Khi chính sách miễn học phí đặt cạnh câu chuyện 'xin hỗ trợ laptop 6 triệu', thấy gì?

Trong khi xã hội luôn cố gắng vì một nền giáo dục nhân văn hơn, đâu đó vẫn còn những trường hợp như cô giáo trong câu chuyện 'xin hỗ trợ laptop 6 triệu'.

Những ngày qua, dư luận xã hội dành nhiều sự tán dương, ủng hộ về chủ trương miễn học phí cho học sinh các cấp tại 6 tỉnh thành trong cả nước. Đơn cử như tại tỉnh Quảng Ninh - địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua, chính quyền tỉnh đã quyết định miễn học phí cho gần 244.000 học sinh các cấp từ mầm non đến THPT với tổng ngân sách dự kiến khoảng 167 tỷ đồng. Hay mới đây, ngày 26/9, HĐND tỉnh Quảng Nam đã chính thức thông qua nghị quyết miễn học phí cho học sinh trong 2 năm học 2024 - 2025, 2025 - 2026. Tỉnh này dự kiến sẽ dành khoảng 158 tỷ đồng cho chính sách này. Hay các địa phương khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thực hiện miễn học phí cho học sinh.

Tỉnh Quảng Nam miễn học phí cho học sinh 2 năm học 2024 - 2025, 2025 - 2026. Ảnh: V.L

Tỉnh Quảng Nam miễn học phí cho học sinh 2 năm học 2024 - 2025, 2025 - 2026. Ảnh: V.L

Phải chăng, các địa phương có ngân sách dư dả nên miễn học phí cho học sinh? xin thưa hoàn toàn không phải. Trên thực tế, tỉnh Quảng Ninh vừa trải qua cơn bão lịch sử, thống kê của địa phương này ước tính tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra là gần 25.000 tỷ đồng.

Tương tự, tại tỉnh Quảng Nam, trong hơn 1 năm vừa qua, kinh tế tỉnh trải qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi tái lập tỉnh. Theo UBND tỉnh, chính sách thu học phí có ý nghĩa lớn trong chủ trương xã hội hóa giáo dục, thể hiện sự đồng hành của xã hội trong công tác giáo dục. Tuy nhiên, kinh tế tỉnh trong thời gian qua khó khăn, đồng nghĩa áp lực chi tiêu của người dân cũng khó khăn, vì vậy, lãnh đạo tỉnh đã đồng thuận thông qua chính sách miễn học phí cho học sinh.

“Thực tế trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam chịu ảnh hưởng bất lợi của thiên tai và dịch Covid-19, nhằm tháo gỡ một phần khó khăn cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh, HĐND đã ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí và hỗ trợ học phí đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, UBND tỉnh Quảng Nam cho hay. Xuất phát từ mong muốn chia sẻ một phần khó khăn cho người dân, tỉnh Quảng Nam đã quyết định miễn học phí cho học sinh trong 2 năm học.

Từ đó cho thấy, việc miễn học phí tại các địa phương là sự cố gắng của chính quyền, thể hiện sự đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân, tạo môi trường học tập tốt hơn cho sự nghiệp "trồng người".

Luôn đặt “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, những nỗ lực của các địa phương trong việc miễn học phí cho học sinh các cấp lan tỏa mạnh mẽ tính nhân văn và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Những chính sách này cũng là những bài học mà thầy cô trong các trường lớp có thể nêu bật, dẫn chứng trong các bài học đạo đức về tính nhân văn trong sự nghiệp giáo dục.

Tin nhắn "thân thiện" của cô giáo T.P.H với phụ huỵnh lớp 4/3. Ảnh: T.K

Tin nhắn "thân thiện" của cô giáo T.P.H với phụ huỵnh lớp 4/3. Ảnh: T.K

Tuy nhiên, đâu đó trong xã hội vẫn còn những cá thể đi ngược lại với những nỗ lực của toàn xã hội, mà điển hình, mới đây nhất là vụ việc một cô giáo tại một trường tiểu học ở TP. Hồ Chí Minh xin phụ huynh hỗ trợ 6 triệu đồng để mua laptop.

Theo đó, cô giáo chủ nhiệm lớp 4/3 Trường tiểu học Chương Dương (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) đã đề xuất với hội phụ huynh học sinh hỗ trợ 5 - 6 triệu đồng để mua máy tính xách tay. Khi có phụ huynh bình chọn bỏ phiếu không đồng ý cô giáo đã hỏi đó là phụ huynh của học sinh nào và khóa bình luận. Sau đó, cô giáo đã “dỗi” và thông báo cô không nhận hỗ trợ, cô không soạn đề cương ôn tập và phụ huynh tự ôn bài cho học sinh.

Sau khi sự việc được các cơ quan báo đài đưa tin, Trường tiểu học Chương Dương và Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh lên tiếng xác nhận sự việc và cho biết sẽ xử lý nghiêm. Cô giáo trong vụ việc cũng đã bị tạm ngưng đứng lớp trong thời gian chờ xử lý vụ việc.

Mặc dù cô giáo đã lên tiếng giải thích rằng mình không “dỗi” phụ huynh, nhưng lời giải thích khó có thể chấp nhận được.

Bởi lẽ, việc mua sắm trang thiết bị dạy học là nghĩa vụ của giáo viên, nếu giáo viên khó khăn thì đề xuất với nhà trường để được hỗ trợ giải quyết. Bên cạnh đó, ngay khi có phụ huynh bình chọn không đồng ý hỗ trợ, cô giáo đã hỏi đó là phụ huynh của học sinh nào, liệu có phải cô đánh vào yếu điểm, tâm lý của phụ huynh sợ con em mình bị trù dập hay không?

Bình luận trên các cơ quan báo chí và mạng xã hội, tất cả người dân, đặc biệt là các nhà làm công tác giáo dục bày tỏ bức xúc về hành vi của cô giáo.

Dư luận xã hội đang đợi câu trả lời về kết quả xử lý vụ việc cô giáo Trường tiểu học Chương Dương xin hỗ trợ mua laptop

Dư luận xã hội đang đợi câu trả lời về kết quả xử lý vụ việc cô giáo Trường tiểu học Chương Dương xin hỗ trợ mua laptop

Những trường hợp như cô giáo “xin hỗ trợ laptop 6 triệu” mang tính cá biệt trong xã hội, nhưng hậu quả của những hành vi này để lại cho ngành giáo dục vô cùng lớn, làm xấu đi hình ảnh của người thầy trong mắt các phụ huynh học sinh, là gương xấu cho các học sinh, phủ nhận đi những nỗ lực của cả xã hội dành cho nền giáo dục vì con người phát triển toàn diện hơn.

Đáng nói, người viết nhấn mạnh là nếu như vụ việc không bị cơ quan báo đài vào cuộc thì liệu nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh có phát hiện và đưa vụ việc ra để xử lý hay không, hay phụ huynh phải tiếp tục “tự nguyện” với các đề nghị hỗ trợ của giáo viên?

Ngành giáo dục là nơi “trồng người”, nhưng người làm công tác “trồng người” lại đi ngược lại với nền giáo dục nhân văn vì người học, vậy trách nhiệm là của ai?

Dư luận xã hội đang dành sự theo dõi kết quả xử lý vụ việc từ ngành giáo dục TP. Hồ Chí Minh, trong đó, bao gồm cả trách nhiệm của cô giáo, nhà trường và chính Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh. Đối với vụ việc này, theo suy nghĩ thiển cận của người viết, dư luận xã hội chắc chắn sẽ không hài lòng nếu như kết quả lại là “rút kinh nghiệm”!!!

Bình An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khi-chinh-sach-mien-hoc-phi-dat-canh-cau-chuyen-xin-ho-tro-laptop-6-trieu-thay-gi-349258.html