triển kinh tế, giúp cho gia đình vượt qua mọi khó khăn từng bước vươn lên làm giàu, nhiều hộ dân trong xã noi theo anh, tạo động lực cho phong trào nhà nhà thi đua làm giàu chính đáng.

Phóng sự: Thùy Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/khat-vong-lam-giau-cua-chang-trai-ho-leng-125629.html