Khởi nghiệp tại quê hương

Là lực lượng chính trong phát triển kinh tế, thời gian qua, đoàn viên, thanh niên huyện Đồng Hỷ luôn phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả.

Với tấm bằng cử nhân chăn nuôi - thú y, chàng trai Âu Xuân Hữu đã về khởi nghiệp, phát triển chăn nuôi tại quê hương - xóm Trại Gião, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ).

Với tấm bằng cử nhân chăn nuôi - thú y, chàng trai Âu Xuân Hữu đã về khởi nghiệp, phát triển chăn nuôi tại quê hương - xóm Trại Gião, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ).

Năm 2015, tốt nghiệp Khoa Chăn nuôi - Thú y (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên), chàng trai Âu Xuân Hữu, sinh năm 1993, trở về quê hương - xóm Trại Gião, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) để lập nghiệp. Ban đầu với số vốn nhỏ, anh Hữu chỉ chăn nuôi 2.000-3.000 gà lông màu/lứa. Sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm, năm 2018, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng, xây dựng trang trại gà rộng 1.000m2, chăn nuôi gia công với quy mô 1 vạn con gà/lứa.

Và chỉ sau 1 năm, anh Âu Xuân Hữu tiếp tục đầu tư 800 triệu đồng xây dựng thêm 500m2 chuồng trại chăn nuôi lợn nái, lợn giống. Trang trại chăn nuôi tổng hợp của Hữu phát triển ổn định từ đó đến nay, trung bình mỗi năm cho thu lãi ít nhất 200-400 triệu đồng. Anh Hữu chia sẻ: May mắn là khi khởi nghiệp, tôi được tiếp cận các nguồn vốn kịp thời, trong đó thông qua Đoàn Thanh niên xã, tôi đã tín chấp và được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Còn với anh Đoàn Văn Lộc, sinh năm 1992, ở xóm Hòa Khê 1, xã Văn Hán, do từ nhỏ đã được tiếp xúc và gắn bó với cây chè nên anh lựa chọn tiếp nối nghề truyền thống của gia đình. Anh Lộc đang là Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) chè Thùy Lộc, có 7/20ha chè được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. HTX tạo việc làm ổn định cho 7 thành viên và 5 hộ liên kết với thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Anh Đoàn Văn Lộc (ở xóm Hòa Khê 1, xã Văn Hán, Đồng Hỷ) đã khai thác lợi thế của địa phương để khởi nghiệp với nghề sản xuất, chế biến chè.

Anh Đoàn Văn Lộc (ở xóm Hòa Khê 1, xã Văn Hán, Đồng Hỷ) đã khai thác lợi thế của địa phương để khởi nghiệp với nghề sản xuất, chế biến chè.

Nói về lý do thành lập HTX, anh Lộc cho hay: Qua nhiều lần được Đoàn xã, huyện tổ chức đi tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế do đoàn viên, thanh niên làm chủ, tôi hiểu được tinh thần đoàn kết “muốn đi xa phải đi cùng nhau” và không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ. Được Đoàn Thanh niên và địa phương tư vấn, hỗ trợ, tôi mạnh dạn đưa sản phẩm chè của HTX tham gia đánh giá OCOP.

Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) huyện Đồng Hỷ Phạm Thùy Trang thông tin: Phong trào thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thi đua làm giàu, lập thân lập nghiệp là một trong những hoạt động được các cơ sở đoàn trong huyện đặc biệt quan tâm. Hằng năm, Hội LHTN huyện Đồng Hỷ tổ chức ít nhất 1 hoạt động trang bị kiến thức khởi nghiệp cho thanh niên; 15/15 đoàn xã, thị trấn triển khai chương trình khởi nghiệp cho thanh niên và duy trì được ít nhất 1 mô hình thanh niên khởi nghiệp đạt hiệu quả...

Cùng với đó, chương trình “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” cũng được các cơ sở hội tích cực tuyên truyền, vận động thanh niên nâng cao ý thức lập thân, lập nghiệp và vươn lên trong cuộc sống. Công tác tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên, nhất là học sinh THPT được triển khai thường xuyên; các hoạt động phối hợp hỗ trợ dạy nghề, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm được đẩy mạnh... Tính từ năm 2019 đến nay, Hội LHTN huyện Đồng Hỷ đã phối hợp tư vấn hướng nghiệp cho trên 5.000 lượt thanh niên; phối hợp tư vấn kết nối, tạo việc làm, đào tạo nghề cho 1.013 thanh niên.

Để tạo cơ hội, khuyến khích các đoàn viên, thanh niên làm kinh tế giỏi, khởi nghiệp, các cơ sở đoàn trong huyện cũng tổ chức, duy trì các hoạt động giao lưu, học tập kinh nghiệm tại các câu lạc bộ “Thanh niên làm kinh tế giỏi”,“Thanh niên giúp nhau làm kinh tế” ở trong và ngoài huyện.

Cùng với đó là hỗ trợ thanh niên tiếp cận các chương trình cho vay từ nguồn vốn vay ủy thác tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện nay, tổng dư nợ vốn vay do Huyện đoàn Đồng Hỷ quản lý là trên 118 tỷ đồng với 2.590 hộ vay và 54 tổ tiết kiệm và vay vốn, qua đó góp phần giúp các đoàn viên, thanh niên có thêm kinh phí đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Hiện trên địa bàn huyện có 20 mô hình thanh niên khởi nghiệp tại quê hương có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Từ thực tế có thể thấy, nhiều đoàn viên, thanh niên ở huyện Đồng Hỷ đã và đang khẳng định được tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên của thế hệ trẻ. Chủ tịch Hội LHTN huyện Đồng Hỷ Phạm Thùy Trang cho biết thêm: Thời gian tới, chúng tôi phấn đấu tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho trên 1.000 thanh niên/năm; phối hợp với các đơn vị giới thiệu học nghề, việc làm và đào tạo nghề cho trên 250 thanh niên; huy động các nguồn lực để xây dựng và triển khai các mô hình trợ giúp và nhân rộng các mô hình, điển hình thanh niên làm kinh tế, hỗ trợ khởi nghiệp...

Ngọc Ánh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202409/khoi-nghiep-tai-que-huong-78c214a/