Khí thế hào hùng của những ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở Triệu Phong

Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, ngày 9/8/1945, Hồng quân Liên Xô đánh vào Mãn Châu, vài hôm sau đội quân Quan Đông mạnh có tiếng của phát xít Nhật bị thất bại nặng nề.

 Nhà lưu niệm Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực ở xã Triệu Thuận, Triệu Phong - Ảnh: NV

Nhà lưu niệm Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực ở xã Triệu Thuận, Triệu Phong - Ảnh: NV

Ngày 12/8/1945, qua cơ sở của ta ở thị xã Quảng Trị, Thường vụ Phủ ủy Triệu Phong biết tin phát xít Nhật xin mở cuộc điều đình với phe đồng minh nên đã triệu tập hội nghị khẩn cấp giữa trưa ngày 12/8. Dự hội nghị có các đồng chí: Hồ Ngọc Tích, Hồ Chiểu, Trương Công Kỉnh, Lê Thị Diệu Muội. Hội nghị quyết định đẩy mạnh hơn nữa công tác vũ trang tuyên truyền trong toàn phủ. Báo tin Nhật sắp đầu hàng đồng minh lên Ban Thống nhất Đảng bộ tỉnh để kịp thời chỉ đạo, thông báo tin này để các phủ bạn biết. Chấp hành chủ trương đó, chiều ngày 12/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại chợ Thuận để phát động khí thế của quần chúng, kêu gọi Nhân dân trong phủ khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đứng lên hưởng ứng cuộc khởi nghĩa ở phủ khi có lệnh.

Ngày 15/8/1945, Nhật chính thức đầu hàng quân đồng minh. Tại Đại hội Tân Trào ngày 16/8/1945, Đảng ta chủ trương “lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy tước vũ khí của Nhật trước lúc quân đồng minh kéo vào Đông Dương, giành lấy chính quyền từ tay Nhật, lật đổ bọn bù nhìn tay sai của Nhật, đứng ở vị trí làm chủ nước mình mà tiếp đón quân đồng minh vào giải giáp quân Nhật trên mảnh đất Đông Dương”.

Chấp hành chủ trương của Trung ương, từ ngày 18 đến sáng ngày 22/8/1945, Hội nghị cán bộ toàn tỉnh họp do Ban Thống nhất Đảng bộ tỉnh triệu tập và chủ trì. Hội nghị đã vạch ra nghị quyết để khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân. Tại Triệu Phong, sau cuộc mít tinh lớn ở Triệu Thuận, nhiều cuộc vũ trang tuyên truyền, mít tinh, biểu tình tuần hành nổ ra khắp các tổng. Các lò rèn ra sức rèn đúc các loại vũ khí cầm tay, lực lượng tự vệ được tập hợp lại thành trung đội, đại đội.

Nhiệm vụ cần kíp đặt ra lúc này là phổ biến lệnh khởi nghĩa xuống tận các cơ sở, có kế hoạch huy động lực lượng cách mạng cả quân sự và chính trị, vừa làm nhiệm vụ khởi nghĩa ở phủ vừa làm nòng cốt tham gia khởi nghĩa ở tỉnh. Để cuộc khởi nghĩa nhanh chóng đạt thắng lợi lớn, Phủ ủy Triệu Phong một mặt lãnh đạo công tác chuẩn bị lực lượng, mặt khác rất chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng về tình hình thế giới, tình hình phát xít Nhật, Pháp ở Đông Dương và những thời cơ cách mạng. Công tác tuyên truyền đã có tác dụng tích cực trong việc phát động quần chúng tham gia khởi nghĩa ở địa phương, chỉ trong một thời gian ngắn, về cơ bản vùng nông thôn đồng bằng của phủ, chính quyền về tay Nhân dân. Từ đó Nhân dân phân công nhau một số tham gia lực lượng vũ trang, một số ở lại địa phương giữ gìn trật tự trị an, lập nên những ban tự quản, giải quyết công việc và điều hành Nhân dân ổn định đời sống.

Sáng ngày 22/8/1945, thực hiện chủ trương của Hội nghị cán bộ tỉnh, Ủy ban khởi nghĩa phủ được thành lập gồm đồng chí Hồ Ngọc Tích làm chủ tịch; đồng chí Nguyễn Xuân Luyện, Lê Thị Quế, ủy viên. Theo lệnh Ủy ban khởi nghĩa phủ, đơn vị biểu tình phải có băng, cờ, khẩu hiệu, trống mõ. Mỗi đơn vị đều phải có lực lượng tự vệ trang bị bằng các loại vũ khí thô sơ để giữ gìn trật tự, cứ 100 người có 5 người tự vệ đi kèm. Xã có địa điểm tập kết riêng, lực lượng của tổng có chỉ huy do tổng cử, nếu tổng đông thì chia thành nhóm, mỗi nhóm có chỉ huy riêng.

Khoảng 17 giờ ngày 22/8/1945, từng đoàn người có vũ trang giáo mác, gậy gộc, giương cao cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu kéo ra tập trung ở các trục đường lớn (Tỉnh lộ 64, 68, Quốc lộ 1), vừa đi vừa hô các khẩu hiệu “đánh đổ Chính phủ bù nhìn Bảo ĐạiTrần Trọng Kim”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh, thành lập chính quyền nhân dân cách mạng”… Lực lượng toàn phủ được huy động chia làm hai bộ phận. Bộ phận chủ yếu tham gia khởi nghĩa ở phủ lỵ.

Ngoài hai bộ phận trên còn có một lực lượng của tổng An Đôn do đồng chí Trương Công Kỉnh chỉ huy làm nhiệm vụ hợp lực với Nhân dân Đông Hà khởi nghĩa giành chính quyền ở thị trấn Đông Hà.

19 giờ ngày 22/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa phủ Triệu Phong lệnh cho 3 đại đội tự vệ vũ trang từ khu căn cứ của phủ tiến vào thị xã tỉnh lỵ biểu tình thị uy và hô vang các khẩu hiệu cách mạng nhằm uy hiếp tinh thần địch.

Đoàn biểu tình được Nhân dân thị xã ủng hộ và tham gia ngày càng đông hơn làm khí thế cách mạng mỗi lúc một sôi nổi, mạnh mẽ. Sau đó các đại đội tự vệ vũ trang trở về nơi tập kết, cán bộ trong thị xã tiếp tục mít tinh diễn thuyết.

Sau 23 giờ đêm 22 sáng ngày 23/8/1945, lệnh khởi nghĩa được phát ra, các mũi tập kết biểu tình kéo vào thị xã tỉnh lỵ, hô vang các khẩu hiệu cách mạng. Trong đêm hôm đó, cùng với lực lượng ở tổng An Thái, Văn Vận, ta đã giành thắng lợi trong khởi nghĩa ở thị xã tỉnh lỵ Quảng Trị.

Cùng lúc lực lượng được phân công khởi nghĩa ở phủ lỵ Triệu Phong, sau khi nhận lệnh khởi nghĩa (sau 23 giờ đêm 22/8/1945) đã giành chính quyền tại phủ nhanh gọn. Sáng 23/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được thành lập do đồng chí Hồ Ngọc Tích làm Chủ tịch, ra mắt trước hàng vạn Nhân dân. Cơ quan lãnh đạo của phủ từ Mỹ Lộc chuyển vào đóng tại phủ lỵ, lãnh đạo Nhân dân trong phủ vượt qua những khó khăn ban đầu, giải quyết nhiều công việc cấp bách theo lệnh của Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh phát ra trong ngày 23/8/1945. Đến trưa ngày 23/8/1945, cuộc khởi nghĩa đã hoàn toàn thắng lợi, chính quyền về tay Nhân dân.

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, ngày nay Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Triệu Phong đã biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để phát triển kinh tế- xã hội. Trên cơ sở thế mạnh của từng vùng, huyện Triệu Phong tích cực chuyển đổi hình thức sản xuất để phát triển kinh tế. Nhiều vùng đất bạc màu nay đã trở thành các cụm, điểm công nghiệp thu hút hàng ngàn lao động. Đặc biệt, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế- xã hội của Triệu Phong phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Với cách làm đó, thời gian qua, tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân hằng năm 1,8%, dự tính đến cuối năm 2020 còn 3,61%. Phấn đấu đến cuối năm 2020, huyện Triệu Phong có 12/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 70,59%, các xã còn lại đạt 16 tiêu chí trở lên.

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=150863