Cả F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ và Su-30S/M/K của Nga đều là chiến đấu cơ hai động cơ, có hai phi công điều khiển. Nếu chiếc F/A-18E/F của Mỹ đưa vào biên chế năm 1997, thì Su-30 của Nga đưa vào biên chế năm 1998. Giá của F/A-18E/F là 80 triệu USD, trong khi đối thủ Su-30SM giá khoảng 70 triệu USD.
Về tốc độ tiêu chuẩn của 2 loại máy bay này cũng gần tương đương; với Su-30 là Mach 2.0 và F/A-18E/F là Mach 1,85. Sải cánh của chúng cũng nằm trong giới hạn gần tương tự, trong khi chiến đấu cơ Su-30SM của Nga là 14,7 mét, trong khi của Hornet là 13,7 mét, nhưng diện tích cánh của chúng là gần bằng nhau.
Về trọng lượng cất cánh tối đa của hai loại máy bay này cũng gần tương đương, đều nằm trong khoảng 29.937 kg - 30.450 kg. Trần bay tối đa của F/A-18E/F là 16 km, trong khi của Su-30 là 17 km.
Nếu radar được ví là con mắt và đôi tai của máy bay chiến đấu, thì radar trên tiêm kích F/A-18E/F được trang bị loại radar mới nhất và hiện đại nhất mà các chuyên gia quân sự biết đến trong những năm gần đây, đó là radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA), có khả năng chống nhiễu và phát hiện mục tiêu cao hơn.
Loại radar AESA mà F/A-18E/F đang sử dụng là AN/APG-79 Active, có phạm vi phát hiện mục tiêu lên đến 150 km; không chỉ theo dõi một mục tiêu đơn lẻ, mà còn theo dõi nhiều mục tiêu cùng một lúc. Phi công có thể bắn đồng thời bằng nhiều loại vũ khí, vào một số mục tiêu được cho là nguy hiểm nhất.
Còn loại radar sử dụng trên tiêm kích Su-30 của Nga là radar quét mảng pha điện tử chủ thụ động (PESA) NIIP N011M BARS; nhược điểm của loại radar PESA là mức độ chính xác hạn chế, do công nghệ này sử dụng chùm tia rộng. Trong khi các radar AESA có mức độ chính xác cao hơn.
Về phạm vi phát hiện và xác định vị trí của mục tiêu, radar NIIP N011M BARS của Nga cũng có khả năng phát hiện và xử lý hàng chục mục tiêu cùng lúc và có phạm vi phát hiện tối đa tương tự như radar AN/APG-79 Active trên F/A-18E/F của Mỹ.
Về pháo hàng không dùng trong không chiến tầm cực gần, F/A-18E/F được trang bị pháo nòng xoay 6 nòng cỡ 20 mm M61A1 Vulcan, có trọng lượng nặng từ 96 đến 112 kg, có tốc độ bắn đến 6.000 viên/phút và được sử dụng trên tất cả các loại máy bay chiến đấu của Mỹ trong 60 năm qua.
Su-30 của Nga được trang bị pháo hàng không hai nòng GSh-30-1, trọng lượng chỉ 46 kg; nhưng không giống như đối thủ Mỹ, loại pháo này có cỡ nòng 30 mm và chỉ có một nòng, do vậy pháo GSh-30-1 có tốc độ bắn chậm hơn và số lượng đạn bắn ra trong một thời gian ít hơn so với M61A1 Vulcan của Mỹ.
Nếu pháo GSh-30-1 của Nga có sơ tốc đầu nòng là 900 m/s, thì Vulcan của Mỹ là 1.050 m/s, nhưng pháo Nga hiệu quả và chính xác hơn trong không chiến tầm xa, với tầm bắn hiệu quả là 1.800 m, trong khi pháo Vulcan của Mỹ có tầm bắn hiệu quả nhất chỉ 600-700 m; kém đối thủ người Nga hai lần rưỡi.
Nếu sử dụng pháo hàng không để chiến đấu với nhau, F/A-18E/F sẽ hiệu quả hơn; trong khi Su-30 của Nga sẽ nguy hiểm hơn, nếu nó không cho phép F/A-18E/F tiếp cận quá gần, mà giữ ở cự ly tiếp xúc ngoài 1.000 mét.
Hiện trên thế giới, máy bay chiến đấu của Nga vẫn là chiếm ưu thế về khả năng cơ động. Mặc dù F/A-18E/F và Su-30 có động cơ và tốc độ cơ bản gần như tương đương nhau, nhưng sự khác biệt đến từ lực đẩy của động cơ, được ví là “trái tim” của máy bay.
Su-30 của Nga có lực kéo của một động cơ là 123 kN, tổng lực kéo của cả hai động cơ là 246 kN, trong khi F/A-18E/F có lực kéo của mỗi động cơ là 97 kN và tổng cộng là 194 kN đối với cả hai động cơ. Như vậy, nhìn số liệu, sự khác biệt nghiêng về tiêm kích Nga là 52 kN.
Tức là máy bay chiến đấu của Nga có tổng lực đẩy của các động cơ thêm 2.800 kg, như vậy Su-30 có khả năng cơ động hơn đối thủ Mỹ, mặc dù nó nặng hơn F/A-18E/F.
Đánh giá tổng thể rất khó để so sánh hai máy bay chiến đấu có chức năng và đặc điểm gần tương đồng. Tuy nhiên mỗi loại máy bay đều có lợi thế riêng. Nếu F/A-18E/F có radar tốt hơn, có thể phát hiện và đánh dấu chính xác không chỉ một mà là hàng chục mục tiêu, thì Su-30 có khả năng cơ động nhanh hơn.
Mặt khác, Su-30 có thể bắn trúng F/A-18E/F ngay cả trước khi trận không chiến tầm gần diễn ra, vì khẩu pháo của nó chính xác và hiệu quả hơn ở cự ly gần một km rưỡi và có thể dễ dàng thoát khỏi sự truy sát của khẩu M61A1 Vulcan trên F/A-18E/F với sức cơ động vượt trội.
Đó là lý do tại sao không thể nói, liệu F/A-18E/F Super Hornet có vượt qua Su-30 Flanker hay ngược lại. Tuy nhiên, điều khẳng định là, nếu hai máy bay chiến đấu đối đầu nhau trong một trận chiến trên không, yếu tố duy nhất có thể quyết định chiến thắng sẽ là phi công, chứ không phải máy bay hay vũ khí, bởi vì chúng quá hoàn hảo. Nguồn ảnh: Pinterest.
Tiêm kích hạm F/A-18 của Không quân Hải quân Mỹ cất cánh từ đường băng trên hàng không mẫu hạm. Nguồn: USnavy.
Tiến Minh