Khởi nghiệp ở TP.HCM-Bài 3: Rào cản với khởi nghiệp

Phong trào khởi nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra sôi động nhưng số doanh nghiệp thành công vẫn còn ít vì còn nhiều khó khăn cản bước.

Đa dạng mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại TP.HCM

Đa dạng mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại TP.HCM

Sôi động là vậy nhưng không có nhiều “start up” khởi nghiệp thành công. Chẳng hạn, tại Vườn ươm thuộc Khu Công nghệ cao Tp.Hồ Chí Minh (SHTP), từ lúc nhận ươm các doanh nghiệp đến nay, mới có 7 doanh nghiệp tốt nghiệp và chỉ khoảng 5/7 doanh nghiệp hoạt động tốt; hay tại Vườn ươm của Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh (ITP) có 50 doanh nghiệp tốt nghiệp, nhưng chỉ mới dừng lại ở mức start up và doanh nghiệp nhỏ và vừa, với vốn đầu tư thấp….

Vì thế, trở ngại lớn nhất khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp dễ thất bại, chính là chưa được hỗ trợ đúng mức, cũng như họ chưa biết đứng lên từ thất bại như thế nào.
Khác với khởi nghiệp trong một số lĩnh vực khác, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự kiên trì. Bởi từ lúc đưa ý tưởng thành một sản phẩm hoàn thiện phải cần rất nhiều thời gian. Không những thế, khi đưa sản phẩm ra thị trường, chưa chắc sẽ được xã hội chấp nhận ngay. Trong khi đó, nếu nhóm khởi nghiệp nào có ý định khởi nghiệp chỉ để kiếm tiền thì chắc chắn sẽ không đủ kiên nhẫn chờ đợi tới khi sản phẩm được thị trường chấp nhận.
Theo báo cáo về “Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015 – 2016” do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, chỉ số lo sợ thất bại trong kinh doanh vẫn ở mức cao chiếm 46,5%. Điều đó cho thấy, phần lớn người mới khởi nghiệp không có thói quen sống chung với thất bại và họ không muốn mạo hiểm.
Theo ông Lê Nhật Quang, Trưởng Phòng marketing (ITP), khác với những vườm ươm khác, ITP tập trung cho những giai đoạn đầu của vòng đời khởi nghiệp. Trong giai đoạn này, khó khăn nhất là nguồn vốn. Trong khi các quỹ đầu tư hiện nay chủ yếu tập trung cho giai đoạn sau nhưng chất lượng “start up” thành công chỉ trên đầu ngón tay.

Các quỹ đầu tư không “mặn mà” với giai đoạn dưới vì nhiều rủi ro và không sinh lợi ngay. Do vậy những chương trình của Chính phủ nên tập trung vào giai đoạn này để cung cấp nhiều hơn số lượng “start up” ở giai đoạn đầu. Vì để có nhiều "start up" đạt chất lượng cần phải xuất phát từ những giai đoạn dưới, mà một trong những điểm đó là xuất phát từ sinh viên trẻ.
Giáo sư Trương Nguyện Thành, Viện trưởng, Viện Khoa học công nghệ tính toán Tp.Hồ Chí Minh chia sẻ, đa số những người muốn khởi nghiệp đều nhằm mục đích tạo ra sản phẩm để bán kiếm tiền. Mục tiêu như vậy là hoàn toàn sai lầm và cũng không phải là mục tiêu chính của tinh thần khởi nghiệp.

Thực tế từ những người khởi nghiệp thành công cho thấy, họ không phải làm sản phẩm để kiếm tiền, mà là nhằm tạo ra sản phẩm công nghệ để giải quyết những vấn đề trong mọi lĩnh vực. Đối với họ, việc kiếm tiền không được đặt nặng. Khi có tiền rồi, họ xem đó là phần thưởng xứng đáng dành cho họ. Nên khi một sản phẩm làm ra bị thất bại họ sẵn sàng làm lại. Chúng ta chưa có quan niệm chấp nhận thất bại để làm lại.
Thực tế, những nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin khi biết chấp nhận thất bại và làm lại thì đều gặt hái được thành công nhất định. Chẳng hạn, Công ty ACIS tại Vườn ươm SHTP là một điển hình. Thời gian đầu khởi nghiệp, doanh nghiệp này liên tiếp thất bại, nợ ngân hàng hàng trăm triệu đồng. Nhưng với sự kiên trì nỗ lực cải thiện sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường, họ đã thành công. Hiện tại sản phẩm “Giải pháp cho nhà ở thông minh” đang được các nhà đầu tư xây dựng rất ưa chuộng.
Ông Đỗ Nguyễn Thanh Đồng, Giám đốc Kỹ Thuật, Công ty ACIS nhận định: "Kiến thức, ý tưởng và vốn… là những yếu tố cần thiết khi khởi nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để khởi nghiệp thành công là phải biết cách đứng lên từ thất bại. Bởi khi khởi nghiệp, thất bại chắc chắn sẽ đến và không chỉ một lần.

Cứ nhìn những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và những doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại hiện nay có thể thấy cứ 100 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp khởi nghiệp “sống sót” nhờ biết cách đứng lên. Riêng doanh nghiệp chúng tôi thất bại 5 lần và hiện nay chưa hẳn đã thành công mà vẫn phải tiếp tục vươn lên".

Đa dạng mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại TP.HCM

Đa dạng mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại TP.HCM

Theo các chuyên gia, để khơi dậy tinh thần và thúc đẩy tiến trình khởi nghiệp thành công, vai trò của hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp là rất quan trọng. Ở Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp dần dần hình thành trên 3 khía cạnh gồm: khơi dậy tinh thần, ươm tạo khởi nghiệp và chính sách hỗ trợ.

Đối với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam, tuy không có chính sách nào mang tên là chính sách khởi nghiệp nhưng có nhiều chính sách tương đồng dưới tên gọi là hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mặc dù vậy, hạn chế chung của các chính sách ưu đãi này là điều kiện tiếp cận, nhất là các thủ tục hành chính. Ngoài ra, cũng chỉ mới tập trung cho những doanh nghiệp đã có sản phẩm được chấp nhận trên thị trường…. Trong khi đó, có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng chưa có một tổ chức nào hoạt động với sứ mệnh hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp tiếp cận được chính sách.
Ông Lê Thanh Nguyên, Giám đốc, Vườn ươm SHTP, cho biết, thành phố Hồ Chí Minh hiện có chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp với mức tối đa là 2 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ tập trung cho những ý tưởng đã hình thành sản phẩm, có tiềm năng lớn. Còn những nhóm mới có ý tưởng sơ khai thì chưa có nhiều chính sách để hỗ trợ. Vì thế, cần thêm những gói hỗ trợ nhỏ để nuôi dưỡng nhóm khởi nghiệp có ý tưởng ban đầu tốt.
Mặt khác, khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin chính là thị trường đầu ra. Những sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp, dù có được vườn ươm hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm đến mấy nhưng không bán được thì cũng như không.

Muốn tạo ra thị trường trong nước cho các sản phẩm công nghệ thông tin cần đến vai trò của Nhà nước. Nhiều nước trong khu vực đã làm rất tốt điều này như Trung Quốc, Malaysia…. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp tạo ra một sản phẩm công nghệ nào đó mà được đánh giá tốt (chẳng hạn sản phẩm đánh văn bản trên máy tính…) sẽ được Nhà nước khuyến khích bằng cách kêu gọi các đơn vị Nhà nước sử dụng. Như vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ có kinh phí để tiếp tục tái đầu tư mở rộng thị trường.
“Như vườn ươm của chúng tôi trước đây cũng có doanh nghiệp khởi nghiệp là Công ty S3 sản xuất đèn đường thông minh, chúng tôi đánh giá rất cao và sẵn sàng giao cho doanh nghiệp này vài tuyến đường (thuộc SHTP) làm thử. Sau khi sản phẩm được hoàn thiện, chúng tôi đã mua lại.

Nhờ vậy doanh nghiệp đã có kinh phí để sản xuất, bán sản phẩm ở nhiều nơi khác như Quận 2 (Tp.Hồ Chí Minh) và Đà Lạt… Đối với Nhà nước cũng cần có những chính sách như vậy để các doanh nghiệp có thêm động lực khởi nghiệp.” – Ông Nguyên chia sẻ thêm.
Để một doanh nghiệp khởi nghiệp có thể “sống sót” trong quá trình khởi nghiệp rất cần đến sự hỗ trợ từ các vườn ươm. Nhưng phần lớn hoạt động của các vườn ươm chỉ mới dừng lại ở việc hỗ trợ mặt bằng, không gian cho cho công ty khởi nghiệp chứ chưa tạo được sự kết nối, hỗ trợ hoạt động cho các công ty khởi nghiệp.
Theo ông Đỗ Nguyễn Thanh Đồng, Vườn ươm SHTP đã và đang làm hết sức để áp dụng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ vay vốn. Nhưng cũng rất khó khăn, vì một doanh nghiệp mới khởi nghiệp không tài sản lớn thì không thể chứng minh tài sản đảm bảo để vay.

Nên từ khi khởi nghiệp đến nay (đầu năm 2013), công ty chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ nào, chỉ có gói 10 triệu đến 20 triệu để hỗ trợ tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm. Do vậy, cần có những chế tài đặc thù giao về những đơn vị hỗ trợ để họ tự quyết. Vì họ là người hiểu rõ về doanh nghiệp, sẽ biết được doanh nghiệp nào cần hỗ trợ và hỗ trợ như thế nào. Nhà nước cần đề ra hoạt động cụ thể cho các vườn ươm để hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đi vào thực chất.
Về nguồn vốn trong giai đoạn khởi nghiệp, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Sáng lập viên thuộc Công ty Elinkgate cho rằng, các doanh nghiệp cần phải tiết kiệm tối đa chi phí, nhưng riêng sản phẩm định hướng thị trường toàn cầu, bắt buộc các doanh nghiệp phải thuê chuyên gia nước ngoài.

Chẳng hạn như việc thiết kế 3D cho sản phẩm USB của công ty, các doanh nghiệp trong nước đều từ chối thiết kế cho sản phẩm điện tử nên doanh nghiệp đã phải thuê thiết kế và tư vấn nước ngoài. Nhưng chi phí này không được khấu trừ vào thuế, doanh nghiệp mong có chính sách để các công ty có thể thuê chuyên gia nước ngoài nhưng với chi phí tối thiểu và thấp nhất.
Bài 4: Phát triển năng lực khởi nghiệp

Lan Phương – Việt Âu/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/khoi-nghiep-o-tp-hcm-bai-3-rao-can-voi-khoi-nghiep/50834.html