Khi nào nên sử dụng thuốc đạn đặt trực tràng?

Thuốc đặc trực tràng có thể sử dụng trong trường hợp người bệnh bị co thắt thực quản, hôn mê, co giật... Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

 Thuốc đặt trực tràng được sử dụng khi trẻ sốt cao. Ảnh: Adobe Stock.

Thuốc đặt trực tràng được sử dụng khi trẻ sốt cao. Ảnh: Adobe Stock.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), thuốc đạn đặt trực tràng là dạng thuốc ở thể rắn, viên thuốc có hình dáng như viên đạn nên được gọi là thuốc đạn.

Tác dụng của thuốc đạn đặt trực tràng

Thành phần thuốc đạn gồm dược chất, tá dược và một số tá dược trơn, dính thường được sử dụng với mục đích thay đổi độ tan, tính thấm, tăng khả năng hấp thu dược chất như bơ ca cao, gelatin, natri laurylsufat, tween, PEG…

Sau khi đặt thuốc vào trực tràng, dưới tác dụng của thân nhiệt và niêm dịch các tá dược sẽ tan chảy và dược chất được giải phóng.

Tùy thuộc vào vị trí đặt thuốc, quá trình hấp thu dược chất sẽ khác nhau.

Dược chất đi theo đường trực tràng dưới và giữa, hấp thu vào tĩnh mạch chủ dưới vào tuần hoàn chung. Khi dược chất đi theo đường trực tràng trên sẽ hấp thu vào tĩnh mạch cửa gan vào tuần hoàn chung. Vì vậy, đường thứ 2 khiến thuốc dễ bị chuyển hóa qua gan lần đầu.

Khi nào nên sử dụng thuốc đạn đặt trực tràng?

Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, ba mẹ cần có các giải pháp hạ sốt kịp thời, tránh để tình trạng sốt cao kéo dài. Hiện nay, có 2 phương pháp hạ sốt chủ yếu là sử dụng thuốc hạ sốt uống và nhét hậu môn.

Thuốc nhét hậu môn được sử dụng khi bé không chịu uống hoặc uống thuốc sẽ bị nôn, sốt cao li bì khiến việc uống thuốc khó khăn, trẻ bị co giật.

Trong trường hợp trẻ chỉ bị sốt thông thường, ba mẹ chỉ nên dùng thuốc hạ sốt dạng uống để mang đến tác dụng nhanh và thích hợp hơn.

Lưu ý khi sử dụng thuốc đạn đặt trực tràng

Để sử dụng thuốc hạ sốt đút hậu môn một cách an toàn và hiệu quả, ba mẹ cần lưu ý một số điều sau:

Thuốc nên được bảo quản ở nơi mát mẻ (<30 độ C), giữ lạnh nếu nhãn yêu cầu. Nếu cảm thấy thuốc đặt quá mềm, cần cho vào ngăn đá tủ lạnh trong một vài phút trước khi mở vỏ thuốc.
Sau khi bóc thuốc ra, cần phải nhét vào hậu môn của trẻ ngay lập tức. Điều này là do sau khi rời lớp vỏ, thuốc sẽ dễ tan nhanh dẫn đến không đủ liều lượng để hạ sốt.
Vị trí đặt tốt nhất là đưa thuốc qua hậu môn sâu 2,5 cm (khoảng 1 đốt ngón trỏ) đối với bệnh nhân là người lớn. Đối với trẻ em thì dùng ngón út để đưa thuốc vào 1,5 cm (khoảng 1/2 đốt).
Khi đã sử dụng thuốc hạ sốt nhét hậu môn, không sử dụng thêm thuốc uống có chứa thành phần Paracetamol. Trong thuốc hạ sốt đút hậu môn đã có chứa Paracetamol, nếu uống thêm sẽ dễ bị quá liều, gây hạ nhiệt độ nhanh và ngộ độc thuốc.
Trước khi đặt thuốc, phụ huynh cần vệ sinh sạch sẽ hậu môn cho trẻ, sau đó rửa tay sạch bằng xà phòng. Đặt mông trẻ ở tư thế dốc lên, sau đó đưa thuốc vào rồi khép giữ 2 nếp mông trẻ để thuốc tan, không rơi ra ngoài trong khoảng 2 phút.
Không nên sử dụngthuốc hạ sốt đút hậu môn thường xuyên và cần lưu ý khoảng cách giữa các lần dùng thuốc để đảm bảo việc hạ sốt cho trẻ.
Không nên dùng thuốc đặt trực tràng cho trẻ bị dị ứng với Paracetamon, trẻ có bệnh nặng ở gan, bị tiêu chảy, bị viêm da vùng hậu môn - trực tràng và chảy máu trực tràng. Bên cạnh đó, trẻ bị táo bón hoặc đang có bệnh lý vùng hậu môn cũng không được dùng thuốc hạ sốt nhét hậu môn. Khi lớp niêm dịch ở trực tràng không bình thường sẽ ảnh hưởng tới sự hấp thu của thuốc, từ đó tác dụng điều trị trong việc hạ sốt sẽ bị giảm.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/su-dung-thuoc-dan-dat-truc-trang-sao-cho-hieu-qua-post1500559.html