Khó lập sàn giao dịch xăng dầu

Nhiều ý kiến cho rằng việc lập sàn giao dịch xăng dầu tại Việt Nam gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là về vấn đề quản lý giá.

Trước những bất cập của thị trường xăng dầu thời gian qua, đề xuất thành lập sàn giao dịch xăng dầu đã được nhiều chuyên gia đưa ra vì nhiều lợi ích như tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro thông qua các hợp đồng giao dịch.

Tuy nhiên, với điều kiện thị trường như Việt Nam, việc thành lập sàn giao dịch này đang đứng trước nhiều trở ngại, đặc biệt là do cơ chế quản lý giá.

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), hiện thế giới chỉ có hai sàn giao dịch xăng dầu tiêu biểu thành công là Sàn giao dịch Chicago (Mỹ) cho thị trường dầu thô WTI và Sàn giao dịch London cho dầu thô Brent.

Lý do thành công là hai sàn này tạo ra được sân chơi đủ lớn, có khối lượng xăng dầu đủ lớn, có người mua, người bán…

Ngay cả Trung Quốc, thị trường xăng dầu lớn thứ hai thế giới, trước đây cũng đã muốn thành lập một sàn như vậy nhưng không thành công.

Điều này cho thấy, nếu Việt Nam thành lập sàn giao dịch xăng dầu, sàn này sẽ không thể hoạt động độc lập với các sàn của thế giới. Nguyên nhân là bởi dù Việt Nam là nước có xuất khẩu dầu thô, có nhà máy lọc dầu nhưng vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn dầu thô về để lọc và để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước.

Do vậy, giá trong nước không thể độc lập so với thế giới, trong khi đó, cơ chế hiện nay vẫn là Nhà nước đang điều hành giá xăng dầu. “Chừng nào Nhà nước còn điều hành giá xăng dầu thì việc giao dịch trên sàn sẽ khó khăn”, ông Hùng nhấn mạnh tại một hội thảo mới đây của Bộ Công thương.

Đơn cử, nếu giá dầu thô xuống mạnh, doanh nghiệp phải chờ đến kỳ điều hành tiếp theo mới được điều chỉnh giá, dẫn tới tình trạng giá trên sàn cao hơn giá thị trường, khiến giao dịch sẽ khó khăn.

Nếu thành lập sàn giao dịch xăng dầu, giá xăng dầu sẽ đi theo diễn biến của thị trường thay vì Nhà nước điều hành như hiện nay. Ảnh: Hoàng Anh

Nếu thành lập sàn giao dịch xăng dầu, giá xăng dầu sẽ đi theo diễn biến của thị trường thay vì Nhà nước điều hành như hiện nay. Ảnh: Hoàng Anh

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Nếu đặt mục tiêu thành lập một sàn giao dịch xăng dầu như quốc tế thì chắc chắn ở Việt Nam chưa thể làm được. Còn nếu hình thành một mô hình sàn giao dịch như là nơi để các doanh nghiệp đầu mối, bán lẻ, phân phối xăng dầu cùng giao dịch thì đó là mô hình trung tâm mua bán xăng dầu mang tính vật chất, sẽ khác với mô hình sàn giao dịch hàng hóa”.

Tính liên thông trong quản lý giá cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là yếu tố quan trọng nếu Việt Nam muốn thành lập sàn giao dịch xăng dầu.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo, nếu Việt Nam muốn xây dựng các sàn như sàn giao dịch ở Singapore, ở New York hay EU thì sẽ cần tính liên thông cao. Các sản phẩm đều phải liên thông thay vì xây dựng sàn và có chỉ số giá riêng của xăng dầu.

Bên cạnh đó, với những sàn giao dịch hàng hóa theo chỉ số nước ngoài, chỉ số gắn với WTI, dầu thô của Mỹ hay Brent của EU hoặc ở một số sản phẩm khác, tính liên thông rõ ràng đã có, giúp doanh nghiệp có thể bám vào để kinh doanh và có tổ chức các nghiệp vụ phái sinh.

Hiện nay, tại Việt Nam, sự liên thông này chưa có do cơ cấu giá hình thành giá xăng dầu bán ra còn các chi phí khác như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trị giá gia tăng, quỹ bình ổn, chi phí định mức…

Do sự khác biệt như vậy, ông Bảo cho rằng nên tạo dựng sàn đấu thầu thì đúng hơn, tập hợp các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối.

“Tôi không hiểu các nhà quản lý mong muốn xây dựng sàn như vậy hay sàn giống quốc tế, sàn có thể kéo tất cả người dân, doanh nghiệp tham gia như sàn chứng khoán thì cái đó càng cần có thời gian”, ông Bảo phân tích tại tọa đàm xăng dầu mới đây.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu Việt Nam muốn thành lập sàn giao dịch xăng dầu như là các sàn của thế giới thì phải có liên thông. Đó là sự liên thông giữa sản phẩm của Việt Nam với sản phẩm của các nhà cung cấp thế giới, coi như là sàn giao dịch cho thế giới chứ không phải chỉ dành cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp của Việt Nam.

Không chỉ vậy, sự thành công của sàn còn phụ thuộc vào việc các nhà phân phối được cho phép mua bán tự do hay không.

“Nếu chúng ta định ấn định là ông này chỉ được mua của ông kia, ông không được bán cho nhau thì sàn này lập ra vô nghĩa. Sàn phải để tất cả mọi người tham gia, phải minh bạch, trăm người bán vạn người mua, Tôi muốn mua của ai cũng được, muốn bán cho ai cũng được, muốn mua bao nhiêu cũng được, thì khi đấy sàn mới có ý nghĩa”, ông Cường phân tích.

Trong giai đoạn tháng 5/2020 – 5/2024, việc giao dịch các sản phẩm như dầu thô, khí tự nhiên đã được Bộ Công thương cho phép thí điểm tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia giao dịch vì chính sách chưa ổn định.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chưa có chính sách về chế độ hạch toán, kế toán cho các doanh nghiệp tham gia giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói riêng.

“Việc lập sàn giao dịch xăng dầu cần phải xem xét đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc MXV nhấn mạnh.

Hoàng Linh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/kho-lap-san-giao-dich-xang-dau-1722415667637.htm