Khoảng cách thế hệ

1. Tôi có một cháu gái. Cháu tốt nghiệp thạc sĩ ở Đại học Fullerton California, Hoa Kỳ. Phong thái sống rất bạo dạn, tự tin, nhưng cháu rất kính trọng ông bà, ba má, biết tôn trọng các chuẩn mực đạo đức truyền thống gia đình. Tuy vậy, giữa cháu và chúng tôi có nhiều sự khác biệt. Không bàn về trình độ hiểu biết, kỹ năng sử dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ. Cách nhau một khoảng quá rộng. Chỉ nói riêng về quan niệm, cách sống, lối sống hằng ngày. Chẳng hạn về sinh hoạt. Ngày 3 bữa ăn, ngồi cùng bàn, nhưng cháu gần như không ăn cơm, chỉ ăn hoa quả và thịt, cá, trứng. Sao lại thế hả con? Má cháu than vãn, lo lắng.

Mới về nước ít ngày, cháu đã được nhận vào làm giảng viên ở một trường đại học. Chẳng phải cầu cạnh, tốn phí gì, chúng tôi mừng lắm! Trong khi đó, cháu dửng dưng và cười nhạt. Có gì quan trọng mà phải mừng! Học hành vất vả lắm mới có bằng thạc sĩ, nhưng lương tháng ông bà, ba má biết là bao nhiêu không? Chỉ vài triệu đồng. Nghe cháu nói, chúng tôi cùng im lặng, buồn buồn. Về trường đại học này, cháu được phân công vào một tổ, tổ trưởng là một chị luôn o ép cháu đủ vành đủ vẻ, dồn cho cháu rất nhiều việc nặng nhọc, vô lý. Nghe cháu phàn nàn, má cháu nói: “Thói đời “ma cũ bắt nạt ma mới”, chịu nhịn một tí đi con”. Cháu lắc đầu: “Không! Nếu cần con đi xin việc nơi khác”. Má cháu giãy nảy: “Không nên thế con ơi!”. Và sau đó, cháu bỏ trường này chuyển sang trường khác.

Ít lâu sau, cháu gái lấy chồng. Tôi chuẩn bị một bài thơ của ông bạn tôi, nhà thơ Trần Ngọc Lân để đọc trong buổi tiễn cháu về nhà chồng. Bài thơ như sau: Con sang bên ấy con ơi/Hân hoan con nhé, yêu người yêu con/Để lại đây nỗi lo buồn/Đem sang bên ấy muôn vàn niềm vui/Giã từ nhé, hòn ngọc ơi/Hãy là kho báu cho người từ đây/Thiên thần non trẻ thơ ngây/Vợ hiền, dâu thảo hai vai nặng nề/Bên này chẳng muốn con đi/Bên chồng lại muốn con về, biết sao/Cho người hy vọng thanh cao/Cho ta luyến tiếc dạt dào không nguôi/Bước ra giọt lệ con rơi/Bước vào hãy nở nụ cười, nghe con.

Nhưng cuối cùng tôi không dám đọc vì cháu không tán thành. Hình ảnh tiễn đưa sướt mướt như bài thơ miêu tả quá xưa cũ, không hợp cảnh. Vai vợ hiền, dâu thảo không còn là mẫu hình thời nay. Đôi vợ chồng trẻ tuyên bố: “Không ai hy sinh vì ai cả. Mỗi bên đều cần được tôn trọng quyền sống của nhau”. Anh con rể học tiến sĩ ở Mỹ về nói với ba má: “Vợ con lấy về không phải để hầu hạ cơm nước ba má!”.

Chúng tôi nhìn cháu, lo âu. Cháu nói: “Ba má, ông bà buồn cười nhỉ. Chúng con 24, 25 tuổi rồi, chứ đâu còn là trẻ con! Sao lúc nào cũng la rầy, uốn nắn, nhắc nhở, lo âu hộ chúng con thế!”.

***

2. Ông anh tôi thọ 88 tuổi. Ông mất sau một cơn đột quỵ. Anh con cả của ông 55 tuổi nói với tôi: “Cháu nhờ chú viết cho ba cháu một bài điếu văn”. Đọc xong bài điếu văn tôi viết, cháu gọi điện cho tôi, nghẹn ngào:

“Chú ơi! Thì ra ba cháu lớn lên đúng lúc đất nước có những biến động lớn lao: Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời và cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ, ba cháu đã từng là một cảm tử quân Ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945). 16 tuổi, ba cháu chính thức trở thành một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

9 năm kháng chiến chống Pháp, ba cháu có mặt ở khắp nơi trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, cùng với nhiều cương vị công tác. Lúc là liên lạc viên đặc biệt của Bộ Tư lệnh Khu 9. Khi là nhân viên mật mã cơ yếu của Văn phòng Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Vì giỏi tiếng Pháp, ba cháu từng được phân công trông coi tù binh Pháp. Đặc biệt, ba cháu là một chiến sĩ dũng cảm của Tiểu đoàn 307 “đánh đâu thắng đấy, oai hùng biết mấy”.

Hòa bình lập lại, tập kết ra Bắc. Ba cháu nhận công tác tại Machinoimport - Tổng Công ty nhập khẩu máy. Trên cương vị mới, đòi hỏi trình độ học thuật cao. Vốn ham học và thông minh, chẳng bao lâu, ba cháu đã được đảm nhận những nhiệm vụ trọng yếu ở đơn vị. Đặc biệt, đã lần lượt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tham tán Thương mại 4 năm ở Ba Lan và tiếp đó là nhiệm kỳ 4 năm cũng ở cương vị Tham tán Thương mại tại Italy.

Thì ra, ba cháu có một thời tuổi trẻ xông pha, quả cảm nơi chiến trận. Một cán bộ nghiêm cẩn, nhẫn nại, năng động trong công cuộc xây dựng kinh tế, phục vụ đất nước. Mỗi đoạn đời của ba cháu gắn liền với một trang biên niên sử cộng đồng; ông là hình ảnh một người con của đất nước có cuộc đời phong phú và vô cùng tráng lệ!

Thú thật với chú, cháu đã khóc vì ân hận, vì nhiều lúc cháu chỉ thấy ba là một ông già ốm o, xo xúi, lẩm cẩm, lú lẫn thôi!”.

***

3. Con cái không hiểu ba má, ông bà nội, ngoại. Ngược lại, các bậc huynh trưởng cũng không hiểu con cháu. Khoảng cách thế hệ. Đó là một sự thật! Vì sao? Vì cách nhau từ 20-30 năm là quãng thời gian đủ để hình thành một thế hệ mới, với những khác biệt về nhận thức, quan niệm, tâm sinh lý, thói quen ứng xử, hành động… Sự xa cách giữa ba mẹ và con cái càng trở nên sâu sắc hơn khi thế hệ những người trẻ tiếp xúc và sống trong sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt, từ cơ chế bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, từ nền khoa học - kỹ thuật lạc hậu, sản xuất trì trệ sang thời đại đột phá của khoa học - công nghệ nên sự khác biệt giữa các thế hệ người Việt hôm nay rất xa so với sự khác biệt của các thế hệ người Việt những thời kỳ trước.

Như vậy, những “trục trặc” giữa các thế hệ đang diễn ra là có thật. Chẳng hạn, trong khi người già luôn muốn chăm lo, chỉ bảo con cháu sống theo đạo lý truyền thống cùng những kinh nghiệm, chuẩn mực rút ra từ đường đời đã trải và đắm đuối với quá khứ, thì người trẻ thường có xu thế hướng ngoại, tự tin ở mình, thờ ơ với giáo huấn của người xưa vì coi là không còn hợp thời.

Tuy nhiên, sự thật là giữa các thế hệ khác nhau, luôn có mối quan hệ tương hỗ không thể rời xa, đặc biệt là tình cảm. Bởi lẽ, gia đình, dòng họ, xã hội là những chiếc nôi ấm áp nuôi dưỡng, gắn bó con người qua thời gian.

Thêm nữa, trong một xã hội có nền văn hóa truyền thống lâu đời như nước ta, việc lớp già chăm lo lớp trẻ và lớp trẻ kính trọng, quan tâm lớp già là một đạo lý quý báu, hợp lẽ đời. Nó tạo nên sức mạnh rộng rãi, cố kết các mối quan hệ gia đình cũng như xã hội - sức mạnh thiêng liêng của văn hóa phương Đông, văn hóa Việt Nam.

Cuộc sống là bản giao hưởng nhiều bè, có trầm - bổng, già - trẻ. Cho nên vấn đề đặt ra với các đảng viên cao tuổi, ông bà, cha mẹ trong các gia đình nhiều thế hệ là tránh chủ quan, bảo thủ, áp đặt, mà nên gần gũi, lắng nghe, thông hiểu, thích nghi, chấp nhận lớp trẻ. Và không làm mất đi nguyện ước đáng quý cùng tấm lòng chân thành là truyền đạt một cách khéo léo kinh nghiệm sống quý báu của mình. Vốn cùng một dòng chảy huyết thống, một nền tảng văn hóa chung, một dân tộc, sự khác biệt giữa các thế hệ không thể là sự khác biệt về nhân cách cao quý, về mục tiêu sống vì lợi ích của cộng đồng.

Ma Văn Kháng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/163818/khoang-cach-the-he