Khi tân sinh viên trở thành 'roommate': Cùng nhau sống, cùng nhau trưởng thành

Bước chân vào cánh cửa đại học, một trong những thách thức đầu tiên mà tân sinh viên phải đối mặt là tìm kiếm nơi ở. Với việc giá cả sinh hoạt tại các thành phố lớn ngày càng tăng cao, không ít bạn trẻ chọn giải pháp chia sẻ phòng trọ với người khác, hay còn gọi là 'roommate' (bạn cùng phòng). Việc này không chỉ giúp các bạn sinh viên tiết kiệm chi phí, mà còn mang lại nhiều trải nghiệm quý báu.

Tuy nhiên, cùng với những lợi ích về mặt kinh tế, sống chung phòng cũng đặt ra không ít thử thách về sự hòa hợp và cách thức quản lý cuộc sống chung.

Văn hóa “roommate” không thể thiếu với các bạn sinh viên.

Văn hóa “roommate” không thể thiếu với các bạn sinh viên.

Những lợi ích từ việc ở chung

Khi được hỏi về lý do chọn sống chung với "roommate", hầu hết các sinh viên đều nhấn mạnh yếu tố tài chính. Thiều Thị Minh Ánh, một sinh viên năm ba tại Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật - Công nghiệp thẳng thắn chia sẻ: “Khi chia sẻ phòng trọ với bạn khác mình sẽ giảm bớt được gánh nặng tài chính”.

Trong bối cảnh giá cả thuê nhà ở thành phố liên tục leo thang, điều này trở thành giải pháp thiết thực giúp sinh viên, đặc biệt là những bạn đến từ gia đình có điều kiện tài chính hạn hẹp, có thể cân đối được ngân sách của mình. Cảm giác nhẹ nhõm khi biết rằng mỗi khoản chi đều được san sẻ giúp các bạn sinh viên không chỉ giảm bớt áp lực tài chính, mà còn tạo điều kiện để họ tập trung vào việc học tập và xây dựng những mối quan hệ mới, khi mà cuộc sống ở thành phố lớn có thể trở nên cô đơn nếu phải đối mặt với nó một mình.

Minh Ánh và những chia sẻ về việc có bạn cùng phòng.

Minh Ánh và những chia sẻ về việc có bạn cùng phòng.

Cũng theo như Minh Ánh, ngoài việc tiết kiệm chi phí sinh hoạt như tiền nhà, điện, nước, việc sống chung với "roommate" còn mang lại giá trị tinh thần vô cùng lớn. Với nhiều bạn trẻ, đây là lần đầu tiên họ phải tự lập và đối mặt với những thách thức của cuộc sống thành thị, từ việc quản lý chi tiêu, học tập đến việc tự chăm sóc bản thân. Trong hoàn cảnh đó, một người bạn đồng hành không chỉ là người chia sẻ gánh nặng về tài chính mà còn là chỗ dựa tinh thần quan trọng.

“Sự hiện diện của người bạn cùng phòng giúp mình cảm thấy bớt cô đơn và nhớ nhà. Những lúc mệt mỏi, lo lắng, mình luôn có một người bạn để tâm sự, chia sẻ, hay đơn giản là ngồi cạnh nhau ăn bữa cơm, cũng đủ để xoa dịu những khó khăn của cuộc sống xa gia đình”.

Mặc dù sống chung với “roommate” mang lại nhiều lợi ích, nhưng điều này cũng đi kèm với không ít thách thức. Một trong những vấn đề phổ biến nhất là sự khác biệt về lối sống và thói quen sinh hoạt của mỗi người. Trần Thảo Nguyên, sinh viên năm hai Học viện Tài chính chia sẻ: “Mình và bạn cùng phòng của mình khá hợp nhau về mặt sở thích, tính cách, thói quen. Chúng mình luôn thấu hiểu và đồng cảm cho nhau, tuy nhiên trong cuộc sống hàng ngày cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn”.

Trần Thảo Nguyên sinh viên năm hai Học viện Tài chính.

Trần Thảo Nguyên sinh viên năm hai Học viện Tài chính.

Trong một thế giới mà mọi thứ đều mới mẻ và đôi khi đầy thách thức, việc có người đồng hành giống như một nguồn động viên quý báu, giúp sinh viên thêm vững tin và mạnh mẽ hơn trong quãng thời gian học tập và trải nghiệm xa nhà. Chắc chắn, không phải mọi việc đều đơn giản và suôn sẻ bởi khi ở chung, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi. Điều quan trọng là cách các sinh viên ứng phó và giải quyết những bất đồng.

Lời khuyên cho tân sinh viên khi sống chung

Việc sống chung với "roommate" đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều sinh viên. Vậy tân sinh viên cần chuẩn bị gì trước khi quyết định sống chung với "roommate"?

Trước hết, họ cần có một cái nhìn thực tế về việc chia sẻ không gian sống. Đây không chỉ là vấn đề tài chính mà còn là về sự thấu hiểu, chia sẻ và nhường nhịn. Tân sinh viên nên cởi mở trong việc thiết lập các quy tắc chung ngay từ khi bắt đầu. Những quy tắc này có thể bao gồm việc phân chia công việc nhà, đảm bảo giữ không gian chung sạch sẽ, tôn trọng giờ giấc học tập và nghỉ ngơi của nhau, cũng như thống nhất về việc mời bạn bè đến phòng.

Thảo Nguyên kể lại rằng cô và bạn cùng phòng có lúc xảy ra mâu thuẫn, chủ yếu xuất phát từ tính cách khác biệt: "Chúng mình giải quyết bằng cách thẳng thắn trao đổi, nói rõ những điều chưa hài lòng và đưa ra góp ý cho đối phương".

Thảo Nguyên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt ra những quy tắc chung ngay từ đầu. Cô và bạn cùng phòng đã thỏa thuận không về muộn quá 12h đêm, không dẫn người lạ về phòng nếu chưa xin phép và luôn giữ gìn vệ sinh chung. Việc có những quy tắc này giúp họ tránh được những rắc rối không đáng có và tạo dựng một không gian sống thoải mái cho cả hai bên.

Sự tôn trọng lẫn nhau và việc duy trì các nguyên tắc rõ ràng chính là nền tảng để đảm bảo một môi trường sống chung hòa hợp và bền vững. Khi sống chung với người khác, không gian cá nhân trở nên thu hẹp, và việc mỗi cá nhân biết nhường nhịn, lắng nghe và tôn trọng quyền riêng tư của đối phương trở nên vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ giúp tránh những hiểu lầm hay mâu thuẫn không đáng có mà còn tạo ra không khí sống dễ chịu, nơi mọi người đều cảm thấy thoải mái và an toàn trong căn phòng của mình.

Ngô Thùy Linh, sinh viên năm ba tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Các bạn nên tìm hiểu kỹ về thói quen và lối sống của bạn cùng phòng bởi đây là điều quan trọng để tránh những bất đồng không đáng có. Ngoài ra, các bạn cũng cần phải giữ thái độ cởi mở và sẵn sàng thích nghi, vì không phải mọi thói quen của "roommate" đều sẽ hợp với mình ngay từ đầu".

Thùy Linh và lời khuyên cho các bạn tân sinh viên.

Thùy Linh và lời khuyên cho các bạn tân sinh viên.

Sống chung với người khác không phải lúc nào cũng dễ dàng, điều quan trọng là giữ thái độ lắng nghe và sẵn sàng thỏa hiệp. Mỗi người đều có những thói quen và cá tính riêng, và không phải lúc nào chúng cũng phù hợp với người còn lại. Thay vì cố gắng thay đổi người khác, việc chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau sẽ giúp mối quan hệ “roommate” trở nên bền vững và tích cực hơn.

“Khi các bạn có thể cởi mở và thấu hiểu nhau, dần dần một mối quan hệ sẽ được xây dựng trên sự chân thành và tôn trọng lẫn nhau. Các bạn sẽ nhận ra rằng "roommate" không chỉ là người ở chung phòng, mà có thể trở thành một người bạn tri kỷ, một chỗ dựa vững chắc trong quãng thời gian học tập đầy thử thách. Chính nhờ sự đồng hành ấy mà hành trình trưởng thành của các bạn trở nên ý nghĩa và đáng nhớ hơn rất nhiều”.

Chắc chắn rằng, văn hóa "roommate" không phải là một lựa chọn dễ dàng nhưng sẽ là một trải nghiệm đáng giá cho các bạn sinh viên.

Thu Trang

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/khi-tan-sinh-vien-tro-thanh-roommate-cung-nhau-song-cung-nhau-truong-thanh-post1682405.tpo