Khép lại kỷ nguyên vàng của nhà đầu tư Trung Quốc tại thủ phủ rượu vang Bordeaux

Sau hơn một thập kỷ thâu tóm các điền trang rượu vang Bordeaux, nuôi dưỡng giấc mơ về cuộc sống xa hoa ở Pháp và thu nhập tốt tại quê nhà, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang rao bán tài sản của họ.

Các nhà đầu tư Trung Quốc bán tháo tài sản

Các biện pháp kiểm soát vốn tại quê nhà, nhu cầu rượu vang giảm dần ở châu Á và chi phí vận hành các điền trang Pháp đẩy những người mua từng rất nhiệt tình từ Trung Quốc ra khỏi thị trường.

Một vườn nho của người Trung Quốc ở Bordeaux, Pháp.

Một vườn nho của người Trung Quốc ở Bordeaux, Pháp.

Chateau Latour Laguens là một trong những vườn nho Bordeaux đầu tiên được một công ty Trung Quốc mua lại vào năm 2009 với niềm tin rằng rượu vang của họ sẽ mang lại lợi nhuận lớn trên thị trường nội địa Trung Quốc. Sau đó là hơn 200 điền trang khác ở miền tây nam nước Pháp.

Chủ sở hữu Daisy Haiyan Cheng, người thừa kế của tập đoàn Longhai International, ban đầu đầy ắp ý tưởng về tòa nhà theo phong cách kiến trúc thời trung cổ - một phòng nếm rượu, một cửa hàng, các phòng khách sang trọng.

Ngày nay, Chateau Latour, với độ ẩm ngày càng tăng và những đàn dơi - những cư dân duy nhất - đang được rao bán đấu giá. Giá khởi điểm, không kể cây nho, chỉ là 150.000 euro (tương đương khoảng 4,1 tỷ đồng). Các điền trang khác gần đây cũng chứng kiến sự ra đi của chủ sở hữu người Trung Quốc.

Hồi tháng 5, chính quyền Pháp đã tịch thu 9 lâu đài được mua lại từ những năm 2010 bởi ông trùm người Trung Quốc, Qu Naijie - người sáng lập tập đoàn Haichang sau khi bị kết án tham nhũng.

Vào năm 2022, các lâu đài Golden Rabbit, Imperial Rabbit, Great Antilope và Tibetan Antilope biến mất khỏi bản đồ Bordeaux. 4 điền trang - đặt tên như vậy bởi chủ sở hữu Tong Chi Keung, đã trở lại tên gọi ban đầu của Pháp, khi người đứng đầu SGV Wines của Hồng Kông bán lại cho các nhà đầu tư Pháp.

Li Lijuan, một đại lý bất động sản và chuyên gia thị trường châu Á tại Vineyards-Bordeaux cho biết, nhiều lâu đài khác đang được rao bán với giá rẻ mạt như vậy. Theo bà Li, việc Bắc Kinh áp đặt các biện pháp kiểm soát giáng một đòn mạnh vào thị trường vốn đã bị suy yếu bởi sản xuất rượu vang Bordeaux quá mức. "Người Trung Quốc không thể đầu tư ra nước ngoài nữa vì tiền của họ bị kẹt ở Trung Quốc", bà Li giải thích.

Bà Li cho biết, hiện có khoảng 50 lâu đài Bordeaux đang được rao bán. Trong khi đó, các chủ sở hữu khác đang chờ thị trường phục hồi để bán cho được giá. Người mua khan hiếm đến nỗi một số lâu đài đang được bán với giá thấp hơn một nửa giá mua ban đầu.

"Một số nhà đầu tư Trung Quốc đã mua điền trang nhằm hướng tới cuộc sống xa hoa ở Pháp. Họ mua một tòa nhà đẹp, rẻ hơn nhiều so với một căn hộ ở Hồng Kông hoặc Thượng Hải. Tuy nhiên, họ không nghĩ đến sự ổn định tài chính của các điền trang, hoặc đầu tư cho tương lai", bà Li nhận định.

Nhà đầu tư tái cấu trúc để ở lại Bordeaux

Theo Safer Locale, một công ty giúp người mua tiếp cận bất động sản ở nông thôn Pháp, còn có những quan niệm sai lầm khác.

Một số nhà đầu tư Trung Quốc tái cấu trúc để ở lại Bordeaux.

Một số nhà đầu tư Trung Quốc tái cấu trúc để ở lại Bordeaux.

Một số nhà đầu tư Trung Quốc, vốn quen với các vườn nho do gia đình quản lý ở quê nhà, đã "đánh giá thấp chi phí" khi điều hành một điền trang lớn của Pháp và "đánh giá quá cao khả năng" bán các loại rượu vang đắt tiền để sản xuất tại thị trường nội địa vốn đã đông đúc của Trung Quốc.

"Mô hình kinh tế của họ là mua các điền trang giá rẻ, hy vọng thu được lợi nhuận ngay lập tức bằng cách sản xuất rượu vang với giá dưới năm euro và bán thông qua mạng lưới phân phối của riêng họ với giá 20, 40 hoặc thậm chí 100 euro một lần", Benoit Lechenault, giám đốc công ty con Agrifrance của ngân hàng BNP Paribas đánh giá.

Mặc dù mô hình đó có thể đã hiệu quả với một số người trong quá khứ, nhưng hiện tại thì không còn như vậy nữa. Kể từ khi Covid-19, lượng tiêu thụ rượu vang trong nước của Trung Quốc giảm mạnh, giảm 1/4 chỉ riêng trong năm 2023 theo thống kê của Tổ chức Rượu vang và Nho quốc tế.

Sau đó, có những yếu tố khí hậu ở Pháp như mưa đá và nấm mốc, đã làm giảm nhiệt tình của các nhà đầu tư gần đây, có lẽ không biết rằng phải mất vài năm mới bắt đầu kiếm được tiền.

"Người châu Âu lý luận theo thế hệ. Các nhà đầu tư Trung Quốc nghĩ theo chu kỳ 5 năm, sau đó việc bán lại tài sản là chuyện bình thường", nhà tài chính người Hồng Kông, Hugo Tian cho biết.

Một giám đốc kỹ thuật, người không muốn nêu tên, nói ông chỉ gặp ông chủ cũ "một lần trong vòng bốn năm" và đã bị quán triệt bởi "những yêu cầu bất khả thi" "không tính đến vòng đời của cây nho".

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư lớn của Trung Quốc vẫn ở lại. Jack Ma, tỷ phú sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, đã chi hàng chục tỷ đồng để tái cấu trúc một điền trang Sours ở Entre-Deux-Mers.

Trong khi đó, doanh nhân người Hồng Kông, Peter Kwok đã có cái nhìn dài hạn hơn bằng cách tái cấu trúc các vườn nho và các tòa nhà trên 7 điền trang từng bị bỏ hoang, một trong số đó sản xuất ra loại rượu vang Saint-Emilion Grand Cru Classe hiếm có.

Doanh nhân người Hồng Kông, Tian - người sở hữu Chateau Fauchey sản xuất loại rượu vang Cadillac Cotes de Bordeaux cao cấp, cũng sẽ ở lại. Thương gia này đang tính đến đầu tư "trung hạn đến dài hạn" vào khẩu vị tinh tế hơn của những người tiêu dùng Trung Quốc trẻ tuổi, "muốn tìm kiếm rượu vang tự nhiên hoặc hữu cơ thay vì rượu vang hảo hạng".

"Các nhà đầu tư Trung Quốc mới sẽ đến trong một vài năm nữa. Họ tính toán lý trí hơn và có tầm nhìn dài hạn hơn", ông Tian dự đoán.

Đức Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khep-lai-ky-nguyen-vang-cua-nha-dau-tu-trung-quoc-tai-thu-phu-ruou-vang-bordeaux-192241027145754962.htm