Khi Pep quỳ gối trước cầu thủ
Trong trận đấu của Barca với Shakhtar Donetsk năm 2009, khi 90 phút thi đấu trôi qua mà tỷ số vẫn là 0-0, Pep quỳ xuống để nói về chiến thuật và truyền cảm hứng tới các cầu thủ.
Năm 2009 chứng kiến Barcelona giành cú ăn sáu, qua đó tạo ra một hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử bóng đá thế giới. Họ vô địch ở mọi giải đấu tham dự trong một năm: La Liga, Cúp Nhà vua (sau khi thắng Athletic de Bilbao ở trận chung kết), Champions League, Siêu Cúp Tây Ban Nha, Siêu cúp châu Âu và giải Vô địch thế giới các câu lạc bộ.
Những thắng lợi ấy đã biến Barcelona, ít nhất là về mặt thống kê, thành đội bóng vĩ đại nhất mọi thời đại, vượt lên trên Celtic 1967, Ajax 1972, PSV Eindhoven 1988 và Manchester United 1999. Bốn đội bóng ấy “chỉ” giành được cú ăn ba, gồm chức vô địch quốc gia, Cúp Quốc gia, và Cúp C1/Champions League.
Pedro (“mới tuần trước anh ta còn chơi ở giải hạng ba” - Pep nhắc lại câu này mỗi tuần, một phần vì ngưỡng mộ, phần khác để cảnh báo) ghi được bàn thắng trong tất cả các giải đấu, cũng là một thành tích có một không hai.
Trong mùa giải 2008-2009, đội bóng của Guardiola chơi tổng cộng 89 trận và chỉ để thua 8 trận, 4 trong đó là những thất bại ở các trận đấu không có nhiều ý nghĩa, và không có thất bại nào có cách biệt lớn hơn một bàn.
Năm đó xảy ra một số sự kiện chứng tỏ mọi thứ đúng là đều chỉ mang tính tương đối, như Guardiola thường nhắc nhở mọi người: “Ngay cả khi chúng tôi lặp lại y hệt những gì đã làm, kết quả có thể sẽ rất khác". Nhưng có một điều rõ ràng: Lấy ý tưởng của Cruyff làm xuất phát điểm, Guardiola đã xây dựng nên một phong cách chơi bóng vừa công phu lại không kém phần hiệu quả.
Thành công của Barca cũng góp phần đánh sập nhiều điều cấm kị trong bóng đá, đặc biệt là quan điểm đặt kết quả lên trên lối chơi, thậm chí còn cho rằng giữa kết quả và lối chơi chỉ có thể chọn một.
Phong cách chơi bóng của Barca được giới phê bình thể thao ngưỡng mộ, theo cách thế giới từng ngưỡng mộ những đội bóng huyền thoại ở thời đỉnh cao của họ, như River Plate giai đoạn 1941-1945 với bộ ngũ siêu đẳng Munõz, Moreno, Pedernera, Labruna và Loustau. Hay Budapest Honved (1949-1955) của Puskas, Bozsik, Kocsis và Czibor, những trụ cột trong đội hình Hungary đánh bại đội tuyển Anh ở Wembley hồi 1953.
Và tất nhiên, không thể không nhắc tới Real Madrid của Kopa, Rial, Di Stéfano, Puskas và Gento, những người đã giành năm chức vô địch C1 liên tiếp trong giai đoạn 1956-60.
Được ngưỡng mộ không kém là Santos của Pelé (1955-1964) và đội tuyển Brazil đã vô địch World Cup 1970 với năm “số 10” trên hàng công - Jairzinho, Gerson, Tostao, Pelé và Rivelino. Cả Milan của Sacchi (1988-1990), đội bóng đã hai lần vô địch thế giới với những ngôi sao như van Basten, Rijkaard và Gullit trong đội hình nữa.
Sau chức vô địch Champions League 2009, Pep quyết định phải thay đổi. Samuel Eto’o là một trong những cầu thủ chơi ổn định nhất trong đội ngay cả khi, như trong trận đấu với Madrid hay Manchester United, phải dạt ra biên để chơi như một tiền đạo cánh. Anh chính là người đã ghi bàn mở tỷ số trận chung kết ở Rome. Dù vậy, Guardiola vẫn tin rằng để Messi có thể tiếp tục phát triển đúng hướng, anh cần phải loại bỏ tuyển thủ Cameroon.
Trong mùa hè năm đó, Madrid đã trả 95 triệu euro để mua Cristiano Ronaldo, 67 triệu euro cho Kaká, trong khi Barcelona lần lượt thất bại trong các vụ hỏi mua Filipe Luis và David Villa. Cuối cùng, họ đạt được thỏa thuận với Inter, đổi Eto’o để lấy Ibrahimović. Pep đã dùng tới từ “cảm xúc” khi nói về mối quan hệ với Samuel.
“Đây là vấn đề về cảm xúc. Có cả nghìn thứ, có thể liên quan bóng đá, có thể không, đang nói với tôi rằng năm nay, chúng tôi cần phải thay đổi một vài thứ trong phòng thay đồ. Không chỉ là cầu thủ như Samuel mà còn một vài thứ khác nữa".
Pep thẳng thắn thừa nhận anh có thể mắc sai lầm. Nhưng, một lần nữa, anh muốn rằng nếu có lúc phải trả giá vì những sai lầm, thì đó phải là sai lầm của chính anh.
Sau chức vô địch La Liga, Cúp Nhà vua và Champions League, Barca giành thêm Siêu Cúp Tây Ban Nha sau khi đánh bại Athletic de Bilbao trong hai lượt trận. Ở thời điểm này, Ibrahimović và Eto’o đã đổi chỗ cho nhau. Vẫn còn hai cột mốc nữa cần chinh phục trước khi Barcelona có thể chạm tay vào cú ăn sáu thần thánh.
Trận đấu với Shakhtar Donetsk trên sân Stade Louis II ở Monaco diễn ra khó khăn hơn nhiều so với dự đoán. Sau 90 phút, tỷ số vẫn là 0-0, hai đội buộc phải kéo nhau vào hiệp phụ. Pep quỳ xuống trước mặt các cầu thủ và bắt đầu giải thích cho họ về điều sắp xảy ra, về điều phải xảy ra.
“Khi nào chắc chắn rồi hãng chuyền. Đừng mạo hiểm trước mặt khung thành! Chăm chút cho từng đường chuyền. Cứ giữ bóng thật chắc như chúng ta vẫn làm, và trên hết, phát triển bóng lên phía trước. Theo cách của chúng ta. Họ luôn chờ đợi cơ hội phản công và chắc chắn sẽ tiếp tục làm như vậy. Càng như thế, chúng ta càng phải giữ bóng thật chắc".
"Khi có bóng, chúng ta có thể làm những gì mà chúng ta biết. Ba mươi phút là đủ để chúng ta ghi bàn. Có gì mà phải lo lắng chứ! Cứ làm những gì các anh giỏi nhất. Một cách kiên nhẫn. Đừng có cuống lên, vì nếu chúng ta cuống lên, họ sẽ trừng phạt chúng ta ngay. Chúng ta sẽ chuyền, và chuyền, và chuyền. Không lo lắng! Không lo lắng! Kiên nhẫn! Cứ làm những điều mà chúng ta vẫn làm".
"Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta phải di chuyển và di chuyển không ngừng, để tạo ra sự vượt trội trên sân. Chúng ta sẽ kéo căng mặt sân, không ngừng đưa bóng ra biên, và khoảng trống ở trung lộ sớm hay muộn cũng sẽ xuất hiện. Làm được chứ, các quý ông? Cứ thế nhé! Tiến lên nào!” Pep vỗ tay, kết thúc bài nói chuyện.
Đường tới vinh quang lại được thắp sáng. Phút 115, Pedro nhận bóng bên cánh trái rồi chuyền vào trung lộ cho Messi. Chỉ bằng hai chạm, Messi đã lôi kéo và loại bỏ hai trung vệ của Shakhtar rồi trả bóng lại trung lộ cho Pedro băng vào dứt điểm. Barca trở thành những chủ nhân mới của Siêu cúp châu Âu.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-pep-quy-goi-truoc-cau-thu-post1164830.html