Khơi dậy tiềm năng, xây dựng Bạc Liêu ngày càng giàu đẹp, văn minh

Câu hỏi để Bạc Liêu có thể phát triển nhanh và bền vững là điều trăn trở của các thế hệ lãnh đạo, nhất là từ khi tái lập tỉnh Bạc Liêu đến nay. Mặc dù đã có nhiều chủ trương quan trọng được đề ra, song do nhiệm vụ và điều kiện thực hiện ở từng thời kỳ khác nhau, nên cách chỉ đạo và việc xác định nội dung cũng không hoàn toàn giống nhau. Nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu xây dựng Bạc Liêu ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bạc Liêu là vùng đất trẻ, vốn dĩ thuần nông truyền thống với tính cách văn hóa sông nước điển hình vùng Đồng bằng Nam Bộ, vùng đất dịch chuyển dân cư sống động đa tầng, đa luồng văn hóa và giữ vị thế yết hầu tới Cà Mau, cửa ngõ ra vào mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc. Với tiềm năng phong phú về biển và kinh tế biển, có lợi thế cạnh tranh xây dựng một nền kinh tế biển toàn diện, mà trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí; nền nông nghiệp hướng tới sạch và bền vững gắn với xây dựng công nghiệp dịch vụ và dịch vụ công nghiệp phục vụ kinh tế biển, kinh tế du lịch gắn với biển, kinh tế du lịch trải nghiệm, khám phá, du lịch tâm linh, văn hóa và sinh thái... Tuy còn nguyên sơ, tự nhiên nhưng chính là lợi thế cạnh tranh, đặt nền móng cho sự gợi mở về phát triển Bạc Liêu độc đáo và khác biệt.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với phương châm hành động "Đoàn kết, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ và “đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật” với 20/20 chỉ tiêu về kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra đều đạt và vượt, nhiều chỉ tiêu vượt cao và đứng vào nhóm các tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, có 13 chỉ tiêu vượt, 5 chỉ tiêu trọng yếu đứng trong tốp 5 của khu vực. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá cao, bình quân 5 năm (2016-2020) đạt hơn 7%/năm, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra và thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực; GRDP bình quân đầu người đạt gần 59 triệu đồng/người, tăng hơn 1,8 lần so với năm 2015, đứng thứ 5/13 tỉnh, thành phố trong khu vực; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 28.500 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện.

 Cánh đồng điện gió ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Cánh đồng điện gió ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Trong nhiệm kỳ qua, Bạc Liêu nổi bật về thu hút và phát triển thêm các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí và điện sinh khối (dự án Nhà máy Nhiệt điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu với tổng công suất 3.200MW, các dự án điện gió đang được bổ sung, đẩy nhanh tiến độ...). Các dự án này sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, tạo nguồn thu lớn, giúp tỉnh tăng tỷ lệ tự cân đối ngân sách. Đây cũng là tiền đề rất quan trọng để xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của quốc gia. Việc cải thiện môi trường đầu tư được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả nổi bật, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu được tổ chức thành công, có hơn 20 dự án đăng ký, cam kết đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh, trụ cột của tỉnh với số vốn hơn 110.000 tỷ đồng; nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có uy tín trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu, đầu tư, ưu tiên tập trung vào 5 trụ cột phát triển của tỉnh để tạo các bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng...

Để đưa Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung lãnh đạo thực hiện nghiêm và có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) và các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xem đây là giải pháp quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, xây dựng hoàn thiện và đưa khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu vào hoạt động có hiệu quả, đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp giống, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ, thương mại về tôm của cả nước. Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo thương hiệu sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh và giá trị lớn, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; đến năm 2025, xây dựng vùng nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh và vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, bảo đảm các điều kiện nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh gắn với xây dựng cánh đồng lớn, phấn đấu đạt 30.000ha; xúc tiến đầu tư xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích khoảng 2.400ha, thực hiện cánh đồng lớn gắn với bao tiêu lúa gạo đạt 100.000ha gieo trồng lúa; xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, sạch bệnh với quy mô 1.700ha và vùng sản xuất rau an toàn.

Đầu tư, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án kinh tế động lực như các dự án điện gió khu vực ven biển, đưa tổ máy đầu tiên của Nhà máy Nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng vào vận hành năm 2024, hoàn thành đủ công suất năm 2027. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hoàn thiện các tuyến giao thông quan trọng, huyết mạch như dự án đường cao tốc Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu, sân bay Bạc Liêu, tuyến đường liên kết vùng Gành Hào-Hộ Phòng-Phó Sinh-Cạnh Đền nối vào Đường Hồ Chí Minh (ĐT.980); kè chống ngập dọc Quốc lộ 1A, nâng cấp tuyến đường Ninh Quới-Ngan Dừa, huyện Hồng Dân... Tập trung thu hút đầu tư khai thác lợi thế kinh tế biển, phát triển đường thủy nội địa và cảng nước sâu kết nối với cảng Hòn Khoai, Năm Căn, Trần Đề, các khu kinh tế biển của khu vực miền Nam, hình thành cảng trung chuyển ven biển trong và ngoài nước, từng bước xây dựng huyện Đông Hải thành huyện trọng điểm phát triển kinh tế biển. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng TP Bạc Liêu đạt tiêu chuẩn đô thị loại I, xứng đáng là đô thị có vị trí trung tâm tiêu biểu vùng bán đảo Cà Mau; thị xã Giá Rai thành thành phố đạt tiêu chuẩn loại III, là đô thị vệ tinh, cầu nối giữa TP Bạc Liêu và TP Cà Mau; xây dựng huyện Hòa Bình thành thị xã; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển mở rộng không gian thị trấn Gành Hào, xây dựng Điền Hải thành thị trấn và là đô thị loại 4, hình thành thị xã Đông Hải vào năm 2030; xây dựng huyện Phước Long trở thành trung tâm phát triển kinh tế-xã hội vùng phía bắc Quốc lộ 1A; đẩy nhanh các dự án khu đô thị, khu dân cư cao cấp, trung tâm thương mại tại TP Bạc Liêu...

Với khát vọng xây dựng Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025, Bạc Liêu tiếp tục là tỉnh khá của khu vực và đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước, toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, kiên cường, năng động, sáng tạo, nêu cao tinh thần yêu nước, đồng lòng, chung sức phát huy mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

LÊ THỊ ÁI NAM, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang/nghi-quyet-va-cuoc-song/khoi-day-tiem-nang-xay-dung-bac-lieu-ngay-cang-giau-dep-van-minh-640733