Khó quản lý hải quan đối với nhiên liệu trên phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh

Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng hiện nay công tác quản lý nhiên liệu trên phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị chuyên dụng tạm nhập tái xuất, cũng như trên phương tiện vận tải của Việt Nam xuất cảnh sau đó nhập cảnh trở lại hoạt động tại Việt Nam còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan hải quan.

Lực lượng hải quan kiểm tra hàng hóa trên phương tiện vận tải xuất nhập cảnh. Ảnh: Văn Tá

Lực lượng hải quan kiểm tra hàng hóa trên phương tiện vận tải xuất nhập cảnh. Ảnh: Văn Tá

Khó từ quy định

Hiện nay hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu có tính đặc thù, từ chủng loại hàng hóa, phương tiện vận tải chuyên dùng, điều kiện kho, bồn, bể dùng để chứa xăng dầu cùng chủng loại, không thể phân biệt nguồn gốc xăng dầu trong nước hay xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập tái xuất do phương tiện mang vào. Do đó, quá trình thực hiện cơ quan hải quan gặp khó khăn trong việc áp dụng văn bản pháp luật.

Còn thiếu chế tài

Vừa qua, do chênh lệch giá xăng, một số đối tượng đã gia cố phương tiện để chở nhiên liệu. Với chiêu thức sau khi đổ đầy cho thùng chính, những thùng phụ được hàn gắn, cơi nới thêm cũng được đổ đầy. Sau đó, những chiếc xe này đã di chuyển để xuất khẩu sang Lào tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế tài áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá hủy các phương tiện được gia cố trên phương tiện để chở hàng hóa (nhiên liệu) buôn lậu.

Cụ thể, trong Thông tư 69/2016/TT-BTC ngày 6/5/2016 quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu, hóa chất, khí xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế hoặc gia công xuất khẩu xăng dầu, khí; dầu thô xuất nhập khẩu; hàng hóa xuất nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí, tại điểm b khoản 14 Điều 4, Bộ Tài chính quy định: “Khi phương tiện chuyên dụng làm thủ tục xuất cảnh, chủ tàu hoặc đại lý chủ tàu thực hiện kê khai lượng xăng dầu thực tế sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC và làm thủ tục xuất khẩu hoặc tái xuất đối với lượng xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập còn tồn chứa trong tàu”.

Tuy nhiên, điểm a khoản 11 Điều 4 Thông tư này cũng quy định: “Đối với xăng dầu, hóa chất, khí xuất khẩu, tái xuất qua cửa khẩu đường biển, cảng chuyển tải, khu chuyển tải; xăng dầu cung ứng cho tàu biển, máy bay xuất cảnh; xăng dầu, khí xuất khẩu, tái xuất đưa vào kho ngoại quan là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan và được xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát” trên Hệ thống”.

Thực tế khi triển khai quy định, một số đơn vị địa phương nhận thấy, do lượng xăng dầu tái xuất chứa trên phương tiện chuyên dụng tự hành hoặc không tự hành tái xuất theo tàu thực hiện đăng ký theo loại hình G24 nên tờ khai không có trên hệ thống gây khó khăn trong việc thực hiện quy định. Bởi tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu với các quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn xuất nhập khẩu; tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn tồn chứa, công đoạn xúc rửa, pha chế, vận chuyển, chuyển tải… được thực hiện theo Thông tư 43/2015/TT-BCT ngày 8/12/2015 của Bộ Công thương.

Tổng cục Hải quan cũng đã hướng dẫn cách xác định tỷ lệ hao hụt xăng dầu. Theo đó, tỷ lệ hao hụt tối đa cho phép khi thanh khoản tờ khai tạm nhập là tỷ lệ hao hụt tối đa quy định tại Thông tư 43/2015/TT-BCT từ khâu nhập cho đến khâu tái xuất. Tuy nhiên, thực tế lượng hao hụt nhập bồn rất khó xác định do lượng hàng hóa này thực sự chứa trên phương tiện vận tải. Như vậy, tỷ lệ hao hụt xăng dầu đối với loại hình này là tỷ lệ hao hụt công đoạn tồn chứa. Đây cũng là lý do thời gian qua, cơ quan hải quan và người khai hải quan gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh quyết toán.

Không chỉ vậy, việc bất cập trong công tác xử lý vi phạm hành chính cũng là một trong những vấn đề gây khó cho cơ quan hải quan bởi hiện chưa có biện pháp xử phạt bổ sung đối với trường hợp phương tiện gia cố bồn, bể, thùng nhằm chứa nhiên liệu để buôn lậu. Mức xử phạt vi phạm hành chính còn mang tính răn đe, chưa nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

... dẫn đến bất cập trong phối hợp

Những khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật cũng phần nào ảnh hưởng đến công tác phối kết hợp trong thực thi nhiệm vụ giữa cơ quan hải quan với các cơ quan chức năng, bộ ngành liên quan. Công tác phối hợp giữa Hải quan và Biên phòng trong công tác quản lý đối với nhiên liệu trên phương tiện vận tải xuất nhập cảnh chủ yếu trong hoạt động giải quyết thủ tục hải quan xuất nhập cảnh cho phương tiện và hoạt động phòng chống, gian lận thương mại. Việc Luật Biên phòng quy định có chức năng kiểm tra, giám sát phương tiện vận tải hàng hóa dẫn đến chồng chéo, không tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thông quan, phiền hà cho doanh nghiệp, phát sinh thêm chi phí.

Bên cạnh vướng mắc, bất cập diễn ra, lực lượng Hải quan và Cảnh sát biển cũng gặp không ít khó khăn trong việc trao đổi, cung cấp thông tin nghiệp vụ và phối hợp tác chiến trên biển trong việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới nói chung, buôn lậu xăng dầu nói riêng.

Ngoài ra, quá trình phối hợp thực thi pháp luật chuyên ngành hàng hải, trong đó thực hiện cấp lệnh đến, rời cảng đối với phương tiện đường biển xuất nhập cảnh đã phát sinh khó khăn. Do hệ thống cấp lệnh chuyển cảng đối với phương tiện vận tải đường biển, đường sông tuyến nội địa chưa đồng bộ với hệ thống một cửa quốc gia nên việc kiểm soát phương tiện vận tải nhập cảnh chuyển cảng, chạy tuyến nội địa tiếp theo chưa đồng bộ thống nhất với nhau, thủ tục chuyển cảng do cơ quan hải quan thực hiện và lệnh điều động do cảng vụ hàng hải thực hiện chưa thống nhất trên cùng một hệ thống. Hay công tác tổ chức thực thi pháp luật về hàng không dân dụng cũng gặp khó khi thực hiện cấp lệnh cảng đến, rời cảng đối với phương tiện hàng không...

Khó khăn trong việc áp dụng văn bản pháp luật

Từ thực tiễn công tác quản lý nhiên liệu trên phương tiện vận tải tạm nhập tái xuất khi xuất nhập cảnh, cơ quan hải quan gặp một số khó khăn vướng mắc bởi nhiên liệu tạm nhập chứa trên phương tiện, không thể niêm phong hải quan, quá trình hoạt động của phương tiện, cơ quan hải quan không thể thực hiện công tác giám sát, chỉ thực hiện công tác kiểm soát hải quan do vậy khi phương tiện thực hiện xuất cảnh, tái xuất cơ quan hải quan khó khăn trong việc xác định chủng loại xăng dầu tái xuất.

Đặc biệt, theo Luật Ngoại thương, thương nhân phải có giấy phép kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất nhập khẩu.

Chỉ có thương nhân đầu mối được xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu; thương nhân có Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu được tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu và nguyên liệu; thương nhân sản xuất được gia công xuất khẩu xăng dầu dẫn tới cơ quan hải quan và người khai hải quan đôi lúc vẫn còn hạn chế trong việc xử lý đối với những trường hợp xuất nhập khẩu xăng dầu không phải là thương nhân không có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu thực hiện.

Mặc dù vậy, Thông tư 38/2014/TT-BCT ngày 24/10/2014 của Bộ Công thương lại quy định thương nhân được phép tạm nhập xăng dầu và nguyên liệu theo lô lớn và tái xuất nguyên lô hoặc theo từng lô nhỏ từ các kho chứa nội địa của thương nhân theo đúng số lượng và chủng loại đã tạm nhập trừ đi lượng hao hụt không cao hơn lượng hao hụt theo định mức trong quá trình tiếp nhận và tồn chứa.

Quá trình thực hiện, cơ quan hải quan gặp khó khăn trong việc áp dụng văn bản pháp luật.

Trần Minh Hiển (Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kho-quan-ly-hai-quan-doi-voi-nhien-lieu-tren-phuong-tien-van-tai-xuat-nhap-canh-161820.html