Khoác lên mình chiếc áo mới

Không còn hình ảnh xập xệ, đìu hiu như thời gian trước, nhất là sau khi hệ thống bưu chính tách khỏi viễn thông, Bưu điện văn hóa xã (BÐVHX) cũng đã có sự thay đổi, hướng tới mục đích cuối cùng phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Dù thông báo mở cửa cả ngày, nhưng nhiều người vẫn phải ra về vì nhân viên làm việc bán thời gian

Đã từng có thời gian với nhiệm vụ “một vai hai gánh” (vừa là bưu điện vừa là văn hóa), BĐVHX thực sự là địa chỉ gắn bó với người dân vùng nông thôn. Kể từ khi chia tách, với sự bùng nổ của các loại hình dịch vụ thông tin, sự thích nghi chậm, hạ tầng xuống cấp và cả sự thiếu quan tâm của những người có trách nhiệm, BĐVHX gần như rơi vào cảnh có cũng như không.

Không để ngành dịch vụ truyền thống có lịch sử lâu đời với những ngày tháng huy hoàng trong quá khứ bị chết yểu, đồng thời cũng vực dậy lại niềm tin của người dân, cũng như sự kỳ vọng sau khi tiến hành chia tách, cùng với hệ thống bưu điện cả nước, ngành Bưu điện Lâm Đồng cũng đã triển khai rất nhiều kế hoạch để làm mới lại hình ảnh BĐVHX.

Với mục tiêu phát triển hệ thống BĐVHX thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng thời phát triển kinh doanh, tạo nền tảng bền vững để lồng ghép triển khai các chương trình, dự án của Nhà nước về nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, hiện nay Bưu điện Lâm Đồng đã có 115 điểm BĐVHX phủ kín tại các địa bàn trong tỉnh.

Bà Ngô Thị Thảo - Phòng Kinh doanh, Bưu điện tỉnh cho biết: “Từ năm 2014, Bưu điện Việt Nam đã tập trung triển khai chiến dịch đổi mới hoạt động tại BĐVHX trên phạm vi toàn quốc. Giai đoạn 2014 - 2018, Bưu điện Lâm Đồng đã được đầu tư gần 5 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới công tác phục vụ cho sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội cũng như kinh doanh tại địa bàn nông thôn. Hầu hết, các BĐVHX được trang bị máy tính, máy in kết nối internet lên tới 110 điểm”.

Cũng theo tìm hiểu, từ chỗ chỉ đơn thuần cung cấp các dịch vụ bưu chính truyền thống, là nơi đọc sách báo miễn phí, sinh hoạt cộng đồng tại xã, nhưng hiện tại, BĐVHX đã hoạt động theo hướng mới, cung cấp đa dịch vụ tại các điểm như: Chi trả lương hưu, Bảo trợ xã hội, chuyển hàng thu tiền COD, chuyển phát nhanh EMS, huy động tiết kiệm bưu điện, chuyển tiền, bảo hiểm bưu điện, phân phối hàng tiêu dùng về nông thôn; cung cấp các sản phẩm văn hóa; các thiết bị viễn thông - truyền hình kỹ thuật số phục vụ người dân nông thôn, góp phần hoàn thành lộ trình số hóa của Chính phủ.

Theo ông Vũ Xuân Việt - Giám đốc Bưu điện tỉnh: “Hiện nay, BÐVHX còn là cánh tay nối dài giữa Nhân dân và các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết các dịch vụ hành chính công”.

Qua đó, Bưu điện Lâm Đồng đã triển khai thành công mô hình BĐVHX cung cấp dịch vụ hành chính công tại tất cả các điểm. Đáng chú ý, một số UBND xã đã đặt bộ phận “một cửa” tại BĐVHX, nhân viên BĐVHX tham gia hỗ trợ công chức tiếp nhận, kiểm đếm hồ sơ và thực hiện trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thí điểm mô hình hướng dẫn, hỗ trợ công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tại BĐVHX.

BĐVHX ngay từ khi xuất hiện đã nhận được sự ủng hộ của người dân, chính quyền địa phương từ việc cấp mặt bằng đến việc tạo cho các cơ chế chính sách hoạt động. Bên cạnh đó, dù đã được đầu tư, nâng cấp về hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo về nhân lực... nhưng phần lớn các điểm BĐVHX vẫn còn nhỏ hẹp, thiếu diện tích tạo cảnh quan để thực sự là điểm đến. Ngoài ra, nhân viên vẫn còn hoạt động bán thời gian (ngày mở cửa một buổi); hoạt động theo mô hình đa dịch vụ, nhưng việc cung ứng các mặt hàng vẫn còn chưa đa dạng, chậm so với các loại hình mới.

Không thể phủ nhận sự thay đổi của hệ thống BĐVHX tại Lâm Đồng, nhưng có một thực tế cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, cần phải tạo ra một hình ảnh thật mới, mang tính đột phá để có thể lấy lại lòng tin cũng như sự kỳ vọng của người dân.

ÐĂNG LỘ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201907/khoac-len-minh-chiec-ao-moi-2956622/