Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Lâm Đồng có khoảng 1,3 triệu người với 47 dân tộc anh em sinh sống, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 25,72%. Mười năm qua (2011 - 2020), nhiều dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) đã thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng hóa theo chuỗi liên kết gắn với thị trường; các chương trình, nhiệm vụ KH&CN đã được triển khai đúng hướng, trực tiếp làm thay đổi diện mạo đời sống, giảm nghèo bền vững, tác động mạnh mẽ đến đời sống nhân dân các dân tộc thiểu số (DTTS).

Cơ khí hóa trên cánh đồng lúa Ma Bó - Đa Quyn làm thay đổi đời sống của đồng bào Chu Ru

Cơ khí hóa trên cánh đồng lúa Ma Bó - Đa Quyn làm thay đổi đời sống của đồng bào Chu Ru

Ứng dụng KH&CN phát triển cây trồng, vật nuôi thế mạnh

Thời gian qua, tỉnh đã có những bước tiến mạnh mẽ về chất với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển cây trồng, vật nuôi thế mạnh, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống của đồng bào DTTS. Có thể kể: Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại tỉnh Lâm Đồng”, đã chuyển giao thành công 5 quy trình kỹ thuật về chăn nuôi bò lai hướng thịt chất lượng cao, trồng và sử dụng các giống cỏ chăn nuôi, chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò, vỗ béo bò thịt, vệ sinh chuồng trại và xử lý môi trường chăn nuôi; xây dựng mô hình chăn nuôi tại 18 hộ dân thuộc 4 huyện (Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Cát Tiên) với quy mô 4 con bò nền/hộ; mô hình trồng cỏ phân tán với khoảng 1.100 tấn cỏ/3,6 ha/năm; cho thu nhập cao hơn chăn nuôi bò truyền thống 25 - 30%, cung cấp cho thị trường lượng thực phẩm có giá trị cao.

Mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Lâm Hà và huyện Đạ Tẻh đã bước đầu hình thành mối liên kết từ sản xuất dâu, nuôi tằm đến tiêu thụ trứng cho các hộ sản xuất, giúp thu nhập của nông dân tăng gấp 2 lần và hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Dự án đã xây dựng các mô hình hộ gia đình trồng các giống dâu mới đạt năng suất 25 - 29,5 tấn/ha/năm, mô hình nuôi tằm con tập trung cho năng suất kén từ 40 - 45 kg/hộp, tỷ lệ trứng nở đạt trên 96%; xây dựng 1 mô hình liên kết sản xuất dâu, nuôi tằm đến tiêu thụ trứng với quy mô trên 80 ha dâu, 10.000 hộp trứng tằm giống; đào tạo 28 kỹ thuật viên và tập huấn cho 600 lượt nông dân nắm vững và ứng dụng thành thạo các quy trình. Các hộ trồng dâu, nuôi tằm con tập trung mang lại hiệu quả kinh tế với thu nhập bình quân của các hộ dân từ 150 - 300 triệu đồng/năm.

Dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng và phát triển mô hình sản xuất cà phê bền vững tại huyện Lâm Hà” đã xây dựng mô hình vườn nhân chồi giống cà phê vối mới với 50.000 cây, cây sinh trưởng tốt và đã cho thu hoạch 150.000 chồi; mô hình vườn sản xuất hạt lai đa dòng (1.100 cây) và vườn sản xuất hạt giống cà phê chè mới (4.500 cây); ghép cải tạo vườn cà phê giống cũ quy mô 10 ha/10 xã với mục tiêu đạt 3,5 tấn nhân/ha/năm; mô hình quản lý mùa vụ tổng hợp quy mô 10 ha/10 xã với mục tiêu đạt 4 tấn nhân/ha/năm. Dự án chuyển giao hàng chục quy trình kỹ thuật về canh tác cà phê trên đất dốc, trồng mới và chăm sóc cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản, ghép cải tạo vườn cà phê giống cũ, tạo hình, tỉa cành cho cây cà phê, tưới tiết kiệm nước; ủ vỏ cà phê làm phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp; thu hái, sơ chế và bảo quản cà phê sau thu hoạch... Thu nhập của người dân tham gia dự án tăng hơn 10%, chất lượng cà phê của các hộ cải thiện 10-15%.

Tại Đam Rông đã triển khai thực hiện xây dựng mô hình thâm canh ca cao và trồng xen dưới tán vườn điều với tổng diện tích 40 ha, 751 nông dân được chuyển giao quy trình kỹ thuật thu hái, đã xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất rau an toàn (xà lách, mướp đắng, cà tím, dưa leo) theo hướng nông nghiệp công nghệ cao quy mô 500 m2/mô hình trong vùng đồng bào DTTS xã Đạ R’Sal và Đạ K’Nàng. Dự án “Xây dựng vùng chè có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để chế biến chè chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu nâng cao giá trị chè Lâm Đồng” đã tiếp nhận, làm chủ quy trình nhân giống bằng phương pháp giâm cành, quy trình trồng mới và thâm canh 3 giống chè Kim Tuyên, Thúy Ngọc và Tứ Quý đạt tiêu chuẩn VietGAP, quy trình chế biến chè Oolong, đồng thời xây dựng các mô hình trồng mới, thâm canh với diện tích trên 50 ha.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng và vận hành chuỗi rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020” xây dựng 11 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất rau, củ, quả an toàn đạt chứng nhận VietGAP; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất rau, củ, quả an toàn cho 4 loại sản phẩm: cà chua, ớt ngọt, dâu tây và xà lách; xây dựng trung tâm sau thu hoạch, trong đó đầu tư một số trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, được chứng nhận HACCP để thực hiện việc sơ chế, chế biến rau, củ, quả, đóng gói trước khi đưa ra thị trường.

Dự án “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng và sản xuất meo giống một số loại nấm ăn, nấm làm thuốc tại huyện Đơn Dương” đã xây dựng được 20 nhà nuôi trồng nấm tập trung với công nghệ cao (diện tích 4.500 m2), 12 nhà nấm phân tán diện tích 3.000 m2, nhận chuyển giao thành công 9 quy trình công nghệ (như quy trình tuyển chọn, bảo quản giống nấm, nhân giống nấm cấp I, II, bảo quản nấm tươi, nấm sấy khô, nuôi trồng nấm bào ngư, mộc nhĩ, linh chi...). Dự án đã sản xuất được 900.000 bịch phôi, hơn 590 tấn nấm bào ngư, 15 tấn mộc nhĩ khô và trên 11 tấn nấm các loại khác; tập huấn cho 270 lượt nông dân trong vùng. Từ đó, tạo sức lan tỏa lớn cho vùng nấm Đơn Dương nhờ việc đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể “Nấm bào ngư Đơn Dương”. Đã xây dựng thành công 4 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nuôi trồng nấm linh chi đỏ trên hỗn hợp giá thể gỗ quế và nấm hương tại Đơn Dương và Lạc Dương, chuyển giao 3 quy trình kỹ thuật cho người dân ứng dụng vào quá trình sản xuất.

Triển khai nhiều dự án

Trong giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh đã triển khai 9 dự án nông thôn miền núi cấp tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai 14 dự án nông thôn miền núi cấp nhà nước với tổng kinh phí từ ngân sách trung ương là 34,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 7,9 tỷ đồng. Các dự án tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh như: chè, cà phê, dâu tằm, nấm ăn, nấm dược liệu, rau, hoa, bò thịt, cá nước lạnh…). Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, Sở KHCN cũng triển khai 50 nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao KH&CN cấp huyện, các nhiệm vụ tập trung chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi vào sản xuất tại các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Các nhiệm vụ triển khai tại tỉnh Lâm Đồng thuộc chương trình nông thôn miền núi cấp tỉnh, cấp nhà nước đều nhằm chuyển giao, ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của một số hàng hóa và nông sản trên thị trường, góp phần xóa đói nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS.

Việc hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN từ các dự án nông thôn miền núi cấp nhà nước, cấp tỉnh thời gian qua đã phát huy được lợi thế từng địa phương. Sự lan tỏa hiệu quả của các dự án còn được thực hiện qua các hội thảo đầu bờ, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hàng ngàn lượt hộ nông dân trực tiếp thực hiện mô hình và người dân trong vùng dự án, giúp bà con nắm vững kỹ thuật bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. ThS.Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở KHCN Lâm Đồng cho biết: Từ các mô hình, dự án, bà con DTTS đã tham quan học tập, nhân rộng mô hình, mạnh dạn áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất của chính gia đình mình, góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống. Sản phẩm hàng hóa đồng bào sản xuất ra không những đáp ứng được yêu cầu cho nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp mà còn phù hợp với yêu cầu của thị trường, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân vùng DTTS.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202011/khoa-hoc-va-cong-nghe-thuc-day-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-3032427/