Khó như chia 'miếng bánh' lợi ích trong kinh doanh xăng dầu

Chính phủ yêu cầu 2 Bộ Công Thương và Tài chính xem xét kiến nghị của các doanh nghiệp bán lẻ về việc đảm bảo chi phí, lợi nhuận kinh doanh. Đây cũng đang là vấn đề nổi cộm nhất thị trường xăng dầu trong thời gian vừa qua, dẫn tới sự 'đối đầu' giữa khâu đầu mối - phân phối - bán lẻ, hay nói cách khác là xung đột lợi ích giữa các nhóm doanh nghiệp.

Cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm nay, nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ đã trực tiếp gửi đơn thư cầu cứu lên Chính phủ đề nghị xem xét quy định chi phí định mức và lợi nhuận định mức trong kinh doanh xăng dầu. Điểm chung của các kiến nghị này là tình trạng thua lỗ mà các DN bán lẻ gặp phải khiến họ bán cả ruộng vườn; nhân viên phục vụ cả ngày mà không đủ trả lương.

Bán lẻ thua lỗ, tố đầu mối 'ăn mất' chi phí kinh doanh

Trong đơn kiến nghị, ông Huỳnh Lâm Chí Quế - Giám đốc DN bán lẻ xăng dầu Huỳnh Lâm Phú, phản ánh công ty đang gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, quy định trong Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu không có lợi cho DN bán lẻ xăng dầu, nhất là không nhận được chi phí định mức và lợi nhuận định mức đã quy định như nhiều DN bán lẻ phản ánh trong đơn vừa qua nên tình hình hoạt động của DN bán lẻ luôn bất ổn dẫn đến thua lỗ kéo dài phải cầm cố tài sản.

Thị trường xăng dầu đang tồn tại sự "đối đầu" giữa đầu mối - phân phối - bán lẻ

Thị trường xăng dầu đang tồn tại sự "đối đầu" giữa đầu mối - phân phối - bán lẻ

“Thậm chí, chúng tôi phải đi làm việc khác, chạy xe mướn… được bao nhiêu cũng bù đắp vào việc lỗ lãi của kinh doanh xăng dầu, không nuôi nổi gia đình mà còn trở thành gánh nặng, áp lực cho gia đình”, ông Quế giãi bày.

Để tránh tình trạng lặp lại, đại diện DN Huỳnh Lâm Phú kiến nghị sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu làm sao có những quy định đảm bảo đủ chi phí cho DN hoạt động. Theo đó, thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối được quyền quyết định giá bán buôn thì giá bán lẻ phải để cho DN bán lẻ tự quyết định. Ông Quế đề xuất đưa ra mức giá trần bán lẻ không vượt quá 106% giá bán buôn.

Theo ông Quế, đặc thù của DN bán lẻ là phải bán liên tục, nếu không có quy định gì làm cơ sở pháp lý điều chỉnh hành vi của các bên tham gia thì “bán vài chuyến hàng, nhà cung cấp họ giảm chiết khấu xuống dưới điểm hòa vốn và đổ thừa lý do giá xăng thế giới biến động thì xem như DN lại bị thua lỗ”, ông Quế nêu.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Rim, Công ty TNHH MTV Giang Chấn Hưng (Trà Vinh), phản ánh tình hình hoạt động của DN bất ổn dẫn đến thua lỗ kéo dài phải bán tài sản đất đai để duy trì hoạt động. Để tránh tình trạng này lặp lại, công ty đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi Nghị định có những quy định sao cho đảm bảo có đủ chi phí cho DN hoạt động.

“Những lúc xăng dầu biến động, chúng tôi không cần lãi mà cần đủ chi phí duy trì hoat động”, bà Rim nhấn mạnh.

Mặt khác, các DN bán lẻ phản ánh về Thông tư 104 của Bộ Tài chính ngày 18/11/2021 quy định chi phí kinh doanh định mức là 1.050 đồng/lít và lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Trong phần chi phí trên, quy định đã nêu rõ là cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ. Tuy nhiên, Thông tư lại không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn và khâu bán lẻ, nên DN đầu mối đã lợi dụng kẽ hở đó một cách triệt để hưởng gần như phần chi phí này.

"DN bán lẻ không nằm trong chuỗi cửa hàng trực thuộc của DN đầu mối nên hầu hết đều không được hưởng đầy đủ phần lợi nhuận và chi phí đúng theo quy định. Do đó, DN bán lẻ phải được chia phần chi phí định mức và lợi nhuận định mức theo quy định", một DN bán lẻ phản ánh.

Chờ… cơ quan quản lý phân xử

Theo đó, các DN đề xuất liên Bộ Tài chính - Công Thương thành lập hội đồng để phân chia lại giá trị của phần chi phí định mức và lợi nhuận định mức, từ đó làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong nghị định mới.

Ví dụ, sau khi thẩm định, phân định lại mức nhận được của DN bán lẻ là 900 đồng/lít mới nhận được có 100 đồng/lít thì đề nghị hội đồng yêu cầu doanh nghiệp đầu mối hoàn trả lại cho DN bán lẻ thêm 800 đồng/lít nữa.

Để phân giải mâu thuẫn giữa các nhóm DN, trong Văn bản số 2511/VPCP-KTTH, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc xem xét kiến nghị của một số DN bán lẻ xăng dầu liên quan đến đề nghị hoàn trả lợi nhuận, chi phí kinh doanh định mức cho DN.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ Công Thương, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao để xem xét các kiến nghị, có văn bản trả lời cho DN. Đồng thời, nghiên cứu các kiến nghị của DN bán lẻ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, đảm bảo khoa học, hài hòa, hợp lý, đúng quy định của pháp luật.

Nghĩa là, việc xem xét đề xuất hoàn lại lợi nhuận của DN bán lẻ… vẫn tiếp tục chờ ý kiến từ các cơ quan quản lý. Tuy vậy, dưới góc độ chuyên gia, TS. Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá, thị trường xăng dầu đang tồn tại sự đối đầu giữa đầu mối – phân phối – bán lẻ, nói thẳng là xung đột lợi ích. Vì vậy, vấn đề này phải được khắc phục ngay dù sửa hay không sửa Nghị định 83, 95.

Một vấn đề khác, ông Ánh chỉ ra là: "Chúng ta chỉ kinh doanh xăng dầu mà chưa có thị trường xăng dầu, nhưng lại đặt ra các vấn đề trên cơ sở đã có thị trường... Tiếp đến, vấn đề tôi quan tâm là hệ thống kinh doanh xăng dầu đã ổn chưa? Chúng ta luôn đề cập đến 3 bộ phận (đầu mối - phân phối - bán lẻ) nhưng bỏ quên lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất, chiếm 70% hệ thống”.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/kho-nhu-chia-mieng-banh-loi-ich-trong-kinh-doanh-xang-dau-1092075.html