Khi cộng đồng quốc tế lên tiếng về vấn đề biển Đông
Căng thẳng trong khu vực biển Đông ngày càng gia tăng khi Trung Quốc liên tục có những hành động đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế. Trước bối cảnh đó, Liên minh châu Âu (EU) mà cụ thể là 3 quốc gia đứng đầu gồm Anh, Đức, Pháp đã thể hiện rõ quan điểm không chỉ là một đối tác thương mại thụ động mà muốn nâng cao hơn nữa vị thế tại châu Á-Thái Bình Dương và đảm bảo quyền tự do hoạt động hàng hải trong khu vực này.
Quyết tâm hiện diện
Hãng tin Reuters ngày 15-9 đã đăng tải một bài viết về vấn đề biển Đông hiện nay. Theo đó, dựa trên quan điểm của chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Clingendael ở Hà Lan, ông Frans-Paul van der Putten, Reuters nhận định:
"Một vài năm trước, các nước châu Âu muốn ít can thiệp vào các vấn đề an ninh ở khu vực Đông Á. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, có một sự khẩn cấp mới buộc các nước này phải tham gia nhanh chóng. Sự xuất hiện của nhiều tàu chiến trên biển Đông đã tạo thành "đòn bẩy", thúc giục các quốc gia châu Âu phải hành động hơn nữa, nhất là khi Mỹ sẵn sàng "đối đầu" với Trung Quốc để chặn đứng tham vọng bá chủ biển Đông và đảm bảo tự do an ninh hàng hải trong khu vực".
Nói kỹ hơn về vấn đề này, ông Frans - Paul van der Putten cũng cho rằng, từ lâu, châu Âu đã quen với việc đứng giữa hai cường quốc Mỹ và Nga nhưng ngày nay, mối quan hệ Mỹ-Trung cũng đang tạo nên sự xác định lại vị trí địa chính trị của châu Âu. Điều này tạo ra những tình huống khó xử mới cho các chính phủ châu Âu, vốn đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc lựa chọn các bên.
Có lẽ đó cũng chính là lý do khiến Anh, Pháp, Đức hồi cuối tháng trước lần đầu tiên ra một tuyên bố chung, bày tỏ sự lo ngại về tình hình ở biển Đông và cảnh báo những hành động đơn phương, bất chấp pháp luật có thể dẫn đến sự bất an và căng thẳng ở khu vực.
Cả 3 quốc gia này đều kêu gọi tất cả các bên liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông thực hiện các bước đi và biện pháp giảm căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực.
Trung Quốc từ lâu luôn ấp ủ việc hiện thực hóa tham vọng độc chiếm biển Đông. Bất chấp những phân chia về chủ quyền và thềm lục địa theo luật quốc tế và Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), nước này liên tục có những hành động vi phạm chủ quyền của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei.
Trước bối cảnh đó, Mỹ dù không phải là quốc gia có chủ quyền trong khu vực nhưng coi tuyến đường biển qua biển Đông là một phần trong chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Vì thế, thời gian gần đây, Mỹ cùng các quốc gia châu Âu cũng đã có nhiều hoạt động hơn nữa để khẳng định quyền tự do hàng hải trên biển Đông.
Hồi tháng 2, Mỹ và Anh đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung ở biển Đông, trong khi Pháp đưa tàu tấn công hải quân Dixmude và một tàu khu trục vào gần khu vực này.
Ông Frans -Paul van der Putten phân tích: "Anh rất muốn khẳng định quyền tự do hàng hải qua các vùng biển quốc tế và cùng với các đồng minh như Mỹ và Australia thẳng thắn bảo vệ các hành động như vậy để chống lại một Trung Quốc ngày càng "hiếu chiến".
Năm ngoái, chính quyền London cũng đã lên kế hoạch gửi tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong lần triển khai hoạt động đầu tiên, dự kiến diễn ra vào năm 2021. Đương nhiên là Trung Quốc không hề thích điều này.
Phát biểu tại London hồi tuần trước, Su Guanghui, Tùy viên quốc phòng Trung Quốc tại Anh nói: "Nếu Mỹ và Anh cùng chung tay trong một thách thức trong vấn đề biển Đông hoặc vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, đó sẽ là hành động thù địch".
Nhưng như Sarah Raine - chuyên gia tư vấn cao cấp về địa chính trị và chiến lược tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London nhận định:
"Không có gì đáng ngạc nhiên khi EU muốn tham gia vào việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Đây là một kết quả tự nhiên của thực tế là ở châu Á, EU đã chán ngấy với việc bị đối xử ít hơn một đối tác thương mại và không liên quan đến các vấn đề chiến lược lớn của lục địa, mặc dù khu vực này có lợi ích to lớn trong đó.
Khi tham gia chặt chẽ hơn vào sự phát triển ở biển Đông, các quốc gia thành viên hàng đầu của EU đang hợp tác để hỗ trợ các giải pháp đa phương cho các vấn đề đa phương thông qua các đối tác đa phương mà trọng tâm là ASEAN".'
Bảo vệ lợi ích thương mại
Chưa hết, ngoài vấn đề biển Đông, EU còn bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp gay gắt với Trung Quốc về những gì họ coi là đối xử không công bằng đối với các doanh nghiệp EU hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong một báo cáo phát hành hồi đầu năm, Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi các nhà lãnh đạo EU thông qua kế hoạch hành động 10 điểm, ghi nhãn Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh kinh tế của Nhật Bản và một đối thủ có hệ thống thúc đẩy các mô hình quản trị thay thế.
Theo Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cao cấp của Chương trình chuyển giao vũ khí và chi tiêu quân sự (SIPRI) ở Thụy Điển, EU đang cố gắng tăng đòn bẩy đối với Trung Quốc và Mỹ bằng cách cho thấy họ cũng là một bên có lợi ích thương mại lớn trên biển Đông và rằng nếu có chuyện gì xảy ra ở vùng biển này, các ngành công nghiệp châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Đây cũng là lý do khiến EU sớm ra tuyên bố mạnh mẽ hơn về vấn đề biển Đông:
“EU sẽ tiếp tục ủng hộ các tiến trình trong khu vực do ASEAN dẫn đầu, nhằm đẩy mạnh hơn nữa trật tự quốc tế và khu vực dựa trên luật lệ, đồng thời củng cố hợp tác đa phương và thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn với các bên thứ ba.
Chúng tôi mong chờ các bên sớm đi đến kết thúc, theo cách minh bạch, các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và mang tính ràng buộc về pháp lý.
EU cam kết ủng hộ trật tự pháp lý trên biển và đại dương phù hợp với luật pháp quốc tế, hợp tác và an ninh hàng hải, cũng như tự do hàng hải và hàng không, vì lợi ích của mọi quốc gia”.
Hãng CNN thì đưa tin, không chỉ Mỹ, EU mà nhiều quốc gia khác cũng thẳng thắn bày tỏ lo ngại về tình hình biển Đông hiện nay, nhất là khi Cục Nam Hải thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc mới đây lại thông báo triển khai mạng lưới thiết bị bay không người lái (UAV) ở biển Đông với lý do để theo dõi, giám sát những quần đảo và vùng biển xa bờ.
Gọi đây là "mưu đồ kiểm soát", một số hãng thông tấn khác cho rằng, Bắc Kinh đang từng bước củng cố năng lực kiểm soát Biển Đông thông qua kế hoạch tổng thể là xây dựng mạng lưới thiết bị trên không, trên bờ, trên các thực thể và trong không gian.
Do đó, không chỉ các quốc gia có chủ quyền trong khu vực mà cộng đồng quốc tế cũng phải tích cực hơn nữa trong vấn đề biển Đông, đấu tranh vì mục đích chung là tự do, an ninh và an toàn hàng hải.
Nói kỹ hơn về vấn đề này, TS Rajaram Panda, nghiên cứu viên cao cấp tại Hạ viện Ấn Độ cảnh báo, Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch "hăm dọa" các nước láng giềng nhỏ hơn để buộc họ từ bỏ các quyền hợp pháp của mình trên biển Đông; "đe dọa" các quốc gia khác trên thế giới để ngăn chặn khả năng bị "quốc tế hóa" vấn đề biển Đông.
Mục đích của Bắc Kinh là giải quyết song phương rồi dần dần biến những điều không thể thành có thể; những đảo không tranh chấp thành đảo tranh chấp...
Lấy ví dụ cụ thể về những hành động của Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam, TS Rajaram Panda cho rằng, Việt Nam có quyền tìm kiếm sự hợp tác của bất cứ một quốc gia, bạn bè nào trong quá trình đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
"Không một quốc gia đơn lẻ nào có khả năng tự mình bảo vệ an ninh và trật tự hàng hải ở Biển Đông. Bởi vậy, những quốc gia có chung quan điểm cần hợp tác với nhau để bảo vệ các lợi ích chung toàn cầu", TS Rajaram Panda khẳng định.