Khi vợ có bầu

Vợ chồng tôi lấy nhau được 5 năm thì cô ấy có bầu trong sự vui mừng của gia đình 2 họ. Và thế là tôi bắt đầu bước vào chuỗi ngày… có bầu cùng vợ. Thằng bạn tôi tếu táo: 'Chú mới có đứa đầu, chứ có 3 đứa như tôi đi rồi biết thế nào là vợ có bầu'.

1. Cô vợ nhà tôi vốn hiền lành, biết cách vun vén gia đình từ lúc về làm dâu rồi ra riêng nên 2 bên nội ngoại đều thương mến. Nàng có bầu sau 5 năm, nhờ hỗ trợ từ các phương pháp y học. Chúng tôi mừng lắm khi hay tin nàng thụ thai, nhưng rồi lại lo ngay ngáy khi bác sĩ căn dặn: Do thể trạng sức khỏe không ổn định, cũng như khó thụ thai nên phải thật sự cẩn thận, từ đi đứng, ăn uống đến cả tâm lý mẹ bầu. Tôi hơi lo lo, trong nhà mình trước giờ có ai có bầu đâu để tìm hiểu tâm lý các bà ra sao. Hay về hỏi mẹ vợ, mẹ mình, rồi hỏi vợ hàng xóm, vợ đồng nghiệp xem sao.

Thai được 7 tuần, may quá, nàng ổn thỏa. Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên, nàng và tôi đều lãnh hội được cả. Công việc nhà lúc đầu có nhờ cô giúp việc, sau đó có thêm bà dì họ rảnh rang qua hỗ trợ nên cũng ổn ổn. Bắt đầu tháng thứ hai, một buổi sáng, nàng thức dậy và bắt đầu nôn ọe. Nàng than ngứa ngáy mình mẩy vì cái áo ngủ vải thô ráp. Nàng không chịu ăn mấy thứ có mùi mẽ một chút. Cá - lắc, mắm - lắc, thịt chiên - lắc nốt… Lẫn trong cái lắc là tiếng nôn ọe. Nàng nghén…

Tôi tá hỏa thật sự. Sáng nào dậy cũng phải dòm sắc mặt nàng, mới dám tỉ tê hỏi nàng thích ăn gì, uống gì để nấu, để mua. Nàng thích thứ oái oăm: ruột cá lóc kho lạt, mía chẻ. Nhà ở trung tâm, thế là tôi phải xách xe chạy lòng vòng kiếm món cho nàng. Nhưng đó chỉ là món nàng thích vào tuần thứ 10. Sang tuần thứ 11, nàng nhà tôi chuyển qua ăn thịt nạc kho nhừ. Cô giúp việc làm cả nồi nhưng nàng cũng chỉ ăn đâu 1-2 ngày. Sau đó dì cháu nhà tôi gánh nốt.

Mà nghén kinh khủng thật. Nàng khó chịu, vật vờ, ăn không được, ngủ không xong; người xung quanh nàng, trong đó có tôi cũng muốn “trầm cảm” theo nàng. Ngày tắm 3 lần, bỏ hẳn thuốc lá, bia, rượu mới dám mon men gần nàng, không nàng lại nôn ọe vì mùi mẽ. Khi ăn món không hợp mùi, tôi phải ngồi tận ngoài sân vì sợ ảnh hưởng. Tôi cũng không dám đi bù khú bạn bè, ngoan hẳn từ khi vợ có bầu. Số ký tăng đều đều vì… ăn phụ vợ. Không phải vì sợ vợ buồn, mà nói thật lòng, không dám để cuộc sống mình ảnh hưởng đến nàng nhạy cảm của nhà tôi. Nói cho cùng, con là con mình, vợ là vợ mình, mình không thương thì ai thương?

Niềm vui của gia đình sắp có thành viên mới. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Niềm vui của gia đình sắp có thành viên mới. Ảnh: HOÀNG HÙNG

2. Tôi bắt đầu tầm sư… học mấy ông bạn có kinh nghiệm nuôi vợ bầu. Mỗi ông một cách, loạn cả lên. Hùng, ông bạn có 3 đứa con, chia sẻ kinh nghiệm trời ơi: “Đứa đầu anh còn chăm bẵm kỹ càng, từ cơm bưng, nước rót, nàng đi không nổi là ẵm vào nhà tắm, cắt móng tay, móng chân cho đủ cả. Nàng đẻ, anh xin nghỉ không lương cả tháng để chăm lo, kỹ hơn cả mẹ đẻ chăm. Đến đứa thứ hai, anh cũng thưa thớt hẳn, nhờ bà vú lo. Đến đứa thứ ba thì anh nói thật là sợ lắm, nhưng không dám nói ra vì sợ vợ buồn. Mà vợ khóc thì khủng hoảng lắm. Nên lần này nhờ hẳn 2 bà mẹ qua tâm sự tỉ tê, đỡ đần. Nói chung, con mình mình thương nhưng chăm vợ đẻ thì hãi lắm chú à”.

Trong khi đó, Tuấn Anh, một người bạn thời đại học của tôi, lại có cách ứng xử khi vợ có bầu đáng ngưỡng mộ. Tuấn Anh hồi đi học lười số một, chẳng phải đụng tay chân đến việc nhà làm gì. Ấy thế mà lấy vợ xong, vợ có bầu song sinh, Tuấn Anh trở thành ông bố trẻ được các chị, các em yêu nhất trong hội lớp cũ. Tuấn Anh bỏ thời gian đi tìm hiểu các thông tin về quá trình thai nghén. Anh bạn còn kỳ công tìm các lớp học về dinh dưỡng cho vợ bầu, rồi các khóa chăm sóc con nhỏ, yoga cho bà bầu; thậm chí tìm hiểu kỹ quá trình sinh nở, chăm con sau sinh ra sao, mua sắm lủ khủ đồ chuẩn bị cho ngày vượt cạn của vợ.

Tuấn Anh nói: “Cô ấy nhà tôi là người nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. Đến khi có bầu, độ nhạy cảm tăng vùn vụt. Để cùng vợ vượt cạn, tôi chẳng ngại gì mà không chia sẻ, không cùng vợ trải qua những khó chịu, đau đớn khi mang nặng đẻ đau. Đến khi ẵm đứa con trong tay, tôi mừng muốn khóc nhưng vẫn không quên động viên, an ủi vợ vừa trải qua hành trình dài cam go. Đừng tránh né trách nhiệm mà hãy đồng hành cùng vợ nhé”.

Tôi kể ra mấy câu chuyện bầu bì trên đây không phải để than phiền gì đâu. Có hạnh phúc nào hơn khi trong hành trình hạnh phúc của gia đình mình có thêm một thiên thần nhỏ cơ chứ? Quay sang nàng nhăn nhó nằm bên, tôi lại nghĩ về mấy ông chồng vô trách nhiệm, bỏ bê vợ bầu đi nhậu nhẹt, đàn đúm; hay mấy ông chồng sợ vợ bầu như sợ… bà đẻ, không chịu chiều chuộng, yêu thương. Nghĩ nhiều nhất vẫn là những người vợ lính có chồng đang canh giữ biên cương hải đảo, nhiều chị trong đó phải mang thai và vượt cạn một mình. Nghĩ vậy để nắm tay vợ bước tiếp. Mà trước tiên là đăng ký lớp yoga cho bà bầu nha, mình ơi!

TRẦN THANH THỊNH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khi-vo-co-bau-640080.html