Khích lệ sức sáng tạo của người lao động

Những năm qua, các phong trào thi đua yêu nước do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phát động, nhất là phong trào phát huy sáng kiến sáng tạo, luôn có sức hút mạnh mẽ với công nhân viên chức lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

Từ phong trào này, mỗi năm, công nhân viên chức lao động Thủ đô đều phát huy hàng chục nghìn sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất. Đây là nguồn tiềm năng vô giá, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội, tạo nên những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới Thủ đô và đất nước.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Lê Đình Hùng thăm hỏi CNLĐ tại xưởng sản xuất Công ty TNHH Noble Electronics Việt Nam

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Lê Đình Hùng thăm hỏi CNLĐ tại xưởng sản xuất Công ty TNHH Noble Electronics Việt Nam

Làm lợi hơn 200 tỷ đồng từ sáng kiến sáng tạo

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Lê Đình Hùng cho biết, năm 2019, phong trào thi đua “Sáng kiến Thủ đô” được các cấp, các ngành Thành phố tập trung đẩy mạnh. Tuy các tiêu chí đánh giá sáng kiến Thủ đô năm nay theo Quy chế mới được nâng cao hơn, song qua phát động, số lượng và chất lượng sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học của công nhân viên chức lao động được áp dụng ở cấp cơ sở và cấp trên cơ sở đăng ký đề nghị xét tặng tăng cao.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Nguyễn Chính Hữu nắm bắt tình hình lao động tại Công ty Cổ phần Grop đóng tại KCN Phú Nghĩa.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Nguyễn Chính Hữu nắm bắt tình hình lao động tại Công ty Cổ phần Grop đóng tại KCN Phú Nghĩa.

Kết quả, năm 2019 toàn Thành phố đã có 30.208 cá nhân được tặng danh hiệu ”Sáng kiến trong CNVCLĐ” cấp cơ sở; 1150 cá nhân được tặng danh hiệu ”Sáng kiến trong CNVCLĐ” cấp trên cơ sở. Từ những “Sáng kiến trong CNVCLĐ” được đề nghị từ cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, Hội đồng sáng kiến Liên đoàn Lao động Thành phố quyết định công nhận và khen thưởng “Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động Thủ đô” cho 47 cá nhân, trong đó có 43 sáng kiến thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh 36 làm lợi hơn 262 tỷ đồng; Có 03 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm trong lĩnh vực Hành chính, Giáo dục, Y tế đã được áp dụng trong phạm vi toàn Thành phố mang lại hiệu quả, được các cơ quan chuyên môn ghi nhận đánh giá cao.

Đặc biệt sáng kiến của công nhân viên chức lao động Thủ đô chủ yếu tập trung vào khối sản xuất kinh doanh khu vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI ngày càng tăng, đây là hoạt động thiết thực của tổ chức Công đoàn Thủ đô hưởng ứng cuộc vận động “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững đất nước”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.

Nguồn tiềm năng vô giá

Lặng lẽ và bình dị, những công nhân viên chức lao động với niềm hăng say lao động và đam mê sáng tạo đã phát minh ra hàng nghìn sáng kiến, sáng tạo thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề khác nhau, âm thầm cống hiến vì sự phát triển của Thủ đô và là hình mẫu để cộng đồng học tập noi theo.

Có thể kể đến những sáng kiến điển hình như sáng kiến cải tiến phương pháp sản xuất, của công nhân Đàm Ngọc Hoàn, Công ty trách nhiệm hữu hạn Canon Việt Nam (thuộc công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội). Thực tiễn tại Bộ phận lắp ráp với diện tích 2.3m x 33m có thể xây dựng được 27 dây chuyền sản xuất.

Từ vấn đề này anh đã cùng nhóm cải tiến nghiên cứu đưa ra sáng kiến cắt giảm diện tích dây truyền từ 2.3m x 33m xuống còn 2mx33m từ đó có diện tích xây dựng thêm 3 dây chuyền mới và sản xuất được 1.008.120 sản phẩm/năm, làm lợi cho công ty hơn 141 tỷ đồng mỗi năm.

Một sáng kiến tiêu biểu khác là sáng kiến “Cải tiến áp dụng đưa hệ thống tín hiệu cung cấp linh kiện từ nhà cung cấp đến dây chuyền sản xuất” của công nhân Nguyễn Văn Việt, Công ty TNHH Canon Việt Nam. Hàng ngày bộ phận cung cấp linh kiện đặt hàng với số lượng tồn kho lớn và không có tín hiệu cần cấp linh kiện ra dây chuyền sản xuất gây ra nhiều lãng phí trong quản lý tồn kho & con người trong vận chuyển.

Từ vấn đề này công nhân Nguyễn Văn Việt có ý tưởng cải tiến bằng cách xây dựng hệ thống tín hiệu gói linh kiện dựa theo kế hoạch sản xuất và sắp xếp lại theo nhóm cấp linh kiện bên cạnh đó kết hợp cải tiến từ nhà cung cấp Tenma cải tiến việc đóng hàng trực tiếp lên xe chở linh kiện của Canon, từ đó loại bỏ được lãng phí trong thao tác vận chuyển.

Ý tưởng đổi mới trong sản xuất giảm được lượng tồn kho tương ứng với 328 m2 và giảm 40 người trong vận chuyển và cung cấp linh kiện, giá trị làm lợi 6,138 tỷ đồng/năm. Hay như sáng kiến “Ứng dụng PULY cẩu hạ lồng thép cho cọc khoan nhồi, tường vây” của kỹ sư Phạm Thanh Tâm, Công ty CP FECON (LĐLĐ quận Năm Từ Liêm).

Hiện tại, hầu hết các dự án thi công cọc khoan nhồi, tường vây đều tiến hành cẩu hạ lồng thép theo phương pháp tách lồng, dài 11.7m, sau đó thực hiện nối lồng tại vị trí cọc, tường vây đang thi công, thời gian trung bình cho một lần nối khoảng 2-3h, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động.

Trước vấn đề này, kỹ sư Phạm Thanh Tâm, đã đề xuất sử dụng hệ Puly kết hợp cáp, mani để lên nguyên lồng như thiết kế với 2 sáng kiến “Sử dụng một cẩu, lên 2 tời với những lồng thép dài hơn 11.7m đến 20m” và “Với những lồng dài hơn 20m sẽ cho thử nghiệm phương án 01 để kiểm tra và để chắc chắc vẫn cần 1 cẩu phục vụ nhỏ đỡ đầu còn lại”.

Kết quả, thiết kế cẩu hạ lồng dài hơn so với các dự án thường làm, đảm bảo an toàn lao động, kỹ thuật theo yêu cầu nghiêm ngặt của dự án, với sáng kiến này đã làm lợi lợi cho công ty trên 49 tỷ đồng/ năm.

Nhận xét về những sáng kiến sáng tạo của người lao động, Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng cho biết, tiêu chí sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp công tác của người lao động phải là những đúc kết qua thực tiễn công việc đã làm hàng ngày; có tác dụng thúc đẩy tiến bộ khoa học và mang lại hiệu quả cao trong công việc; có thể chia sẻ, phổ biến để đồng nghiệp học tập, áp dụng và cùng nhau thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.

“Chính vì thế, các sáng kiến, kinh nghiệm của CNVCLĐ Thủ đô đều kết tinh trí tuệ và thể hiện rõ sự sáng tạo cũng như tâm huyết của người viết đối với lĩnh vực mình đang công tác. Đây chính là nguồn tiềm năng vô giá, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội, tạo nên những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới Thủ đô và đất nước”- Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng nhấn mạnh.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào

Dù đạt những kết quả đáng khích lệ, song theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Lê Đình Hùng, phong trào “Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động Thủ đô” vẫn còn những tồn tại hạn chế như: Việc tổ chức phong trào ở một số đơn vị chưa hiệu quả, chưa tạo được phong trào tự giác trong công nhân viên chức lao động để tham gia tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tập trung giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, kế hoạch sản xuất của cơ quan, doanh nghiệp.

Trong xu thế hội nhập quốc tế với nhiều thách thức, việc đẩy mạnh, tiếp tục nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước nói chung, phong trào thi đua “Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động Thủ đô” nói riêng là hết sức cần thiết.

Để phong trào có sức lan tỏa và đi vào chiều sâu, thời gian tới, Liên đoàn Lao động Thành phố chỉ đạo các cấp công đoàn Thủ đô tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung tổ chức phong trào cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, doanh nghiệp, tập hợp thu hút được đông đảo công nhân viên chức lao động nhiệt tình tham gia.

Công tác khen thưởng phải kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, chính xác, hú trọng đến khen thưởng động viên những CNLĐ trực tiếp phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất, cải tiến thiết bị máy móc, nơi làm việc góp phần giảm nhẹ sức lao động cho người lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm…

Ngọc Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khich-le-suc-sang-tao-cua-nguoi-lao-dong-96505.html