Khơi dậy phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật trong trường học

Những năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) trong học sinh, sinh viên phát triển mạnh mẽ, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn tỉnh.

Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn giáo viên có năng lực, kinh nghiệm để hướng dẫn học sinh phát triển các ý tưởng khởi nghiệp từ nguồn tài nguyên sẵn có của địa phương trong triển khai các mô hình, dự án sáng tạo KHKT.

(baophutho.vn) - Những năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) trong học sinh, sinh viên phát triển mạnh mẽ, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn tỉnh. Thông qua những cuộc thi ở khu vực và toàn quốc đã tạo sân chơi bổ ích, lý thú, không chỉ khuyến khích các em đam mê nghiên cứu, sáng tạo KHKT mà còn giúp các nhà trường đổi mới phương pháp giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.

Tại Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ, phong trào nghiên cứu, sáng tạo KHKT được phát động, triển khai dưới nhiều hình thức. Trong đó, Ban giám hiệu đã quan tâm việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho giáo viên; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn gắn với nghiên cứu KHKT, gợi mở ý tưởng cho học sinh từ những kiến thức được học trong nhà trường đến việc lựa chọn giáo viên có năng lực, kinh nghiệm đồng hành trong quá trình thực hiện. Từ năm học 2018-2019 đến nay, thầy và trò nhà trường đã nghiên cứu thành công 14 đề tài sáng tạo khoa học kỹ thuật. Tiêu biểu như “Thiết bị sát khuẩn tay và đo thân nhiệt tự động” của thầy giáo Lê Đức Minh, Đặng Văn Anh và nhóm sinh viên lớp Cao đẳng Điện tử công nghiệp K50 - khoa Điện tử - Điện lạnh. Sáng kiến được ra mắt vào trung tuần tháng 5/2021 với những tính năng ưu việt gồm: Đo thân nhiệt chỉ từ 1,5-2 giây/lượt, kết hợp đèn khử khuẩn UV; thiết bị sát khuẩn tay cùng hệ thống âm thanh nhắc nhở, khuyến cáo... trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sáng kiến “Thiết bị sát khuẩn tay và đo thân nhiệt tự động” của thầy giáo Lê Đức Minh, Đặng Văn Anh và nhóm sinh viên lớp Cao đẳng Điện tử công nghiệp K50 - khoa Điện tử - Điện lạnh, Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ.

Việc chế tạo thành công “Thiết bị sát khuẩn tay và đo thân nhiệt tự động” không chỉ giúp nhà trường đảm bảo an toàn trong các hoạt động dạy và học mà còn đáp ứng được công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa điểm công cộng, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện... Thầy giáo Lê Đức Vũ -Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Chúng tôi đã có những đề tài đạt giải cao trên toàn quốc. Điều đó cho thấy, hầu hết các ý tưởng của các em đều gắn với đời sống thực tiễn, phù hợp với điều kiện nghiên cứu trong trường. Qua đó, không chỉ cho thấy sự chủ động trong việc tìm kiếm ý tưởng, tài liệu... mà còn phát huy khả năng sáng tạo trong việc vận dụng kiến thức được học vào nghiên cứu, trình bày để thuyết phục được mọi người. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu KHKT của học sinh cũng giúp các giáo viên trực tiếp hướng dẫn học sinh chủ động đào sâu nghiên cứu, mở rộng kiến thức của mình để dẫn dắt và định hướng cho các em trong quá trình thực hiện, góp phần quan trọng để nâng cao năng lực chuyên môn, thay đổi phương pháp dạy học để giúp học sinh từng bước tiếp cận với công nghệ số".

Với lợi thế là cơ sở duy nhất trên cả nước đào tạo chuyên ngành công nghệ sản xuất bột giấy, công nghệ sản xuất giấy, kiểm nghiệm bột giấy và giấy, trong năm 2021, Trường Cao đẳng Công thương Phú Thọ đã tổ chức Cuộc thi Startup Kite với chủ đề "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời đại 4.0" để hướng tới các ý tưởng, dự án KHKT có tính ứng dụng cao trên tất cả các lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ nhằm chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tất trong trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, thầy và trò nhà trường cũng đã hoàn thành "Mô hình xử lý nước thải sản xuất giấy bao bì áp dụng công nghệ yếm khí lớp bùn hạt mở rộng" để tăng thêm sự lựa chọn về kinh tế và môi trường trong xử lý nước thải của các nhà máy sản xuất giấy bao bì. Từ đó, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đầu ra về độ màu theo quy định, góp phần làm cơ sở cho việc xây dựng một hệ thống xử lý đạt hiệu suất cao trong thực tế.

Việc khuyến khích phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong nhà trường đã giúp mô hình "Thiết bị đào tạo hệ thống điều hòa tự động trên ô tô" của Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ giành giải Nhì tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Phú Thọ năm 2021.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ Nguyễn Đăng Toàn chia sẻ: Thông qua cuộc thi, chúng tôi đã lựa chọn được một số đề tài xuất sắc để tham gia các hội thi cấp tỉnh và trên toàn quốc. Điều quan trọng hơn là đã khơi dậy được phong trào thanh niên khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo KHKT để khai thác và phát triển các ý tưởng đó từ nguồn tài nguyên sẵn có của địa phương trong triển khai các mô hình, dự án, góp phần giúp các em tự tin, chủ động tìm việc và tạo việc làm sau khi tốt nghiệp".

Không chỉ các trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn tỉnh, các trường THCS, THPT cũng đẩy mạnh việc đưa học sinh tiếp cận với những kiến thức thực tế qua các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật nhằm thổi một luồng gió mới vào việc khơi dậy tiềm năng, đam mê sáng tạo của các em. Việc đầu tư và khuyến khích phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong các nhà trường chính là nền tảng để khơi dậy đam mê, cảm hứng yêu khoa học trong học sinh, sinh viên nhằm phát huy tối đa sức sáng tạo của tuổi trẻ, thi đua học tập, rèn luyện, góp phần xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp trong tương lai.

Quốc Đại

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202202/khoi-day-phong-trao-sang-tao-khoa-hoc-ky-thuat-trong-truong-hoc-182913