Khi các nhà mốt lấn sân F&B: Ăn hamburger Gucci, uống cà phê LV, ngồi quán Ralph Lauren
Hamburger Gucci hay cà phê Ralph Lauren đang được mở rộng thêm nhiều địa điểm. Có những lời bàn tán, tranh luận xung quanh chuyện các nhà mốt xa xỉ lấn sân mảng F&B, liệu chuyện hợp nhất giữa cảm giác sang trọng và thực phẩm có khả thi?
Nếu không đủ tiền mua biểu tượng sang trọng,
thì mua một phần của sang trọng
Đánh thẳng vào tâm lý ngưỡng mộ và thích cái mới của giới trẻ, những nhà hàng, quán cà phê của nhà mốt xa xỉ đã không chỉ dừng ở thử nghiệm (pop-up) nữa mà đã thật sự bước vào cuộc chơi kinh doanh với nhà hàng và quán cố định. Nếu một chiếc túi xách Gucci là ngoài tầm với đối với nhiều người thì giờ đây có thể tận hưởng một chút hương vị Gucci với 20 đôla cho một chiếc bánh hamburger. Tại nhà hàng Gucci Osteria ở Seoul, nhà hàng thứ tư được mở bởi hãng thời trang xa xỉ này, một chiếc bánh mì kẹp thịt sẽ tiêu tốn của bạn 27.000 won (hơn 500K); còn nếu dùng bữa bài bản quy chuẩn với thực đơn đầy đủ các món sẽ có giá từ 120.000 won (2,4 triệu) đến 170.000 won (3,4 triệu đồng).
Louis Vuitton cũng đã có bước đột phá đầu tiên vào F&B (food & beverage, kinh doanh ăn uống) với việc khai trương Le Cafe V tại Osaka, Nhật Bản. Fendi cũng gây ấn tượng với cà phê pop-up mang logo double F của nhà mốt.
Cuộc lấn sân mạo hiểm này của các nhà mốt xa xỉ hiện tại đang là một giải pháp đôi bên cùng có lợi. Đối với nhà mốt, khó khăn kinh tế, dịch bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh số thì mảng F&B là một cửa ngõ hiệu quả để tăng thêm doanh thu đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng, độ phổ biến của thương hiệu. Còn giới trẻ có thêm chỗ để mơ ước check-in, tận hưởng phong cách sống sang trọng với số tiền trong tầm tay hơn.
20 đôla cách rất xa 2 ngàn đôla nhưng vẫn được gắn với chữ xa xỉ.
Thêm nữa, các quán cà phê, nhà hàng hiệu xa xỉ trở thành một điểm đến góp phần kích thích du lịch, nhanh chóng nằm trong danh sách check-in mơ ước phải chinh phục của các tín đồ hàng hiệu, đặc biệt là giới trẻ.
“Đồ hiệu ăn được” - thú vị đấy nhưng bao xa là quá xa
Ai chẳng thích uống tách cà phê có logo LV hay nếm chiếc bánh mang logo Chanel. Nhưng nghe thì thú vị, duy trì đường xa lại là một bài toán khác. Nhiều chuyên gia cho rằng các thương hiệu như Gucci hay Ralph Lauren cần phải đặt giới hạn để tránh làm loãng thương hiệu. Vì đối với đồ xa xỉ, thứ quan trọng nhất là “cảm giác sang trọng”.
Thứ mà phải giữ nhất quán dù ở biến thể nào. Trong khi đó lĩnh vực F&B nhiều cạnh tranh, đòi hỏi thời gian và kinh nghiệm quản lý, duy trì chất lượng. Nếu làm không khéo, thì bài học những năm 1980 vẫn còn đó, khi các thương hiệu thời trang mở rộng quá mức, nhượng quyền một cách dễ dãi, đã khiến một số thương hiệu bị sụp đổ.
Rút kinh nghiệm quá khứ đau thương, các thương hiệu xa xỉ đã khôn khéo hơn rất nhiều khi mở rộng thương hiệu. Họ sẽ hợp tác với những thương hiệu khác có uy tín trong lĩnh vực mà mình nhắm đến, thay vì tự mình làm tất cả.
Tuy nhiên trước khi ngã ngũ về bài toán kinh doanh, với các fan thời trang thuần túy thì đây là lúc ngó nghiêng danh sách các hàng quán xa xỉ sau để làm điểm đến mục tiêu khi có dịp đi du lịch:
1. Le Cafe V của Louis Vuitton
Với việc khai trương quán cà phê và nhà hàng đầu tiên ở Nhật, Louis Vuitton chính thức tham gia vào cuộc cạnh tranh. Tọa lạc tại cửa hàng flagship 4 tầng của nhà mốt ở Osaka Midosuji, Le Cafe V được khai trương với sự hợp tác của đầu bếp Nhật Bản nổi tiếng Yosuke Suga. Ngoài ra tại đây còn có một lối vào bí mật dẫn đến Sugalabo V, một nhà hàng độc quyền cũng do Suga quản lý, có số chỗ ngồi hạn chế.
2. Gucci Osteria
Nếu theo dõi sát sao bạn có thể đến các nhà hàng dạng thử nghiệm giai đoạn ngắn như pop-up Gucci Osteria mở ở Singapore. Còn muốn đến nhà hàng cố định thì có thể đặt vé đến Ý. Nhà hàng Gucci Osteria ở Florence được mở bởi hai người bạn thời thơ ấu, Giám đốc điều hành Gucci Marco Bizzarri và đầu bếp Massimo Bottura. Nhà hàng nằm ẩn mình trong tòa nhà Gucci Garden, một cửa hàng theo phong cách bảo tàng dành riêng cho mọi thứ của Gucci.
Nhà bếp do đầu bếp gốc Mexico Karime Lopez phụ trách, người chế biến các món ăn cổ điển của Ý với cách chế biến hiện đại. Và nếu bạn nghĩ rằng nhà hàng chỉ là một mánh khóe tiếp thị mà không có đồ ăn ngon phù hợp, thì Gucci Osteria đã được trao tặng sao Michelin vào năm 2019.
3. Pasticceria Marchesi của Prada
Prada đã mua lại phần lớn cổ phần của cửa hàng bánh ngọt lịch sử này ở Milan. Trong suốt nhiều năm, Pasticceria Marchesi đã duy trì danh tiếng là một địa điểm nổi tiếng về cà phê, bánh ngọt và đồ ngọt. Đặc sản của nó là panettone, một món quà Giáng sinh điển hình của người Milan.
Ngoài các món ngọt, cửa hàng còn là nơi lui tới đầy phong cách với nội thất màu ngọc bích và cảm giác trang trí nghệ thuật. Pasticceria Marchesi hiện có ba cửa hàng ở Ý và cũng đã mở rộng sang London.
4. Tiffany Blue Box Café
Ăn sáng tại Tiffany’s đã trở thành hiện thực chứ không chỉ là phim. Quán cà phê Blue Box của Tiffany and Co. mở ở New York tại cửa hàng hàng đầu ở Đại lộ số 5 của thương hiệu, sau đó đã mở rộng ra các chi nhánh ở Hồng Kông và Thượng Hải. Cà phê Tiffany cũng vừa mở ở London, Anh, tại điểm mua sắm nổi tiếng Harrods. Khách tại quán cà phê có thể thưởng thức bữa sáng, trà chiều và bữa tối theo phong cách minh tinh Audrey Hepburn, được bao quanh bởi nội thất mang sắc thái biểu tượng của màu xanh Tiffany.
5. Thomas' Café của Burberry
Được đặt theo tên của người sáng lập Burberry, Thomas' Café ở London mang đến trải nghiệm ăn uống tinh túy của Anh, đúng như những gì bạn mong đợi từ một nhà mốt Anh. Nằm trong cửa hàng hàng đầu của Burberry trên phố Regent, quán cà phê có trần nhà cao, sàn lát đá cẩm thạch trắng xám và cửa sổ lớn nhìn xuống con phố nhộn nhịp bên dưới.
Thomas' Café phục vụ các món ăn cổ điển của Anh như tôm hùm và khoai tây chiên. Ngoài ra còn có trà chiều tinh tế hoàn chỉnh với bánh mì và món tráng miệng.