Khơi dậy ý thức trách nhiệm

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy vậy, từ đây, nhiều thói quen tích cực của mỗi người dân, mỗi cộng đồng cũng dần hình thành trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Trong thời gian qua, người dân Thủ đô đã thực hiện khá tốt các quy định của Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố góp phần quan trọng vào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh… Qua đó, không chỉ đến khi dịch bệnh diễn biến phức tạp người dân Thủ đô mới có ý thức thực hiện nghiêm túc những quy định về phòng, chống dịch tại nơi công cộng; mà nhiều việc làm vì cộng đồng đã được làm thường xuyên, hằng ngày.

Những hành vi ứng xử tích cực tại nơi công cộng trong thời gian dịch bệnh như ra khỏi nhà đeo khẩu trang; thường xuyên vệ sinh, sát khuẩn tay; xếp hàng giữ khoảng cách khi mua sắm..., giờ đã trở thành thói quen của nhiều người. Mỗi người cũng hiểu rõ, thường xuyên thực hành, duy trì các hành vi, thói quen tốt chính là cách để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.

Hiện tại, Thủ đô đang thực hiện "nhiệm vụ kép" là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái "bình thường mới". Do đó, văn hóa ứng xử cũng phải làm sao phát huy tốt kết quả đã đạt được và từ "đà" tích cực vừa qua để tiếp tục gìn giữ, phát huy thật tốt trong bối cảnh mới.

Muốn vậy, trước tiên, mỗi người cần nhận thức rõ ý thức trách nhiệm của mình, tự giác điều chỉnh hành vi để có cách ứng xử phù hợp. Nói cách khác, sự thanh lịch, văn minh cần đi vào nếp sống, nếp suy nghĩ, hành động của từng người và đòi hỏi phải thích ứng trong mọi hoàn cảnh và ở bất cứ đâu. Đó có thể là tiểu thương thì nếp thanh lịch ở thái độ niềm nở với khách hàng. Người làm dịch vụ, du lịch thì sự thân thiện, thái độ tôn trọng, trung thực sẽ tạo niềm tin để du khách muốn trở lại. Những người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thì phải giữ gìn sức khỏe, tích cực tham gia lao động sản xuất...

Đặc biệt, khi hoạt động kinh tế - xã hội sôi động trở lại, trong tình hình dịch Covid-19 vẫn rình rập thì mỗi người phải giữ những thói quen rất tốt về phòng, chống dịch bệnh thời gian qua và nhắc nhở, động viên những người xung quanh cùng thực hiện... Để từ đó tạo thành nếp sống mới của mỗi người và cả cộng đồng.

Ở đây, cũng phải đề cập đến vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên. Sự gương mẫu của bậc làm cha, làm mẹ sẽ là tấm gương để con em mình soi vào, hình thành lối sống tốt, lành mạnh cả trong gia đình và khi ra ngoài xã hội.

Ở góc độ chính quyền địa phương, đặc biệt là các đoàn thể chính trị - xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền các quy tắc ứng xử, cổ vũ, nhân rộng lối sống đẹp, nhân văn; đồng thời tiếp tục phát động có hiệu quả các phong trào chung tay vì cộng đồng, giúp đỡ người còn khó khăn trong cuộc sống... Cùng với đó là lên án kịp thời những thói hư, tật xấu, các hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục nơi công cộng. Lực lượng chức năng cũng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát để vừa tuyên truyền, nhắc nhở, vừa xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự đô thị, an toàn giao thông, trật tự công cộng, cửa hàng mở cửa không đúng giờ quy định...

Với yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, Hà Nội đang nghiên cứu để bổ sung những nội dung mới vào Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Việc làm kịp thời này sẽ giúp chính quyền địa phương định hướng sự chuẩn mực trong văn hóa ứng xử của mỗi cộng đồng dân cư. Đây cũng là cơ sở quan trọng để giúp mỗi người dân Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống văn minh, thanh lịch, khơi dậy, lan tỏa ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm với từng lời nói, việc làm của mình tại nơi công cộng.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/966967/khoi-day-y-thuc-trach-nhiem