Khi nông dân say mê làm khoa học

Xuất phát từ mong muốn giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân quanh năm 'chân lấm tay bùn' học hỏi nghiên cứu sáng tạo ra những thiết bị, giải pháp hữu hiệu từ những vật dụng quen thuộc hàng ngày. Những sáng tạo khoa học, kỹ thuật mang thương hiệu 'nông dân' không chỉ phục vụ sản xuất, tiết kiệm chi phí cho chính họ mà còn được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Đồng chí Ngô Thế Hoàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, trao chứng nhận cho tác giả, nhóm tác giả đạt giải trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật trong nông dân tỉnh Thái Nguyên lần thứ XII, năm 2023-2024.

Đồng chí Ngô Thế Hoàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, trao chứng nhận cho tác giả, nhóm tác giả đạt giải trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật trong nông dân tỉnh Thái Nguyên lần thứ XII, năm 2023-2024.

Chè là cây trồng chủ lực giúp phần lớn nông dân Đại Từ vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Hiện nay, đa số hộ sản xuất chè, các thành viên HTX trên địa bàn huyện vẫn dùng củi để sao chè, gây khói bụi, tỏa nhiệt, ảnh hưởng đến sức khỏe, tốn nhân công và chi phí vì phải xử lý nhiều khâu liên quan đến nhiên liệu đốt và nhất là sản phẩm chè kém chất lượng do nhiệt lượng không ổn định, bị ám khói. Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2023, anh Triệu Đức Luyện cùng hai người bạn có chung đam mê cơ khí đã nghiên cứu, chế tạo ra thiết bị cấp nhiệt sạch để ứng dụng vào sản xuất, chế biến chè.

Anh Luyện chia sẻ: Chúng tôi áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến như máy băm tiên phong, thiết bị cấp nhiệt sạch. Thiết bị này sẽ tận dụng tối đa phế, phụ phẩm nông lâm nghiệp băm nhỏ làm nhiên liệu đốt theo công nghệ khí hóa sinh khối, tránh lãng phí, giúp bảo vệ môi trường. Để người dân nắm bắt về cách vận hành, chúng tôi đã dành một năm cho khách hàng trải nghiệm bằng cách cho mượn thiết bị cấp nhiệt rồi cung cấp nhiên liệu cho họ.

Bộ phận kỹ thuật sẽ đến từng hộ sao chè để hỗ trợ vận hành thiết bị. Thiết bị được ứng dụng sẽ giúp tiết kiệm 60-70% nhiên liệu đốt, chi phí, thời gian, tăng năng suất lao động, đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Đến nay, 98% khách hàng trải nghiệm đều có phản hồi tốt về thiết bị, do vậy, tới đây chúng tôi sẽ phân phối chính thức tới các cơ sở, sản xuất kinh doanh chè trong thời gian tới. - Anh Luyện thông tin.

Còn với chị Nguyễn Thị Thúy, tổ dân phố Trung Kiên, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa), việc xử lý rác thải sinh hoạt, nhà bếp luôn làm chị đau đầu bởi lượng rác thải trong mỗi gia đình ngày càng nhiều gây hôi thối, mất mỹ quan, ô nhiễm nguồn đất, nước và không khí. Chị nghĩ, tại sao chúng ta không biến rác thải hữu cơ làm phân bón trồng rau, như vậy sẽ giải quyết được 3 vấn đề, giảm ô nhiễm môi trường, tự sản xuất rau sạch và cải tạo đất.

Nghĩ là làm, đầu năm 2023, tự học hỏi từ nhiều kênh, chị đã sáng kiến ra giải pháp xử lý rác thải hữu cơ nhà bếp bằng vi sinh vật có trong dạ cỏ trâu bò, kết hợp với chế phẩm EMGRO và giun quế. Để thực hiện thành công sáng kiến này. Chị đã nhiều lần thực nghiệm, phối trộn các nguyên liệu vào thùng xốp theo tỷ lệ nhất định rồi dùng nilon bịt chặt, ủ trong 12 ngày, nhiệt độ từ 28-400C và PH từ 7-8.

Chị Vi Thị Phương, xóm La Giang, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), chia sẻ ứng dụng vi sinh vật bản địa vào trồng, chăm sóc chè cho hội viên, nông dân trên địa bàn huyện.

Chị Vi Thị Phương, xóm La Giang, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), chia sẻ ứng dụng vi sinh vật bản địa vào trồng, chăm sóc chè cho hội viên, nông dân trên địa bàn huyện.

Không chỉ có anh Luyện, chị Thúy, thời gian qua, xác định vai trò quan trọng của khoa học kỹ thuật đối với sản xuất nông nghiệp trong việc nâng cao năng suất, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh có cách làm hay, sáng tạo đã đem lại hiệu quả kinh tế. Nhằm khuyến khích, phát hiện và lan tỏa những sáng kiến hay, sáng tạo của nông dân áp dụng vào thực tiễn, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật.

Năm nay, Ban Tổ chức bình chọn và trao giải cho 10 sáng kiến xuất sắc trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Các sáng kiến này được bình chọn với các tiêu chí như: có tính sáng tạo trong sản xuất, chế biến, tiêu dùng, áp dụng chuyển đổi số; mang tính phát triển bền vững, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường; sản phẩm có khả năng nhân rộng, hình thành vùng sản xuất, liên kết chuỗi giá trị; có mẫu mã, hình thức đẹp, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu; được cấp chứng nhận hữu cơ, VietGAP...

Có thể liệt kê thêm tấm gương nông dân với sáng kiến tiêu biểu như ông Nguyễn Ngọc Khiêu, xóm Phú Nam 1, xã Phú Đô (Phú Lương) sáng tạo ra máy xới cỏ đa năng từ chính công việc đồng ruộng hàng ngày của mình; chị Hoàng Thị Huyền, xóm Ca, xã Kha Sơn (Phú Bình) với sáng kiến kỹ thuật trộn thức ăn cho gà đẻ trứng để ấp trứng tạo con giống chất lượng cao; chị Vi Thị Phương, xóm La Giang, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) với ứng dụng vi sinh vật bản địa vào trồng, chăm sóc chè; chị Vũ Thị Thương Huyền, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) với nghiên cứu rất mới mẻ, giá trị với cây chè đó là khai thác và sản xuất dầu trà cao cấp từ nguyên liệu đang bị bỏ phí tại vùng chè Thái Nguyên và trong nước...

Ông Ngô Thế Hoàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Sản phẩm năm nay có chất lượng hơn, nhất là đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí theo đánh giá của Hội đồng bình chọn cũng như bình chọn được đánh giá trên các trang Fanpage Nông dân Thái Nguyên. Qua đó tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để nông dân quảng bá, phát triển thị trường. Đây đều là những sáng kiến đã và đang áp dụng hiệu quả trong thực tế, từ những nguyên liệu sẵn có, dễ tìm, dễ làm, tính ứng dụng cao và có khả năng nhân rộng.

Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, đào tạo để hội viên ở từng cơ sở, địa phương nâng cao trình độ, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, tăng cường chuyển đổi số trong quảng bá sản phẩm, đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy những giá trị sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của địa phương…

Lưu Phượng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202410/khi-nong-dan-say-me-lam-khoa-hoc-abb072b/