Khiêm tốn và cảm thông, 'cửu vạn' trở thành chủ tịch một công ty đầu ngành ở Mỹ
Với trải nghiệm đi lên từ những vị trí thấp nhất, Brian Garish trở thành một nhà lãnh đạo hết sức khiêm tốn và có sự đồng cảm sâu sắc đối với nhân viên. Đây cũng là một trong những bí quyết khiến cho ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo thành công nhất của Banfield - chuỗi bệnh viện thú y lớn nhất nước Mỹ.
Theo Forbes, khi còn là học sinh trung học, Brian Garish đã bắt đầu làm nhân viên xếp kệ hàng tại hiệu thuốc Walgreens gần nhà. Năm 18 tuổi, theo học đại học nhưng cảm thấy lạc lõng và mất phương hướng, Brian nhanh chóng bỏ học. Ông chia sẻ: “Vào thời điểm đó, tôi không thấy được giá trị của việc ngồi trên giảng đường và học về kinh doanh. Thay vì thế, tôi muốn được trải nghiệm công việc này.”
Coi công việc ở hiệu thuốc Walgreens là tất cả những gì mình có, Brian tập trung làm việc chăm chỉ tại nơi đây. Ông liên tục đặt các câu hỏi, quan sát những lý do khiến cho một cửa hàng nào đó trong chuỗi thành công hay thất bại. Ngoài ra, ông còn bắt chước cách làm việc của những nhân viên giỏi và liên tục trau dồi kỹ năng giao tiếp. Chính vì vậy, Brian ngày càng thăng tiến lên những chức vụ cao hơn trong công ty.
Sau khoảng 12 năm làm quản lý tại chuỗi nhà thuốc Walgreens, Brian chuyển sang công ty CVS Health và dần thăng tiến từ vị trí quản lý cấp quận đến vị trí phó chủ tịch khu vực tại đây. Hiện Garish đang là chủ tịch của Banfield - chuỗi Bệnh viện thú cưng hàng đầu Hoa Kỳ.
Trong tâm thế một nhà lãnh đạo, Brian quan tâm nhất đến việc làm sao để có thể xây dựng được một doanh nghiệp có hiệu suất làm việc cao và một văn hóa doanh nghiệp thân thiện, với khả năng phục vụ cho hơn 19.000 cộng sự tại hơn 1.000 bệnh viện trên khắp cả nước.
Khởi đầu từ vị trí thấp, Brian hiểu rất rõ giá trị của sự khiêm tốn và lòng cảm thông. Ngay từ khi làm quản lý trong ngành bán lẻ, ông đã luôn cố gắng lắng nghe những nhu cầu, mong muốn của khách hàng cũng như nhân viên dưới quyền. Chính vì thế, khi làm công tác lãnh đạo, ông luôn suy nghĩ và hành động rất khác biệt.
Brian còn xây dựng một kênh Instagram mang tên “Tâm sự cùng Brian” nhằm kết nối với toàn thể nhân viên trong công ty. Trong một lần livestream trên kênh, ông nhận được phản hồi rằng đồng phục y tế của các bác sĩ và nhân viên trong công ty thường có màu sắc rất nhàm chán. Vì thế, ông đã nhảy và quay một clip và đăng lên Instagram để thông báo rằng từ nay nhân viên của công ty không còn phải mặc những bộ đồng phục vô vị như trước nữa.
Nhằm tôn vinh đội ngũ nhân viên làm việc hiệu quả của mình, Brian đã khởi động chương trình BANDtogether, nhằm mang những ý tưởng và hành động tốt đẹp đến với đội ngũ nhân viên của công ty:
Cải thiện giáo dục: Đầu tư để nhân viên được tiếp cận một nền giáo dục bình đẳng. Đây là một trong những công cụ hữu hiệu khiến cho hoạt động kinh doanh của công ty trở nên hiệu quả hơn, từ đó cải thiện cuộc sống của nhân viên trong công ty.
Nâng cao sức khỏe tinh thần: 83% lực lượng lao động Hoa Kỳ đã phải trải qua những cảm xúc tiêu cực liên quan đến sức khỏe tâm thần trong năm qua. Việc phá bỏ cái nhìn kỳ thị và giải quyết những vấn đề về sức khỏe tâm thần không chỉ giúp cải thiện hoạt động kinh doanh của các công ty mà còn có ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội.
Trao quyền cho phụ nữ: Kể từ khi đại dịch bùng phát, hơn 2 triệu phụ nữ đã từ bỏ lực lượng lao động. Chính vì vậy chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn đến nhân viên nữ trong lực lượng lao động. Với 86% nhân viên là phụ nữ, Banfield luôn quan tâm đến hoạt động hỗ trợ và trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc.
Bác sỹ thú y thường có mức lương tương đối thấp so với bác sỹ những chuyên ngành khác, nhưng chi phí học tập của ngành này lại rất tốn kém. Ở Mỹ, ngành thú y có tỷ lệ nợ sinh viên trên thu nhập cao nhất trong tất cả các loại ngành nghề. Chính vì vậy, chỉ có những người thực sự đam mê và yêu quý động vật mới theo đuổi ngành này.
Brian chia sẻ: “Chúng tôi có một đội ngũ nhân viên rất đam mê công việc và chỉ muốn mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho thú cưng, nhưng họ lại phải gánh chịu một khoản nợ rất lớn. Banfield tự hào nằm trong 4% những công ty trả hết được những khoản nợ học tập cho đội ngũ nhân viên.”
Chương trình BANtogether đã dành khoảng 15 triệu USD để trả khoản nợ sinh viên cho các bác sỹ thú y của công ty, đồng thời giúp tái cấp vốn hơn 16 triệu đô la cho các khoản vay sinh viên.
Bác sỹ thú y cũng là những người thường gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Họ thường phải chứng kiến những cảnh gây xúc động mạnh, đôi khi là rất đau lòng. Chẳng hạn như khi một gia đình mang đến bệnh viện một chú mèo trong tình trạng bị thương trầm trọng, làm cho tất cả mọi người đứng ngồi không yên. Hay khoảnh khắc một cậu bé nhận nuôi chú cún nhỏ và háo hức đem chú đi khám bác sĩ…
Theo nghiên cứu, cứ 6 bác sỹ thú y thì có 1 người từng có ý định tự tử ít nhất một lần trong đời. Trong ngành này, đây được gọi là hiện tượng mệt mỏi vì lòng trắc ẩn (một loại chấn thương gián tiếp xảy ra khi một người bị choáng ngợp quá mức do những tổn thương và đau khổ của người khác). Chính vì vậy, Brian cho biết: “Chúng tôi đã thuê một chuyên gia sức khỏe tâm thần và khởi động các chương trình thí điểm về sức khỏe tâm thần cho nhân viên”. Banfield cũng đã triển khai một khóa đào tạo phòng chống tự tử đầu tiên tại Mỹ, đây là khóa học được thiết kế đặc biệt dành cho các bác sỹ thú y của công ty.
Theo Brian, lãnh đạo nên lắng nghe tâm tư nguyện vọng nhân viên – những người thân thiết nhất với khách hàng. Bất cứ một chiến lược kinh doanh nào cũng sẽ thất bại nếu người lãnh đạo không có sự đồng cảm với khách hàng và nhân viên. Việc bạn đem đến niềm hy vọng, sự giúp đỡ và sự lạc quan cho nhân viên còn có sức mạnh to lớn hơn bất kỳ hình thức giáo dục hay kiến thức nào.
Ông cũng xây dựng một môi trường làm việc vui vẻ với không gian mở, phòng tập thể dục, quán cà phê sang trọng, nhiều đồ chơi và game cho nhân viên cũng như “những người bạn nhiều lông” của công ty.
Chia sẻ với tờ Ladders, Brian cho biết Banfield sẽ hướng đến tiêu chí thịnh vượng xã hội để trở thành người dẫn đầu, không chỉ trong ngành thú y mà còn trong tất cả lĩnh vực kinh doanh. Họ sẽ tập trung vào ba yếu tố chính: chăm sóc sức khỏe vật nuôi, sức khỏe con người và đảm bảo tốt phúc lợi xã hội.
Tất cả những nỗ lực của ông đã mang lại kết quả đáng kinh ngạc. Kể từ khi Brian trở thành chủ tịch của công ty vào năm 2017, tỷ lệ nhân viên nhảy việc của Banfield đã xuống đến mức thấp nhất, đồng thời lợi nhuận của một công ty có giá trị hàng tỷ USD như Banfield đã tăng vọt hơn 50%.
Cuối cùng Brian cũng đã quay trở lại trường đại học. Thay vì lấy bằng kinh doanh và MBA, ông lấy bằng triết học của Đại học Indiana. Ông tham gia một số tổ chức phi lợi nhuận như: Dịch vụ Gia đình Metropolitan, Hội đồng Phát triển Kinh tế Sông Columbia và Quỹ Banfield. Khi rảnh rỗi, Garish dành thời gian bên hai chú mèo yêu quý của mình, Ashin và Kenji.