Khởi nguồn cho thành công
Đức tính chăm chỉ không tự nhiên mà có. Nó cần được rèn luyện bằng chính sự nỗ lực, cố gắng từng ngày của mỗi người.
Mấy hôm nay, sau mỗi bữa cơm chiều, con gái đang học lớp 4 của chị không chạy ra đầu ngõ chơi cùng đám bạn như thường ngày mà dành thời gian tập luyện, chuẩn bị cho cuộc thi kể chuyện theo sách do trường tổ chức.
Toàn bộ lời giới thiệu, nội dung câu chuyện, thông điệp, ý nghĩa của câu chuyện dài vừa vặn 2 trang giấy A4, trong khi đó, thời gian chuẩn bị chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 tuần. Thấy con tỏ vẻ lo lắng, chị nhẹ nhàng động viên: “Chỉ cần con chăm chỉ, chắc chắn con sẽ làm được!”.
Bên con mỗi ngày, chị nhận thấy rõ sự nỗ lực tuyệt vời của con. Con đọc và nhẩm bài khi ngồi vào bàn học, khi giúp bố mẹ làm việc nhà, trước khi đi ngủ, sáng sớm thức dậy,…
Thấm thoắt, ngày thi kể chuyện theo sách cũng tới. Con gái chị cùng các bạn trong đội đã hoàn thành tốt bài dự thi ngoài sự mong đợi. Trong niềm hạnh phúc ngập tràn, con khoe: “Nhờ có sự chăm chỉ, con mới đạt được kết quả tốt như vậy”.
Chăm chỉ là cần cù, chịu khó; là nỗ lực, quyết tâm; là năng động, chủ động trong mọi việc; là kiên trì, bền bỉ với mục tiêu đã chọn. Nói khác đi, chăm chỉ là cố gắng đến cùng khi làm một việc nào đó để đạt được kết quả tốt nhất. Chăm chỉ học tập, lao động, làm việc...
Người chăm chỉ không bao giờ mong đợi hay phụ thuộc vào người khác. Trái lại, họ luôn tích cực giải quyết mọi việc trong khả năng của chính mình. Chăm chỉ được xem là một trong những đức tính quý báu của con người, là khởi nguồn cho thành công trong cuộc sống.
Có câu: “Đối với thiên tài, óc sáng tạo chỉ chiếm 1%, còn 99% là sự chăm chỉ”. Sự nỗ lực, cố gắng học tập, lao động, nghiên cứu,… dẫu phải mất nhiều thời gian và công sức, liên tiếp trải qua nhiều thất bại, không như mong muốn nhưng đổi lại, nó đem đến cho mỗi người những trải nghiệm, bài học quý giá. Một trong số đó chính là sự kiên định, nhẫn nại và lạc quan. Mỗi người sẽ mạnh mẽ, dũng cảm, sống có ý chí, có trách nhiệm hơn đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Có thể thấy, những người có đức tính chăm chỉ đều nhận lại sự yêu mến, quý trọng từ mọi người. Người chăm chỉ luôn tự tin và có khả năng suy nghĩ độc lập. Họ cũng tự mình vạch ra mục tiêu và cố gắng để đạt được mục tiêu đó. Họ thành công, hạnh phúc với thành quả đạt được, trở thành tấm gương sáng để mọi người noi theo học hỏi.
Dù không phải là người thông minh nhất hay giỏi nhất, nhưng chính sự chăm chỉ đã giúp họ được đền đáp xứng đáng, được mọi người ghi nhận, ngưỡng mộ, khâm phục.
Tục ngữ có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Học sinh, sinh viên, nếu học tập chăm chỉ sẽ đạt được kết quả tốt, khi ra trường sẽ có công việc ổn định, sẽ có thu nhập cao, và có cuộc sống hạnh phúc. Người lao động, nếu làm việc chăm chỉ, sẽ vượt qua khó khăn, tích cực sản xuất, đạt năng suất cao, vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Các nhà nghiên cứu, khoa học, nếu chăm chỉ tìm tòi, sáng tạo, sẽ có những đột phá mới ở nhiều lĩnh vực. Nếu ai ai cũng chăm chỉ thì mọi rào cản, thách thức trong cuộc sống sẽ bị đẩy lùi.
Người chăm chỉ sẽ luôn thành công. Bác Hồ là minh chứng tiêu biểu nhất cho tấm gương chăm chỉ tự học, lấy tự học làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt cho bản thân. Ngoài ra, còn rất nhiều những tấm gương khác giữa đời thường khiến ta phải cảm kích, ngưỡng mộ. Dù là giáo viên, kĩ sư, bác sĩ… hay nông dân, lao công, tiều phu,… nếu chúng ta không bao giờ đầu hàng trước trở ngại, khó khăn; nếu chúng ta luôn bền bỉ, kiên trì, nỗ lực, ai cũng có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Những người thành công, đều đúc rút ra cho bản thân mình bài học quý giá, rằng: “Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Khi mỗi người không ngừng trau dồi bản thân, hướng tới điều tốt đẹp, họ sẽ không ngừng tiến tới, vươn lên sống và làm những điều tốt đẹp, nhân văn. Tinh thần ấy không chỉ làm họ trở nên đẹp hơn mà còn lan tỏa đến với mọi người. Một xã hội mà ở đó, mỗi người đều đề cao lối sống chăm chỉ, tất yếu sẽ phồn vinh, phát triển.
Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn rất nhiều người sống lười biếng, ỷ lại, buông xuôi và không chịu cố gắng. Gặp bất cứ công việc gì, họ cũng đều nản chí, cũng e ngại, sợ sệt.
Trước khó khăn, thử thách, họ chỉ biết than vãn, chán chường rồi buông xuôi, bỏ cuộc. Họ chẳng những khó phát triển bản thân, khó nắm bắt được thành công, mà làm bất cứ việc gì, dù là những việc nhỏ nhất, cũng đều thất bại. Họ không nhận ra hoặc đánh mất đi giá trị đích thực từ sự chăm chỉ mang lại. Điều này dễ hiểu, vì trong khi họ đang nằm trong chăn ấm nệm êm say sưa giấc nồng thì những người chăm chỉ đã thức dậy và làm việc một cách say mê ngoài kia tự lúc nào.
Ai đó đã nói rằng, làm việc chăm chỉ là một sự thông thái. Nếu mỗi người coi trọng sự chăm chỉ và biết xác định mục đích, lối sống đúng đắn, rõ ràng; nếu mỗi người kiên trì theo đuổi mục tiêu đời mình, thì bất kể việc gì, ở đâu, điều tốt đẹp cũng sẽ tìm đến và ở lại bên chúng ta.
Đức tính chăm chỉ không tự nhiên mà có. Nó cần được rèn luyện bằng chính sự nỗ lực, cố gắng từng ngày của mỗi người. Giống như những cánh ong bay đi muôn phương tìm hoa sẽ có được những giọt mật ngọt ngào, như những chú kiến cần mẫn kiếm tìm sẽ có được mồi đầy tổ, con người, nếu rèn luyện được cho mình đức tính chăm chỉ sẽ sớm làm nên những kì tích!
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoi-nguon-cho-thanh-cong-post669353.html