Khởi nghiệp hướng tới trẻ em: Không chỉ là công nghệ

Hai trong số năm dự án mới nhất được Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) chọn để ươm tạo hướng tới giáo dục trẻ em với hai phương thức làm khác nhau tuy rằng đều dựa vào nền tảng game (trò chơi).

 Anh Lê Trung, Nhà sáng lập Công ty cổ phần tư vấn thiết kế CNTT Dragold, cầm đồ chơi bằng gỗ và trình bày dự án Beekids của mình. Ảnh: Nhân Tâm

Anh Lê Trung, Nhà sáng lập Công ty cổ phần tư vấn thiết kế CNTT Dragold, cầm đồ chơi bằng gỗ và trình bày dự án Beekids của mình. Ảnh: Nhân Tâm

Trung tâm ươm tạo (Finc) thuộc DNES hôm nay, 13-8, đã công bố 5 dự án sẽ được ươm tạo, tư vấn, hỗ trợ gọi vốn miễn phí trong vòng 4-6 tháng. Những dự án này bao gồm Datbike (xe điện), Cashbag (hoàn tiền mua sắm Online), Beekids (Game cho bé), AI Fablab (Ưng dụng robot Stem) và Smarter Office Space (quản lý không gian làm việc chung).

Trong số năm dự án này, có 2 dự án hướng đến giáo dục trẻ em là Beekids và AI Fablab.

Tại buổi công bố, anh Lê Trung, nhà sáng lập Công ty cổ phần tư vấn thiết kế CNTT Dragold, cho biết dự án Beekids cung cấp giải pháp ứng dụng phương pháp học tập về văn hóa ứng xử, thói quen, sáng tạo và trải nghiệm cho bé thông qua mô hình đồ chơi thông minh trên game và đồ gỗ.

Anh Trung chia sẻ cốt lõi của dự án Beekids là những đồ chơi được làm bằng gỗ dành cho trẻ từ 2 đến 6 tuổi. Đây không chỉ là những đồ chơi để cho bé tự chơi mà phải cần sự giúp sức của phụ huynh.

“Cha mẹ phải bỏ thời gian ngồi chơi với con, kể những câu chuyện về đạo đức, lối sống và hình thành văn hóa ứng xử thông qua việc lắp ghép các trò chơi bằng gỗ”, anh Trung giải thích và nói thêm dự án cung cấp các apps (ứng dụng) thông tin và giáo trình dành cho phụ huynh. Trước mắt, anh đang hợp tác với một số trường mầm non cũng như các bậc phu huynh dùng thử sản phẩm của mình.

Giải thích lý do nộp hồ sơ vào DNES sau khi đã có những sản phẩm đầu tiên, anh Trung cho biết với sự hỗ trợ từ DNES anh hy vọng sẽ có bước phát triển căn cơ và đồng thời, dự án mong muốn xây dựng cộng đồng tư vấn và chăm sóc trẻ bằng AI (trí tuệ nhân tạo) cho chatbox (phần mềm trả lời tự động) gắn vào game.

Trong khi đó, với AI Fablab, bộ đôi sáng lập Trung Kiên và Nguyễn Hoàng mong muốn tạo ra không gian nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng robot Stem. “Hiện nay, các trung tâm áp dụng phương pháp giáo dục cho trẻ em bằng Stem rất phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là TPHCM và Hà Nội. Tuy nhiên, sau thời gian nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, chưa có những bộ quy chuẩn thống nhất để dạy chương trình này ở Việt Nam”, anh Kiên chia sẻ.

Anh cho biết với những con robot Stem này từ dự án này, anh và cộng sự mong muốn tạo ra một sản phẩm giáo dục STEM thuần Việt, được thiết kế và chế tạo trực tiếp bởi người Việt, một sản phẩm có thể giúp trẻ em Việt Nam tiếp cận với phương pháp giáo dục STEM một cách chuyên nghiệp với chi phí thấp và độ an toàn cao nhất.

 Anh Trung Kiên (bìa phải) đang trao đổi với những người tham gia sự kiện về dự án AI Fablab, tạo ra không gian nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng robot Stem. Ảnh: Nhân Tâm

Anh Trung Kiên (bìa phải) đang trao đổi với những người tham gia sự kiện về dự án AI Fablab, tạo ra không gian nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng robot Stem. Ảnh: Nhân Tâm

Anh giải thích thêm, những con robot này có thể được đưa vào dạy tại các trung tâm hoặc để ở nhà bé tự mày mò khám phá. Anh Kiên đưa ra ví dụ, robot loại bánh xích, với 3 bậc tự do và 4 loại cảm biến, có chức năng điều khiển và di chuyển đơn giản như xe thông thường, và là một bộ robot giáo dục thông minh cấp nhỏ của dòng Zuzubot, phù hợp với trẻ nhỏ từ lứa tuổi 6-9 tuổi.

Nói về 2 dự án giáo dục này cũng như 5 dự án được chọn lần này, anh Vũ Xuân Trường, Giám đốc Finc, chia sẻ đây là những dự án chứng minh được mô hình kinh doanh hiệu quả vượt trội so với các dự án tham gia đấu thầu. Vào ngày 6-9 tới, 5 dự án này sẽ được giới thiệu đến cộng đồng nhà đầu tư để gọi vốn tại sự kiện Demo Day và ngày 2-11 sẽ giới thiệu một lần nữa tại sự kiện SURF – Ngày hội khởi nghiệp của thành phố Đà Nẵng .

Nhân Tâm

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292744/khoi-nghiep-huong-toi-tre-em-khong-chi-la-cong-nghe.html