Khi du lịch và nghệ thuật truyền thống 'bắt tay' nhau

'Cái bắt tay' giữa nghệ thuật truyền thống và hoạt động du lịch đã mang đến những hiệu ứng to lớn, được ví như 'một mũi tên trúng nhiều đích'. Bởi hoạt động này không chỉ góp phần giới thiệu, bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, mà còn làm đa dạng các sản phẩm, níu chân du khách lưu trú lại với vùng đất Cố đô Hoa Lư.

Biểu diễn hát xẩm tại phố cổ Hoa Lư thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Ảnh: Minh Đường

Biểu diễn hát xẩm tại phố cổ Hoa Lư thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Ảnh: Minh Đường

"Đánh thức" các trò chơi dân gian

Được đưa vào khai thác và sử dụng chưa lâu nhưng với việc luôn làm mới các hoạt động, phố cổ Hoa Lư luôn là địa điểm ngày càng được nhiều du khách yêu thích. Du khách đến đây không chỉ được được tham quan, trải nghiệm các sản phẩm truyền thống nổi tiếng đến từ các làng nghề lâu đời như làng đá mỹ nghệ Ninh Vân, làng gốm Bồ Bát, thêu ren Văn Lâm, tranh Bồ Đề,… mà còn được thưởng thức nghệ thuật dân gian đặc sắc, mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc. Chính điều này đã tạo nên sức hút để "níu chân" du khách trong thời gian qua.

Chị Lê Thanh Hòa (tỉnh Nam Định) cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi được xem múa rối nước ở ngoài đời thực. Mọi khi chỉ xem trên truyền hình nên không thấy hết được sự độc đáo, hấp dẫn, kỳ công của loại hình nghệ thuật này. Điều quan trọng hơn là các cháu nhỏ đã có những trải nghiệm đáng nhớ và hiểu thêm về lịch sử, văn hóa nghệ thuật của dân tộc."

Cùng với các trò chơi dân gian như nhảy sạp, nhảy dây,… việc đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống đã mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Sự hiện diện của những nét văn hóa, nghệ thuật truyền thống là cách để Ninh Bình quảng bá du lịch, văn hóa độc đáo và làm sống dậy những giá trị nghệ thuật có nguy cơ bị mai một.

Ông Đinh Hồng Quân, Nhà hát Chèo Ninh Bình chia sẻ: "Múa rối nước là loại hình gắn liền với đời sống thường ngày của người dân Việt Nam nhưng hiện nay không còn được nhiều người chú ý. Việc đưa loại hình này biểu diễn tại các khu, điểm du lịch đã cho múa rối có thêm một cơ hội "sống lại" trong lòng khán giả. Đây cũng chính là niềm động viên để những nghệ sỹ múa rối của Nhà hát Chèo như chúng tôi tiếp tục gắn bó, quyết tâm đưa nghệ thuật dân gian đến gần hơn với công chúng."

Mới đây, trong khuôn khổ của Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng 2022, du khách thêm một lần nữa được thưởng thức các giá trị độc đáo của loại hình nghệ thuật dân tộc mang lại.

Là một người rất yêu thích nghệ thuật xẩm, chị Nguyễn Hương Liên (tỉnh Thanh Hóa) khi được thưởng thức các tiết mục xẩm ở nơi được mệnh danh là "nôi xẩm" đã có những chia sẻ: "Không gian tổ chức hát xẩm rất xúc động, ấm cúng, gần gũi, chuyên nghiệp. Được chìm đắm trong không gian như thế này là một điều khó quên, khiến tôi chỉ mong có dịp được quay trở lại đây thêm nhiều lần nữa. Sự kiện này cho những người yêu xẩm như chúng tôi có thêm niềm tin mạnh mẽ vào sự phát triển của xẩm trong thời gian tới." Chị Hương Liên cũng cho biết, bản thân chị không cảm thấy hối hận vì đã quyết định ở lại đây thêm 1 buổi tối cùng bạn bè.

Các tiết mục hát xẩm đặc sắc được biểu diễn phục vụ người dân và du khách tại phố cổ Hoa Lư.

Đưa các loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống vào các khu, điểm du lịch là cách làm hiệu quả. Theo thống kê của Ban Quản lý Phố cổ Hoa Lư, trung bình mỗi ngày nơi đây đón từ 2.000 - 3.000 khách du lịch; vào những dịp cuối tuần có tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian như hát xẩm, hát chèo, múa rối, múa lân,... thu hút khoảng 5.000 khách. Và có lẽ ý nghĩa cao cả hơn, là tự trong thẳm sâu mỗi trái tim du khách đã có một niềm yêu thích, tự hào dành riêng cho nghệ thuật dân gian của Ninh Bình nói riêng và các loại nghệ thuật truyền thống khác.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với mục tiêu mà Ninh Bình luôn hướng tới đó là: Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn liền với các giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh" đã được cụ thể trong Nghị quyết 07/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Trong đó nêu rõ: "Ưu tiên nghiên cứu các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với các giá trị di sản, văn hóa truyền thống của vùng đất và con người Ninh Bình. Tích cực đưa các loại hình nghệ thuật dân tộc (hát chèo, hát xẩm, múa rối, nghệ thuật cồng chiêng, văn hóa đồng bào Mường) vào phục vụ du lịch.

Để nghệ thuật truyền thống "có đất sống"

Đồng chí Trần Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao cho biết: Văn hóa có vai trò quan trọng, vừa mục tiêu vừa là động lực phát triển, vì vậy những năm qua công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử luôn được ngành quan tâm, phối hợp thực hiện. Ninh Bình hiện còn lưu giữ nhiều nghệ thuật truyền thống đặc sắc như hát chèo (Yên Khánh); hát ca trù, hát xẩm (Yên Mô); hát văn (Nho Quan),…

Những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống cho quần chúng nhân dân vào các dịp lễ hội, lễ kỷ niệm. Đặc biệt phối hợp ban quản lý các khu, điểm du lịch đưa các loại hình nghệ thuật phục vụ du khách nhân các sự kiện như Tuần Du lịch Ninh Bình, Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An,…

Thông qua hoạt động biểu diễn, giao lưu cho thấy các loại hình nghệ thuật dân tộc tiêu biểu của Ninh Bình và cả nước như xẩm, chèo, múa rối, quan họ,… vẫn có sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Qua đó giúp địa phương quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch đến đông đảo quần chúng nhân dân và cũng là cơ hội để các nghệ nhân giao lưu, trao truyền các giá trị vô giá cho con cháu đời sau.

Khai thác các giá trị văn hóa đặc sắc của nghệ thuật truyền thống góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách; đồng thời là giải pháp giúp người dân tham gia làm du lịch có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, từ đó bảo vệ, gìn giữ văn hóa truyền thống của cha ông.

Tuy nhiên, làm nghệ thuật dân tộc đã khó, đưa nghệ thuật dân tộc phục vụ khách du lịch lại càng khó khi phải hài hòa giữa giá trị nghệ thuật với nét đặc thù của hoạt động du lịch. Để thực hiện tốt công tác này, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nhiều hơn nữa nét độc đáo của các nghệ thuật truyền thống trong tỉnh; thực hiện công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực xã hội khôi phục, phát triển các hoạt động này.

Các địa phương có nghệ thuật truyền thống cần quan tâm, động viên các nghệ nhân, những người am hiểu nghệ thuật truyền thống vào cuộc, tổ chức truyền dạy lại cho các thế hệ trẻ, đồng thời tạo điều kiện để các loại hình nghệ thuật truyền thống có "đất sống" trong các khu, điểm du lịch.

Các điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống cần nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng nội dung chương trình phong phú nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo ấn tượng và thu hút khách du lịch đến, lưu lại lâu hơn, qua đó góp phần đưa du lịch của tỉnh ngày càng phát triển.

Minh Hải- Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khi-du-lich-va-nghe-thuat-truyen-thong-bat-tay-nhau/d20220921123129934.htm