Khó khăn cho ngành thủy sản Việt Nam trước căng thẳng Nga-Ukraine

Chuỗi cung ứng cho sản xuất và xuất nhập khẩu thủy sản sang Nga và Ukraine bị đứt gãy, các doanh nghiệp đang phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang thị trường khác.

Dây chuyền chế biến cá ngừ đại dương đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Dây chuyền chế biến cá ngừ đại dương đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo các chuyên gia thị trường của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), mặc dù tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng thủy sản Việt Nam sang Nga và Ukraine không lớn nhưng căng thẳng giữa hai nước đang tạo ra những hệ lụy mang tính dây chuyền, ảnh hướng tới xuất khẩu thủy sản của các nước, trong đó có Việt Nam.

Dự báo xuất khẩu cá ngừ “giảm tốc”

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tính đến hết năm 2021, Nga và Ukraine đều nằm trong số 20 thị trường nhập khẩu cá ngừ nhiều nhất của Việt Nam tính theo giá trị. Cả hai nước này đang nhập khẩu rất nhiều cá ngừ đông lạnh của Việt Nam.

Đối với Nga - thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 13 của Việt Nam, giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong 10 năm qua đã tăng từ 364.000 USD (năm 2012) lên hơn 14 triệu USD (năm 2021), tăng gấp hơn 39 lần.

Mặc dù trong 5 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này không ổn định nhưng đang có xu hướng tăng và phục hồi tốt sau đại dịch.

Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Nga năm 2021 chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của cá nước, tăng 58% so với năm 2020 và cao hơn cả so với năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch COVID-19. Riêng tháng 1/2022, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nga tăng 427% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Ukraine là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 19 của Việt Nam với giá trị xuất khẩu tăng gấp 58 lần trong 10 năm, từ mức 115 nghìn USD (năm 2012) lên 6,8 triệu USD (năm 2021); trong 5 năm trở lại đây, con số này tiếp tục gia tăng. Riêng năm 2021, giá trị xuất khẩu tăng 106% so với năm 2020, tăng gấp 3 lần so với năm 2019, chiếm tỷ trọng 1% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của cả nước.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu cho biết căng thẳng Nga-Ukraine khiến một số đơn hàng đã gửi đi phải quay trở lại, giao dịch xuất khẩu cá ngừ sang cả 2 nước nói trên đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng.

Chuỗi cung ứng cho sản xuất và xuất nhập khẩu bị đứt gãy. Các doanh nghiệp đang phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang thị trường khác.

Bên cạnh đó, Nga và Ukraine là những nhà cung cấp dầu hướng dương quan trọng nhất cho thị trường toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam. Nếu căng thẳng giữa Nga-Ukraine tiếp tục leo thang sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành cá ngừ.

Hiện, giá của hầu hết các loại dầu thực vật đều tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, trong khi các nhà chế biến cá ngừ đóng hộp đang phải đối mặt với giá dầu hướng dương tăng cao chưa từng có. Giá dầu hướng dương tăng cao sẽ đẩy chi phí sản xuất cá ngừ đóng hộp/túi tăng theo.

Chưa hết, giá dầu mỏ đã chịu áp lực từ đại dịch COVID-19 và tiếp tục tăng kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang. Dự kiến, chi phí nhiên liệu tăng cũng sẽ khiến chi phí đánh bắt tăng, đẩy giá cá ngừ nguyên liệu thô tăng theo.

Giá cước vận chuyển đường biển đã tăng phi mã trong hai năm qua nhưng dự báo vẫn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Đồng thời, các hãng tàu lớn đã thông báo không vận chuyển đi và đến Nga.

Trước tình hình này, Vasep nhận định mặc dù hai thị trường Nga và Ukraine không chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, nhưng trước những tác động hệ thống nói trên thì xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam những tháng tới sẽ “giảm tốc.”

Tôm, cá tra đi Nga gặp khó

Nga hiện đứng thứ 9 về nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 1% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của nước ta. Nga được coi là một trong những thị trường tiềm năng của tôm Việt Nam với nhu cầu tốt, cùng với lợi thế thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á Âu (VN-EAEUFTA).

Tuy nhiên, số doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu vào thị trường này còn hạn chế, thủ tục đăng ký phức tạp, thời gian xét duyệt kéo dài, các hàng rào phi thuế quan như quy định an toàn thực phẩm, kiểm dịch chất lượng của Nga khá chặt chẽ theo quy định riêng của nước này cũng như theo VN-EAEUFTA.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai, tỉnh An Giang (ảnh tư liệu). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai, tỉnh An Giang (ảnh tư liệu). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo ghi nhận của Vasep, những ngày gần đây, xuất khẩu tôm sang Nga đã bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Các lô hàng đi Nga đã xuất nhưng chưa biết có được thông quan hay không.

Với cá tra, Nga là một trong những thị trường tiềm năng và là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam năm 2021với giá trị đạt 32,5 triệu USD, tăng 72,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, sang năm 2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường này ẩn chứa nhiều bất ổn. Tháng 1/2022, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga chỉ đạt 2,18 triệu USD, giảm 29,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo phân tích của bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra, từ trước tới nay, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam vẫn coi Nga là thị trường nhiều tiềm năng và có nhu cầu lớn. Năm 2021 chính tác động và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 mà nhu cầu nhập khẩu cá tra phile đông lạnh của Nga từ Việt Nam tăng mạnh.

Việt Nam là một trong 3 quốc gia cung cấp sản phẩm cá thịt trắng lớn nhất cho Nga (sau Argentina và Trung Quốc) và là nhà cung cấp cá tra đông lạnh độc tôn cho Nga.

Tuy nhiên, từ đầu năm nay thì tình hình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Nga đang tạm thời bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn.

Theo các doanh nghiệp, nhiều hãng tàu biển đã thông báo không nhận vận chuyển container hàng đi Nga vì rủi ro rất cao khi các lô hàng có thể bị giữ lại tại cảng Rotterdam (Hà Lan) trước khi tới được hai cảng biển lớn của Nga là Saint Petersburg và Vladivostok.

Chính vì vậy, dù nhiều nhà nhập khẩu cá tra tại Nga mong muốn tiếp tục hợp tác nhưng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải tạm ngừng ký đơn hàng, theo dõi diễn biến mới để đưa ra quyết định nhằm giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất./.

Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/kho-khan-cho-nganh-thuy-san-viet-nam-truoc-cang-thang-ngaukraine/777014.vnp