Khó giải bài toán ô nhiễm không khí

Hà Nội đang trải qua những ngày ô nhiễm không khí, vốn tác hại đến sức khỏe, khiến cơ quan chức năng phải lên tiếng cảnh báo.

Những ngày qua, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí ở Hà Nội để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.

Theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí thế giới (AirVisual), chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội sáng 7-10 đã vượt ngưỡng đỏ - trên 150. Đến 12 giờ, AQI vọt lên 206 - mức ô nhiễm rất nguy hiểm, có hại cho sức khỏe người dân, cần hạn chế hoạt động ngoài trời. Chỉ số PM2.5 (bụi mịn - kích thước bằng 1/30 sợi tóc) sáng cùng ngày cao gấp 16 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hằng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Cùng thời gian, hệ thống quan trắc không khí PAM Air (mạng lưới theo dõi chất lượng không khí thực tế, phủ khắp 63 tỉnh, thành) cũng ghi nhận nhiều điểm tại Hà Nội có chỉ số AQI màu đỏ, cam - mức có hại cho sức khỏe.

Ô nhiễm không khí là vấn đề tồn tại lâu nay ở Hà Nội cũng như nhiều đô thị lớn khác. Vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn khi thời tiết khô hanh vào cuối mùa thu, đầu mùa đông. Từ năm 2019, Hà Nội đã chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở thành phố, gồm: khí thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ công trình; vận chuyển vật liệu; đốt rác, rơm rạ; khói bụi từ cơ sở sản xuất; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa...

Theo kế hoạch "Quản lý chất lượng môi trường không khí TP Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035", ô nhiễm không khí - chủ yếu do bụi PM2.5 gây ra - đang ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và làm thiệt hại kinh tế của người dân. Việc gia tăng nồng độ bụi mịn dẫn đến trung bình mỗi năm, Hà Nội có thêm 1.062 người nhập viện do bệnh tim mạch, 2.969 người do bệnh hô hấp - tương đương lần lượt 1,2% và 2,4% tổng số ca nhập viện do hai nhóm bệnh này.

Bên cạnh gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, ô nhiễm không khí còn gây ra thiệt hại về kinh tế, do người dân phải chi trả chi phí khám chữa bệnh, chi phí gián tiếp do mất ngày công lao động của bệnh nhân và người chăm sóc.

Những năm qua, TP Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí, trong đó gần như chấm dứt tình trạng đun bếp than tổ ong. Tuy nhiên, nhiều nguồn gây ô nhiễm khác không những chưa giảm mà còn gia tăng, như khí thải phương tiện giao thông hay hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, làng nghề... Đây đều là những nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhưng cơ quan chức năng chưa tìm được giải pháp hạn chế, ngăn chặn khả thi, hiệu quả.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội, vì thế, vẫn là bài toán nan giải, nhất là vào giai đoạn hanh khô như hiện nay.

Phan Đăng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kho-giai-bai-toan-o-nhiem-khong-khi-196241017211036749.htm