Khẩu vị mới trong hoạt động M&A ngành ngân hàng
Theo đánh giá của Deloitte, M&A của ngành ngân hàng hiện nay sẽ tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể còn nhiều tiềm năng tăng trưởng như tài chính tiêu dùng, ngân hàng bán lẻ và các dịch vụ ngân hàng, thay vì việc mua nhằm mục tiêu kiểm soát và gia nhập thị trường.
Cũng như các ngành khác, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng đã chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh. Rủi ro kinh tế toàn cầu tăng lên khiến nhà đầu tư có xu hướng tăng nắm giữ tiền mặt, các nhà đầu tư thận trọng hơn trong quyết định đầu tư.
Các ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng này, việc đầu tư mở rộng ra các thị trường khác, trong đó có Việt Nam sẽ được đánh giá kỹ càng hơn. Trong khi đó, dịch bệnh khiến nợ xấu tiềm ẩn của các ngân hàng trở nên đáng lo ngại hơn.
Các giao dịch cũng gặp nhiều khó khăn khi triển khai do việc hạn chế đi lại, giãn cách xã hội trong thời gian bệnh dịch. Ngoài ra, một phần nguồn vốn đầu tư bị hạn chế khi các nước có truyền thống đầu tư tại Việt Nam cũng chịu tác động mạnh của dịch bệnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, năm 2020, Việt Nam là một điểm sáng với việc thực hiện thành công mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi kinh tế. Trong đó, ngân hàng tiếp tục là ngành có tình hình hoạt động ổn định và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và nhiều hiệp định thương mại khác hứa hẹn mở ra cơ hội cho ngân hàng Việt đón làn sóng nhà đầu tư ngoại trong dài hạn.
Theo đánh giá của ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, Việt Nam vẫn đã và đang là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế và ngành ngân hàng không nằm ngoài xu hướng. Sự ổn định kinh tế vĩ mô, hấp dẫn trong tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua, sức hấp dẫn đến từ thị trường gần 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn… là những yếu tố khiến các nhà đầu tư không thể bỏ qua cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Các ngân hàng nước ngoài cũng như các ngân hàng có cổ đông nước ngoài đã và đang kinh doanh với kết quả rất ấn tượng. Cũng không thể không nói đến việc kiểm soát rất tốt dịch bệnh, nâng cao uy tín của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.
M&A ngành ngân hàng đã trải qua được hơn ba chu kỳ khác nhau từ năm 2000 đến nay. Theo đánh giá của Deloitte, M&A của ngành ngân hàng hiện nay sẽ tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể còn nhiều tiềm năng tăng trưởng như tài chính tiêu dùng, ngân hàng bán lẻ và các dịch vụ ngân hàng, thay vì việc mua nhằm mục tiêu kiểm soát và gia nhập thị trường.
"Hiện nay các giới hạn về sở hữu khiến cho mức độ hấp dẫn trong việc đầu tư giảm đi, nhà đầu tư chưa có nhiều quyền kiểm soát đối với các hoạt động của ngân hàng nên khả năng các giao dịch lớn đáng kể sẽ tương đối hạn chế cho lĩnh vực ngân hàng, và sẽ tập trung vào nhóm các nhà đầu tư quỹ, tổ chức tài chính tìm kiếm lợi nhuận hoặc cơ hội tìm hiểu thị trường", ông Thinh cho biết.
Để doanh nghiệp vừa và nhỏ bước lên cao tốc EVFTA
Việc ký kết EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) cùng các hiệp định thương mại song phương, đa phương khác cũng mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng như đầu tư vào các thị trường này. Đồng thời, cũng mang lại một làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới.
Trước những tín hiệu khả quan trong kiểm soát dịch bệnh và những cơ hội lớn đến từ việc ký kết thành công EVFTA, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ hồi phục đà tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh việc đem lại cơ hội hợp tác, phát triển cho nhiều các ngành nghề tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Thinh nhận định rằng trong ngắn hạn, EVFTA dự báo tác động không nhiều đến dòng vốn của EU vào thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam. EU là khu vực vốn không có nhiều hoạt động đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng trong quá khứ. Một yếu tố quan trọng là khác biệt về trình độ và văn hóa quản trị.
"Tuy nhiên, trong dài hạn, khi khoảng cách vềp trình độ quản trị được rút ngắn, với sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam, các ngân hàng Việt Nam sẽ thu hút được các nguồn vốn đầu tư từ thị trường này", ông Thinh nói.
Tại Việt Nam, Thông tư 41 được ngân hàng Nhà nước ban hành vào năm 2016 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020 đã tạo động lực lớn thúc đẩy các ngân hàng tại Việt Nam thay đổi và nỗ lực đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong quản lý rủi ro cũng như quản lý vốn theo các chuẩn mực của Ủy ban Basel.
Tiếp đó, năm 2018, ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 13 quy định hệ thống kiểm soát nội bộ và quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) tiệm cận với thông lệ theo trụ cột II của Basel II, với thời hạn tuân thủ cho cấu phần ICAAP là 1/1/2021. Thực tế có nhiều ngân hàng đã rất chủ động trong triển khai Basel II, ứng dụng mô hình phân tích dữ liệu trong quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro gian lận,…
Tuy nhiên, chặng đường để xây dựng một hệ thống quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ vững chắc chỉ đang mới bắt đầu. Bản thân các ngân hàng tại Việt Nam còn phải chuẩn bị rất nhiều về mặt hệ thống, dữ liệu tính toán và các quy trình, quy định liên quan để đáp ứng một cách toàn diện Basel II, cũng như tiến tới triển khai Basel III, Basel IV…
Chặng đường để xây dựng một hệ thống quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ vững chắc chỉ đang mới bắt đầu.
Ông Phạm Văn Thinh
Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam
Tại châu Âu, các ngân hàng đã triển khai Basel II theo phương pháp nâng cao từ năm 2008 và đang trong quá trình hoàn thiện và đáp ứng các chuẩn mực mới của Basel III kể từ 6/2021.
Do đó, các ngân hàng này đã đạt được sự trưởng thành về mặt công nghệ và hệ thống cho phép thực hiện các phương pháp quản lý rủi ro hiện đại.
Quá trình hợp tác giữa các tổ chức tín dụng tại Việt Nam và tại các thị trường phát triển sẽ gặp không ít khó khăn, bởi thị trường nói chung và các ngân hàng thương mại Việt Nam nói riêng chưa đạt đến mức độ trưởng thành để có thể tiếp nhận và triển khai ngay các giải pháp từ thị trường phát triển hơn.
Để thu hẹp khoảng cách và tận dụng tối đa cơ hội hợp tác, lãnh đạo Deloitte cho rằng, các ngân hàng cần chủ động đầu tư đáng kể để nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, xây dựng các mô hình định lượng và đào tạo, phát triển nguồn nhân sự có chất lượng tương xứng.
Việc đầu tư này nên được hoạch định cụ thể trong các kế hoạch ngắn hạn và chiến lược kinh doanh dài hạn của ngân hàng nhằm khắc phục các khó khăn, thách thức và đón đầu được những lợi ích, cơ hội mà EVFTA và các tổ chức tín dụng lớn tại châu Âu đem lại.
Dự đoán về triển vọng phát triển M&A ngành ngân hàng Việt năm 2021, lãnh đạo Deloitte cho rằng có nhiều yếu tố để hy vọng M&A ngành ngân hàng có nhiều điểm sáng trong năm 2021.
Thứ nhất, nhu cầu về vốn của các ngân hàng Việt Nam đang còn rất lớn. Có khá nhiều ngân hàng đang xây dựng kế hoạch chào bán cổ phần, phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi các ngân hàng đang kinh doanh với hiệu quả cao, rõ ràng ngành ngân hàng Việt Nam đang có một sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư. M&A là một phương thức cho các ngân hàng nước ngoài xâm nhập thị trường, khi mà chính phủ hạn chế ban hành giấy phép thành lập ngân hàng mới.
Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong về kinh tế cũng như kiểm soát bệnh tật, điều này làm Việt Nam tiếp tục là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Với tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, hy vọng các thương vụ sẽ được tái khởi động tạo ra thị trường M&A sôi động trong thời gian còn lại của 2021.