Khi ông Trump là Tổng thống, các 'điểm nóng' thế giới sẽ tăng hay hạ nhiệt?
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 có thể tác động mạnh đến hàng loạt vấn đề nóng trên thế giới như Ukraine, Israel, NATO và căng thẳng Mỹ - Trung Quốc.
Vào 1h45 (theo giờ Mỹ tức 13h15 theo giờ Việt Nam), ngày 6/11, hãng tin Fox News dự báo ông Trump giành 277 phiếu đại cử tri, đánh bại bà Harris để cử Tổng thống Mỹ. Bản thân cựu Tổng thống Mỹ lập tức tuyên bố chiến thắng còn đối thủ Harris cũng ngậm ngùi thừa nhận thua cuộc.
Theo tờ Washington Post, sự quay trở lại Nhà Trắng của ông Trump khiến giới quan sát buộc phải thận trọng khi đưa ra những dự đoán về các vấn đề quốc tế.
Thực tế trong nhiệm kỳ đầu nắm quyền, với mục tiêu “Nước Mỹ trên hết”, ông Trump từng đảo ngược nhiều chính sách ngoại giao có nền tảng lâu đời.
Đối với những người ủng hộ ông, sự khó đoán định là một trong những “chìa khóa” giúp ông tạo ra sự răn đe đối với những đối thủ chính trong các vấn đề ngoại giao phức tạp.
“Dĩ nhiên, phe đối lập muốn mọi thứ dễ đoán định nhưng cựu Tổng thống Mỹ lại không phải là người như vậy”, ông Richard Grenell, người được cho là nằm trong danh sách ứng viên Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn gần đây với tạp chí Financial Times.
Israel có thể đẩy mạnh chiến tranh Trung Đông
Dù từng công khai kêu gọi chấm dứt cuộc chiến của Israel ở Gaza nhưng ông Trump vẫn chưa đề cập đến con đường dẫn tới lệnh ngừng bắn giữa các bên.
Trong khi đó, ở các cuộc trao đổi riêng, ông Trump vẫn bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc chiến chống lại Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon.
Trong cuộc điện đàm gần đây, cựu Tổng thống Mỹ bỏ ngỏ với Thủ tướng Netanyahu rằng ông có thể làm bất kỳ điều gì nếu thấy cần thiết.
Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu tiên làm Tổng thống Mỹ, ông Trump đã được nhiều người Israel hoan nghênh khi quyết định dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem qua đó công nhận Cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel.
Song quyết định này đã vấp phải phản đối kịch liệt của người dân Palestine đồng thời đi ngược lại chính sách ngoại giao của Mỹ hàng chục năm qua.
Chính vì thế, theo ông Brian Katulis, chuyên gia nghiên cứu chính sách ngoại giao của Mỹ hiện đang làm việc tại Viện Trung Đông, nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của ông Trump càng khiến Israel đẩy mạnh tấn công.
“Tôi không nghĩ lệnh ngừng bắn tại Gaza là ưu tiên của ông Trump. Ưu tiên của cựu Tổng thống Mỹ là bảo vệ Israel. Ông sẽ không tìm cách hạn chế Israel trong việc trả đũa Iran, Hezbollah hay Hamas”, ông James Carafano, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu Heritage Foundation nhận định.
Năm 2020, cựu Tổng thống Mỹ đã chủ trì lễ ký Hiệp định Abraham Accords chính thức bình thường hóa quan hệ giữa Israel và 4 nước Arab bao gồm UAE, Bahrain, Sudan và Morocco.
Ông tiết lộ mở rộng Hiệp định này khi quay trở lại Nhà Trắng đồng thời khẳng định nhiều quốc gia muốn tham gia ký hết.
Giảm mạnh hỗ trợ cho NATO
Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông Trump đã có cách tiếp cận không mấy thân thiện với NATO khi yêu cầu các thành viên khối phải chia sẻ gánh nặng về tài chính với Mỹ để đảm bảo an ninh cho đồng minh.
Thậm chí trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố có thể không can thiệp nếu Nga tấn công các quốc gia thành viên NATO không chịu tăng ngân sách quốc phòng. Thậm chí, ông còn cân nhắc việc rút khỏi NATO.
Phần lớn các nhà hoạch định chính sách châu Âu đều không tin khả năng Mỹ rút khỏi NATO song cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton từng chia sẻ ông Trump “chưa bao giờ nguôi mục tiêu này”.
Bên cạnh đó, không nhiều người tin ông Trump giữ nguyên trạng thái hiện tại của NATO vì ông từng kêu gọi đánh giá lại toàn diện mục tiêu và sứ mệnh của NATO.
Trong khi đó, các thành viên NATO cũng chuẩn bị sẵn cho kịch bản cựu tỷ phú Mỹ lên nắm quyền bằng cách ký kết thỏa thuận phòng vệ chung, tăng cường chi tiêu quốc phòng…
Tương lai Ukraine khó đoán định
Về vấn đề Ukraine, cả ông Trump và phó tướng JD Vance đều nhiều lần bày tỏ hoài nghi vềcác khoản viện trợ mà Mỹ dành cho nước này.
“Nhiều lần Tổng thống Ukraine Volodymy Zelensky đến Mỹ, khi quay trở về, ông lại mang theo khoản tiền 60 tỷ USD. Ông Zelensky hẳn là doanh nhân vĩ đại nhất từ trước đến nay”, ông Trump chỉ trích.
Bên cạnh đó, trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump từng tuyên bố hoàn toàn có thể chấm dứt cuộc xung đột kéo dài sang năm thứ 3 giữa Nga và Ukraine ngay cả trước khi ông chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2025.
Vì vậy, giới chức Kiev lo ngại, ông Trump có thể ép buộc Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ.
Trong khi đó, dù Điện Kremlin không công khai muốn ai trở thành chủ nhân Nhà Trắng, truyền thông Nga vẫn dành nhiều lời tán dương cho ông Trump.
Ông Trump có mối quan hệ khá hữu hảo với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cả 2 tiến hành 7 lần trao đổi kể từ khi ông Trump rời Nhà Trắng nhiệm kỳ đầu tiên.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, Nga không được hưởng lợi nhiều trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump. Thậm chí, nước này còn phải gánh chịu những lệnh trừng phạt cứng rắn từ phía Mỹ.
Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu một lần nữa
Các chính trị gia ủng hộ nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu hoàn toàn có lý do để lo ngại về khả năng Mỹ lại một lần nữa rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đúng như cách ông Trump đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Trong tài liệu vận động tranh cử, ông Trump đề cập đến khả năng nói trên với lý do Hiệp định Paris đang đặt lên vai nước Mỹ một gánh nặng không công bằng.
“Chúng ta sẽ lại rút lui một lần nữa”, ông Trump tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Trước đó, ông Trump từng chỉ trích biến đổi khí hậu là “một cú lừa” đồng thời khẳng định sẽ đảo ngược hàng chục quy định và chính sách về môi trường dưới thời ông Biden và ngăn chặn những điều khoản mới có hiệu lực.
Nguy cơ bùng phát chiến tranh thương mại chưa từng có
Trong lần trở lại Nhà Trắng này, ông Trump đe dọa tăng cường "tấn công" kinh tế nhằm vào Bắc Kinh, được cho là có thể thổi bùng lên một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu.
Một trong những biện pháp mà ông Trump đề cập là áp thuế từ 10-20% lên gần như toàn bộ các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong đó riêng hàng hóa Trung Quốc sẽ chịu mức thuế lên đến 60%.
Nhiều nhà kinh tế học nhận định, điều này sẽ gây ra sự đứt gãy nghiêm trọng đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu vượt xa quy mô chiến tranh thương mại trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Các trợ lý giúp ông Trump xây dựng chiến lược cho rằng những biện pháp thuế quan có thể giúp đưa việc làm trở lại Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chỉ rõ, việc làm này có thể khiến số lượng việc làm sụt giảm. Hơn thế nữa, một phân tích từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy kế hoạch này của ông Trump sẽ khiến trung bình mỗi gia đình tại Mỹ tiêu tốn 2.600USD/năm.
Ông Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán, nhận định, động thái của ông Trump có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến thương mại song phương.
Làn sóng trục xuất người nhập cư lớn nhất trong lịch sử Mỹ
Ngay từ nhiệm kỳ đầu làm Tổng thống Mỹ, ông Trump đã tích cực theo đuổi chính sách thắt chặt nhập cư.
Chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2024 cũng cho thấy ông sẽ lặp lại chiến lược này.
Một trong những ưu tiên cao nhất trong lộ trình tranh cử của ông Trump là cam kết tiến hành một đợt trục xuất người nhập cư lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ông Trump cho biết sẽ triển khai cả lực lượng Vệ binh Quốc gia nếu giới chức Mỹ không đủ năng lực để phân loại và trục xuất hàng triệu người nhập cư.
Ngoài ra, cựu Tổng thống Mỹ còn đe dọa tăng thuế từ 25-100% với Mexico, đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong năm 2023, nếu Mexico không nỗ lực ngăn chặn người nhập cư tràn vào Mỹ.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Hội nhập Phát triển Bắc Mỹ tại Đại học California nhận định, Mỹ và Mexico sẽ cảm nhận rõ rệt nhất những tác động kinh hoàng từ lệnh trục xuất hàng loạt người nhập cư bởi cả hai nước này phụ thuộc rất nhiều vào nhau trong vấn đề nhập cư, kiều hối và thương mại.