Khi chỉ thị của Đảng được nhân dân đồng tình ủng hộ

Ông Lê Trọng Hùng ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh phát triển kinh tế gia đình nhờ vốn tín dụng chính sách. Ảnh: LÊ HẢO

Sau 5 năm triển khai, với những kết quả đạt được, có thể khẳng định rằng Chỉ thị 40-CT/TW đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh; được các cấp ủy, chính quyền địa phương coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40) được ban hành vào cuối năm 2014. Từ đó đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai.

Qua 5 năm thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách. Đồng thời xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của đơn vị.

Góp phần giúp trên 22.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo

Là hộ nghèo, sau hơn 2 năm vay vốn chính sách, kinh tế gia đình ông Lê Trọng Hùng ở khu phố 6, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh đã được cải thiện đáng kể. Ông Hùng cho biết: Tôi vay 30 triệu đồng vốn chương trình hộ nghèo từ năm 2017.

Với số vốn này, ban đầu tôi mua 10 con dê về nuôi. Được một thời gian, dê sinh sản, tôi xuất bán dê và mua cừu nuôi tiếp. Bên cạnh đó, tôi còn tận dụng hơn 3 sào đất vườn để trồng 300 trụ tiêu, 50 gốc cam và nuôi gần 100 con gà. Nếu không có nguồn vốn “mồi” từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tôi không thể mạnh dạn làm ăn như ngày hôm nay.

Thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; đặc biệt là các chỉ tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới. Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt

Kinh tế gia đình bà Huỳnh Thị Hở ở thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa chưa bao giờ khá giả. Từ ngày chồng mất, cuộc sống của hai mẹ con bà càng vất vả hơn. Tuy nhiên, theo bà Hở, nhờ địa phương quan tâm, chi hội nông dân thôn hỗ trợ, hướng dẫn bà làm thủ tục vay vốn chính sách nên con gái bà tiếp tục được đi học, ra trường, có việc làm ổn định; còn bà thì có vốn nuôi bò để kiếm đồng ra đồng vô lo cho cuộc sống.

“Tôi vay vốn từ khi còn là hộ nghèo, giờ gia đình đã thoát nghèo, tôi vẫn tiếp tục được vay. Ngoài ra, tôi còn được vay vốn học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Có vốn, lại chú tâm làm ăn, cuộc sống của mẹ con tôi đỡ vất vả hơn trước”, bà Hở tâm sự.

Không riêng hộ ông Hùng, bà Hở, từ khi có Chỉ thị 40 đến nay, NHCSXH Phú Yên đã giải ngân cho hơn 195.000 lượt hộ vay vốn, góp phần giúp trên 22.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động; gần 31.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 92.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 900 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách... 5 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trên 2%/năm; đến nay, dư nợ đạt trên 2.800 tỉ đồng, tăng hơn 1.000 tỉ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 88.000 hộ còn dư nợ (chiếm hơn 1/3 tổng số hộ dân toàn tỉnh).

Chính sách nhân văn sâu sắc

Theo bà Đặng Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, tín dụng chính sách xã hội có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. “Nhận thức được điều đó, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với NHCSXH Phú Yên và chính quyền địa phương tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả lồng ghép với các chương trình, đề án của Hội, gắn với làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo”, bà Nga cho biết.

Còn theo ông Tô Phương Bắc, Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Sơn Hòa, toàn huyện có 16.576 hộ; trong đó, tỉ lệ hộ nghèo hơn 15,3%, hộ cận nghèo 10,36%, hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 31,8%, có 6 xã đặc biệt khó khăn, người dân sống bằng nghề nông là chính. Do đó, nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của người dân trên địa bàn tỉnh rất lớn.

Để đáp ứng nhu cầu này, những năm qua, dù địa phương còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Ban đại diện HĐQT NHCSXH Phú Yên, Huyện ủy, UBND huyện, các ban ngành, mà đặc biệt là từ khi có Chỉ thị 40, hàng năm, UBND huyện đều sớm cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH cho vay trên địa bàn.

Kết quả nguồn vốn ngân sách địa phương đến nay hơn 2,7 tỉ đồng. Nhờ vậy, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, trên địa bàn huyện có hơn 24.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, và hơn 10% trong số này đã vượt qua ngưỡng nghèo.

Không riêng huyện Sơn Hòa, hàng năm, UBND tỉnh và các địa phương khác đều sớm trích ngân sách ủy thác NHCSXH Phú Yên cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay. Tính đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác hơn 70 tỉ đồng, tăng 55,4 tỉ đồng so với cuối năm 2014, gấp 3,7 lần so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40.

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho tín dụng chính sách

Theo đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, với ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội và những kết quả tích cực qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, trong những năm tới, tỉnh cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội.

Phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của đơn vị, địa phương. Tiếp tục ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách địa phương và huy động nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách để bổ sung nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tập trung vào các lĩnh vực như: phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững...

Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, mới đây, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính nghiên cứu, cân đối, tham mưu UBND tỉnh bố trí tối thiểu 20 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh năm 2020; UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch chi ngân sách địa phương năm 2020 mỗi huyện tối thiểu 1,2 tỉ đồng, riêng TP Tuy Hòa và TX Sông Cầu mỗi địa phương tối thiểu 2 tỉ đồng.

Như vậy, trong năm 2020, toàn tỉnh sẽ bố trí tối thiểu 32,4 tỉ đồng ủy thác NHCSXH Phú Yên bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. So với con số 17,8 tỉ đồng vốn ủy thác trong năm 2019 đến thời điểm này thì tối thiểu 32,4 tỉ đồng là một nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.

“Để phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác nói riêng, tín dụng chính sách nói chung, thời gian tới, NHCSXH Phú Yên sẽ phối hợp các cấp, ngành tham mưu chính quyền địa phương lồng ghép nguồn vốn cho vay với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời tiếp tục khảo sát nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, chú trọng nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo để xây dựng kế hoạch trình Trung ương bổ sung, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân trên địa bàn tỉnh...”, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên nói.

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/229663/khi-chi-thi-cua-dang-duoc-nhan-dan-dong-tinh-ung-ho.html