Khó khăn trong công tác tiêm chủng ở vùng cao Lai Châu

Tiêm chủng vaccine cho trẻ em và phụ nữ mang thai là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, ở một số xã, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu, việc tiêm chủng còn gặp khó khăn, tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.

Mang thai đứa con thứ 2 được 5 tháng, chị Lò Me Hoa, dân tộc Mảng, ở bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã đến Trạm Y tế xã để tiêm vaccine phòng, chống uốn ván. Cả buổi sáng, trạm y tế xã chỉ có mình chị Hoa đến tiêm và đây là số ít phụ nữ trên địa bàn có nhận thức đầy đủ về tiêm chủng.

Theo chị Hoa, phụ nữ người Mảng ít tiếp xúc với xã hội bên ngoài, nên nhận thức còn rất hạn chế. 13 - 15 tuổi chị em đã lấy chồng và chỉ biết đi nương, đi rừng kiếm cái ăn. Khi mang thai, chị em thường không tiêm vaccine và chủ yếu sinh đẻ ở nhà theo phong tục. Con sinh ra lại không cho tiêm vắc xin, nên trẻ thường ốm và bệnh tật nhiều.

“Khi có cán bộ y tế xuống bản để vận động đi tiêm vaccine cho các cháu, em thường vận động các chị em trong bản để đi tiêm. Tiêm vaccine để các cháu có thêm sức khỏe, không bị ốm đau, bệnh tật. Từ lúc em cho con đi tiêm vaccine, về con ít ốm hơn, khỏe mạnh hơn”, chị Hoa nói.

Nhân viên y tế tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tiêm chủng

Nhân viên y tế tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tiêm chủng

Để đảm bảo có được tỷ lệ tiêm chủng vaccine cho trẻ và phụ nữ mang thai trên địa bàn, lực lượng cán bộ y tế xã thường xuyên về các bản, phối hợp với cán bộ y tế thôn bản để tuyên truyền, vận động. Dù đã nỗ lực, cố gắng, nhưng do nhận thức của người dân còn hạn chế, nên tỷ lệ tiêm vẫn không được cải thiện là bao. Đến hết 9 tháng năm nay, tỷ lệ tiêm chủng vaccine trên địa bàn mới chỉ đạt hơn 40%.

Ông Phan Quốc Đạt, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn cho biết: Phụ nữ mang thai thường không khai báo với y tế thôn bản, trẻ sinh ra không được khai sinh đúng thời điểm nên đơn vị khó kiểm soát được đối tượng tiêm. Nhiều gia đình có phụ nữ mang thai hoặc trẻ nhỏ, dù được nhân viên y tế bản, cán bộ y tế trạm đến tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nhưng vẫn không đến tiêm.

“Khó khăn nhất là tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi nói riêng và tiêm chủng nói chung, do thiếu một số loại vaccine để triển khai trong công tác tiêm chủng. Ngoài ra còn có một số khó khăn khác do nhận thức của người dân còn chưa được cao. Để thay đổi nhận thức của người dân thì trạm cũng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vaccine”, ông Phan Quốc Đạt cho hay.

Nậm Nhùn là huyện biên giới của tỉnh Lai Châu, 95% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư sinh sống phân tán và có 7/11 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đây là khó khăn của cấp ủy, chính quyền địa phương khi thực hiện các nhiệm vụ chính trị, trong đó có công tác tiêm chủng. Đến nay, tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn mới đạt hơn 40%, trong đó nhiều địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa có tỉ lệ tiêm chủng đạt thấp, dưới 40%. Ngoài nhận thức của người dân còn hạn chế, nguyên nhân tỷ lệ tiêm tại địa phương đạt thấp còn do thiếu các loại thuốc như: DTP4, S2... dành cho trẻ em dưới 18 tháng tuổi.

Người dân bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn tìm hiểu về tác dụng của việc tiêm vaccine cho trẻ

Người dân bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn tìm hiểu về tác dụng của việc tiêm vaccine cho trẻ

Ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết: Huyện đã chỉ đạo Trung tâm y tế phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền trên loa truyền thanh của bản, xã; đồng thời phối hợp với các đoàn thể xã lồng ghép tuyên truyền trong các hội nghị, buổi sinh hoạt thôn, bản để từng bước nâng cao nhận thức cho người dân. Việc thiếu thuốc sẽ được tiếp tục đề nghị ngành dọc cung cấp đủ số lượng để triển khai tiêm, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

“Khó khăn là do địa bàn rộng, dân cư phân tán, khi tuyên truyền được đến nhân dân đưa con em đến trạm y tế hoặc đến các điểm trường để tiêm thì có thời điểm chưa đủ vaccine. Tỉnh, Sở y tế cũng như huyện đã chỉ đạo trung tâm y tế báo cáo với ngành dọc để chuẩn bị đầy đủ các loại vaccine. Khi có vaccine thì thông báo lịch tiêm đến các tổ chức đoàn thể; phối hợp với ngành giáo dục để vận động cha mẹ trẻ em đưa trẻ em đến tiêm đúng lịch, để đảm bảo số lượng cũng như chất lượng của việc tiêm vaccine”.

Để đảm bảo triển khai sâu rộng, từng bước nâng cao chất lượng tiêm chủng cho trẻ và phụ nữ mang thai trên địa bàn huyện Nậm Nhùn nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung, cùng với sự nỗ lực của cán bộ y tế cơ sở, rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động. Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức đúng đắn của người dân về công tác tiêm chủng, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân, cũng như chất lượng dân số trên địa bàn.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/kho-khan-trong-cong-tac-tiem-chung-o-vung-cao-lai-chau-post1050520.vov