Khi an ninh quốc gia là tối thượng

Sau Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản trở thành quốc gia mới nhất dựng 'rào cản' đối với các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào các lĩnh vực được cho là nhạy cảm với an ninh quốc gia (ANQG), trong bối cảnh tội phạm công nghệ gia tăng cùng mối lo các công nghệ nhạy cảm bị rò rỉ ra nước ngoài…

Nhật Bản có kế hoạch siết chặt các quy định về đầu tư nước ngoài vào các công ty liên quan tới các lĩnh vực nhạy cảm đối với ANQG, trong đó có phát triển không gian vũ trụ và năng lượng hạt nhân. Các nhà đầu tư nước ngoài buộc phải chấp nhận những quy định mới khắt khe khi đầu tư vào các công ty của Nhật trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, điện, viễn thông, phát thanh truyền hình, đường sắt và phần mềm.

Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản sẽ sửa đổi Luật Ngoại hối, theo đó yêu cầu các nhà đầu tư phải xin phép trước khi mua dù chỉ là 1% cổ phần hoặc nhiều hơn ở một công ty thuộc các nhóm đối tượng trên. Tỷ lệ này giảm mạnh so với giới hạn 10% như hiện nay. Chính phủ cũng đệ trình dự luật liên quan lên Quốc hội và đề ra những quy định nghiêm ngặt hơn liên quan tới hoạt động của các nhà sản xuất vũ khí và ngành hàng không vũ trụ. Chính phủ còn yêu cầu cổ đông nước ngoài thông báo trước khi thực hiện các quyết định liên quan tới việc quản lý, điều hành như miễn nhiễm thành viên hội đồng quản trị hay bán các mảng kinh doanh chủ chốt. Các đề cử của hội đồng quản trị trong những ngành nhạy cảm sẽ phải được chính phủ xem xét. Những đối tượng vi phạm sẽ bị buộc bán hết cổ phần của mình.

 Các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực không gian vũ trụ ở Nhật Bản sẽ phải chịu những quy định nghiêm ngặt hơn. Trong ảnh: Một vụ phóng tàu vũ trụ của Nhật Bản tại Trung tâm không gian Tanegahima. Ảnh: Kyodo

Các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực không gian vũ trụ ở Nhật Bản sẽ phải chịu những quy định nghiêm ngặt hơn. Trong ảnh: Một vụ phóng tàu vũ trụ của Nhật Bản tại Trung tâm không gian Tanegahima. Ảnh: Kyodo

Những quy định hà khắc mới không thể tránh khỏi việc tạo ra một rào cản đáng kể cho đầu tư nước ngoài vào Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh chính quyền của Thủ tướng Abe Shinzo đang tích cực thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán. Một trong những biện pháp đó là giám sát việc giới thiệu bộ luật quản trị và quản lý đầu tiên của Nhật Bản để làm chất xúc tác cho đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư cũng nhận thấy Nhật Bản đã đạt được những kết quả khả quan với việc chứng kiến thị trường tài chính gia tăng đáng kể, kể từ năm 2012. Họ cũng chứng kiến những nỗ lực của Thủ tướng Abe Shinzo nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài, nhưng đó không phải là những khoản đầu tư trực tiếp (FDI), bởi ông đã chứng tỏ cho thấy là nhà lãnh đạo đặt vấn đề ANQG lên hàng đầu.

Để cân bằng và tránh ảnh hưởng tới mục tiêu thu hút dòng vốn nước ngoài, Chính phủ Nhật Bản cũng có kế hoạch đơn giản hóa thủ tục để khuyến khích đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực không liên quan đến ANQG.

Một quan chức Bộ Tài chính Nhật Bản thừa nhận, việc Mỹ tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài đã cảnh tỉnh Tokyo trước những lo ngại gia tăng về nguy cơ rò rỉ công nghệ nhạy cảm ra nước ngoài, nhất là những quốc gia đối thủ. Trước đó, chính quyền Mỹ đã đề xuất các quy tắc mở rộng sự giám sát của chính phủ đối với các hoạt động đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những quy định hạn chế của Nhật Bản đưa ra vào thời điểm đó được cho là chưa đủ mạnh nhưng nguy cơ ngày càng rõ rệt đối với ANQG. Hồi tháng 5, Nhật Bản đã mở rộng danh sách các công ty thuộc phạm vi phải thông báo về hoạt động đầu tư nước ngoài, bao gồm những công ty về thiết bị điện, phần mềm và viễn thông.

Còn hiện nay, Nhật Bản tiến thêm một bước nữa trong nỗ lực giám sát hoạt động đầu tư nước ngoài, với việc điều chỉnh Luật Ngoại hối và Luật Ngoại thương được trông đợi sẽ hoàn thành trước cuối năm nay. Các quy định mới của Mỹ bao gồm việc mua đất của người nước ngoài gần với các cơ sở ANQG. Trong khi đó, luật pháp Nhật Bản chưa bao gồm nội dung này, nên cần phải kịp thời lấp “lỗ hổng” này trước những mối đe dọa đến ANQG. Việc sửa đổi Luật Ngoại hối và Ngoại thương có thể giúp Tokyo đối phó với mối lo ngại đó. Thậm chí, theo quan chức Nhật Bản nói trên, cuối cùng có khả năng Nhật Bản sẽ phải đưa ra một luật hoàn toàn mới.

Không chỉ Mỹ, các động thái đối phó quyết liệt của châu Âu cũng khiến Tokyo không thể ngồi yên. Hồi tháng 2, lần đầu tiên Nghị viện châu Âu đã thông qua dự luật kiểm soát đầu tư nước ngoài nhằm ngăn chặn nguy cơ hoạt động này đe dọa ANQG.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Truyền thông Nhật Bản từng cho biết, căn cứ vào tầm quan trọng ngày càng tăng của việc bảo đảm an ninh mạng trong những năm gần đây, Nhật Bản quyết định thực hiện các bước đi cần thiết, từ quan điểm ngăn chặn các tình huống có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANQG. Trong đó, Tokyo tập trung ngăn chặn rò rỉ công nghệ, vốn được xem là quan trọng đối với ANQG hoặc có thể gây hại đến nền an ninh quốc phòng và nền tảng công nghệ.

MAI NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/khi-an-ninh-quoc-gia-la-toi-thuong-592844