Khi bị ngộ độc rượu phải làm gì?

Thông tin về 3 người ở phường Đức Long, TP. Phan Thiết bị tử vong nghi do ngộ độc rượu vào cuối tháng 2 vừa qua, khiến dư luận không khỏi hoang mang về tình trạng 'rượu pha cồn' lâu nay. Bên cạnh đó cũng có không ít người băn khoăn về việc phải làm gì khi bản thân, người nhà bị ngộ độc rượu.

Khi bị ngộ độc rượu phải làm gì

Công an thu giữ mẫu rượu để đưa đi xét nghiệm sau vụ 3 ca tử vong nghi ngộ độc.

Công an thu giữ mẫu rượu để đưa đi xét nghiệm sau vụ 3 ca tử vong nghi ngộ độc.

Công an TP. Phan Thiết đang tiến hành điều tra nguyên nhân cái chết của 3 người đàn ông nghi do ngộ độc rượu ở phường Đức Long. Đặc biệt, cả 3 nạn nhân đều mua rượu tại một tiệm tạp hóa trên đường Trần Lê, phường Đức Long. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nếu người nhà các nạn nhân phát hiện sớm và tiến hành các biện pháp sơ cứu ban đầu, thì đã không xảy ra tình huống đau lòng. Trong 3 trường hợp trên, có người xuất hiện các biểu hiện ngộ độc rượu 3 ngày trước nhưng người nhà không phát hiện ra. Vào ngày 21/2, ông D mua 3 lít rượu về nhà uống. Đến ngày 22/2, ông D có biểu hiện đau đầu, khó thở. Đến sáng ngày 24/2, ông D được gia đình đưa đi cấp cứu ở Trung tâm Y tế TP. Phan Thiết. Nhưng do biểu hiện bệnh lý quá nặng, ông D được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Đến tối 25/2, ông D đã tử vong. Trường hợp ông Kh và anh H (cả 2 cùng trú khu phố 2, phường Đức Long), khi nạn nhân có biểu hiện mệt mỏi, khó thở thì người nhà lại đi mua thuốc về cho uống chứ không đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Theo nhiều chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến ngộ độc rượu chủ yếu là do cồn methanol. Nhiều tiệm tạp hóa, vì lợi nhuận đã pha nước lã với cồn methanol tạo ra rượu để bán ra thị trường. Sau khi uống rượu pha cồn methanol, trong thời gian chậm nhất là 24 giờ, các triệu chứng của ngộ độc rượu sẽ xuất hiện. Nếu nhẹ, nạn nhân sẽ có các biểu hiện như: ho yếu, nhịp thở không đều, da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh, nôn nhiều. Nặng hơn nạn nhân sẽ bị co giật, tê yếu chân tay hoặc tê yếu một bên mặt, nói ngọng khi đã tỉnh táo, thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở miệng, thở chậm hoặc ngừng thở, gọi hỏi không biết, bất tỉnh.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo nếu người uống rượu có biểu hiện ngộ độc dạng nhẹ thì cho người bệnh uống nhiều nước liên tục để cơ thể không bị mất nước khi nôn. Nên uống thêm các loại nước chanh, nước cam vắt, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu nấu nhừ (đặc biệt là đậu xanh). Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và nằm nơi thoáng mát nhưng tránh gió lùa. Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái. Nếu người uống rượu say ngủ, hãy để yên cho họ ngủ. Tuy nhiên, cứ vài tiếng phải đánh thức dậy cho ăn cháo loãng, tránh trường hợp đói sẽ bị hạ đường huyết rất nguy hiểm. Không nên cho bệnh nhân uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không cho người bệnh tự di chuyển. Rượu làm chậm chức năng của não, ảnh hưởng đến việc giữ thăng bằng, dễ gây ra tai nạn.

Để tránh uống phải rượu pha cồn methanol, người tiêu dùng nên tránh uống các loại rượu trôi nổi chưa được kiểm định chất lượng và chưa qua kiểm tra của cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm. Với người có biểu hiện ngộ độc rượu ở dạng nặng thì phải đưa người bệnh đi cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất, tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra.

Nguyễn Luân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/khi-bi-ngo-doc-ruou-phai-lam-gi-125291.html