Khó khăn trong công tác tiêm chủng ở các xã vùng cao Mường La

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong từ các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, ở một số xã, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa của huyện Mường La, việc tiêm chủng mở rộng còn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Công (Mường La) tuyên truyền cho người dân lợi ích về tiêm vắc xin phòng bệnh.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Công (Mường La) tuyên truyền cho người dân lợi ích về tiêm vắc xin phòng bệnh.

Trong chuyến công tác về xã Nậm Giôn, xã vùng sâu của huyện Mường La, Trao đổi với chúng tôi về công tác tiêm chủng ở xã, anh Vàng A Tra, Trạm trưởng Y tế xã Nậm Giôn cho biết: Từ ngày 10 đến ngày 18 hằng tháng, Trạm Y tế xã tổ chức tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi tại các bản. Nhân viên y tế bản thường xuyên theo dõi, bám sát các đối tượng tiêm chủng để báo cáo với Trạm quản lý, theo dõi. Tuy nhiên, nhiều trẻ sinh ra không được khai sinh đúng thời điểm, nên khó kiểm soát đối tượng tiêm chủng. Cùng với đó, nhiều phụ nữ có thai dù đã được nhân viên y tế bản, cán bộ y tế Trạm hướng dẫn, nhưng thờ ơ không đi tiêm chủng... Dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng không cao.

Tiếp tục tìm hiểu công tác tiêm chủng ở các xã đặc biệt khó khăn, chúng tôi về xã Chiềng Công - xã vùng cao có tỷ lệ tiêm chủng thấp so với các xã khác của huyện. Khoác lên người chiếc áo Bluse trắng, xách theo chiếc hòm bảo quản vắc xin và cầm thêm tập tờ rơi giới thiệu tiêm chủng mở rộng, 3 cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Công về bản Mạo để tiêm chủng định kỳ. Tại nhà trưởng bản, một số gia đình có trẻ dưới 1 tuổi và phụ nữ có thai đã có mặt để được tiêm phòng. Chị Vàng Thị Nênh (có con dưới 1 tuổi), nói: Hằng tháng, chúng tôi được trưởng bản thông báo trên loa lịch tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho trẻ. Khi đưa cháu đi tiêm, tôi mang theo sổ theo dõi. Được cán bộ y tế đến tiêm tại bản, chúng tôi rất mừng.

Anh Lò Văn Mẳn, Trạm Y tế Chiềng Công, cho biết: Xã có 17 bản, Trạm chia làm 6 cụm tiêm chủng. Các bản gần trung tâm xã đến tiêm tại Trạm; còn các bản xa trung tâm xã, cán bộ y tế đến tiêm tại bản. Tuy nhiên, đa số đều là những bản vùng cao, lại nằm rải rác, cách xa khu vực trung tâm xã từ 10-30km đường đất, nên vào mùa mưa, đường lầy lội, việc ra, vào bản gặp nhiều khó khăn, vì vậy đã ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng. Năm 2020, xã có 81% số trẻ trong độ tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh; 73,8% số trẻ được tiêm phòng viêm não Nhật Bản mũi 3; chỉ có 26% số phụ nữ có thai tiêm phòng uốn ván và 25% số trẻ sơ sinh tiêm vắc xin phòng viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh.

Các xã: Ngọc Chiến, Chiềng Muôn, Chiềng Ân, Hua Trai, Chiềng Lao cũng gặp khó trong việc tổ chức tiêm chủng mở rộng. Với những lý do chung là: Địa bàn rộng, giao thông khó khăn; một bộ phận người dân nhận thức về việc tiêm chủng mở rộng không cao; các xã vùng cao có gần 40% các trường hợp sinh con tại nhà; việc sáp nhập một số bản làm tăng dân số, nên khó thống kê, quản lý đối tượng tiêm chủng... Trong khi đó, một số trạm y tế xã thiếu nhân lực, thiếu thiết bị y tế; mức thù lao thấp, nên nhiều nhân viên y tế bản dừng hoạt động, khó khăn cho cán bộ y tế xã khi có vấn đề phát sinh tại cơ sở...

Theo thống kê, năm 2020, tỷ lệ tiêm chủng ở các xã vùng cao, vùng sâu trên địa bàn huyện mới đạt 43% số trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ; 24% trẻ được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh; 45% trẻ được tiêm vắc xin phòng bệnh lao; 44% trẻ được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi; 36% phụ nữ mang thai được tiêm phòng AT2+ và 38% trẻ được tiêm phòng bảo vệ uốn ván sơ sinh...

Trước thực trạng trên, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo y tế tuyến xã tăng cường tuyên truyền trên loa truyền thanh của bản, xã; phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ xã lồng ghép trong các hội nghị, cuộc sinh hoạt. Chuyển một số thiết bị y tế của Trung tâm Y tế huyện cho trạm y tế các xã vùng cao sử dụng, đảm bảo công tác tiêm chủng không bị gián đoạn. Các xã không có nhân viên y tế bản, trạm y tế xã phối hợp với bí thư chi bộ, trưởng bản rà soát đối tượng tiêm chủng để quản lý, theo dõi tiêm chủng định kỳ...

Để triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng tiêm chủng mở rộng tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Mường La, cùng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến xã... Rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông để mỗi gia đình có nhận thức đúng đắn về công tác tiêm chủng, cho con em đi tiêm đầy đủ để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, góp phần bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng xã hội.

Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/kho-khan-trong-cong-tac-tiem-chung-o-cac-xa-vung-cao-muong-la-38306