Khơi nguồn 'Nhựa sống'

Dù ở chốn thấp hay rẻo cao, 'nhựa sống' mỗi vùng đất đâu chỉ có ở cây rừng. Đó còn là 'nguồn nhựa' được khơi từ tinh thần đoàn kết, đắp bồi bởi tình yêu quê hương, chảy trôi lặng lẽ theo tháng năm và đủ để biến đất cằn 'nở hoa'. Ở vùng quê Hốc Đá, xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) cũng có nguồn 'nhựa sống' như thế.

Từ thuở “khát đường”…

Từng nhiều lần về thôn Hốc Đá công tác, tôi vẫn luôn thắc mắc về tên gọi nghe có phần trắc trở. Lần trở lại mảnh đất này khi tháng Chạp đã sang, tôi đem điều mình thắc mắc hỏi Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vũ Kim Trọng. Ông Trọng cười bảo, cũng chẳng mấy ai hiểu cái tên ấy vì sao lại có, có thể chỉ là để phân biệt với thôn xóm khác hoặc cái tên ấy ra đời để nhắc về một thời nghèo khó của mảnh đất này.

Cây trái tươi tốt, bội thu mang lại niềm vui cho người dân thôn Hốc Đá.

Cây trái tươi tốt, bội thu mang lại niềm vui cho người dân thôn Hốc Đá.

Khi tôi tới nhà Trưởng thôn Vũ Kim Trọng cũng là lúc ông Phạm Văn Tuy qua tìm bạn hàn huyên. Như một cái duyên, bên bàn trà ngày cuối đông, tôi có dịp nghe bao câu chuyện ghi dấu một thời ở Hốc Đá qua lời kể của những nhân chứng như ông Vũ Kim Trọng, ông Phạm Văn Tuy.

iếp khách bằng những câu chuyện cũ, giọng ông Trọng vang lên: “Anh Tuy còn nhớ ký ức về những ngày chỉ ăn, ngủ với làm đường không?”. “Nhớ chứ anh, cả đời cũng chẳng quên được”, ông Tuy đáp lời. Tôi trộm nghĩ, đúng là làm đường thì vùng thấp hay vùng cao, ở đâu cũng có chuyện hay để kể, vậy ấn tượng gì mà cả đời khó quên? Chẳng để tôi có dịp tự hoặc bản thân, câu chuyện cũ đã mở ra tất cả.

Trước năm 2000, cuộc sống ở Hốc Đá khó khăn, vất vả. Điện, đường, trường, trạm cái gì cũng thiếu. Giữa cuộc sống cơ cực, người dân luôn mong mỏi một con đường thay thế đoạn đường đất ngoằn ngoèo, sình lầy khi mưa xuống, bụi bặm ngày nắng lên. Ngày mưa, xe đạp, xe máy đều không thể đi vì trơn trượt. Thương nhất là lũ trẻ phải đi bộ đến trường. Lại thêm việc một nhóm hộ trong thôn làm đường mía luôn phải nghe ngóng thời tiết, bởi lẽ đã hẹn thương lái đến thu mua, nếu đêm hôm trước trời mưa thì hôm sau xe chẳng thể vào chở. Đường mía vất vả làm ra mà để vậy, nhiều hộ cố gắng dùng xe trâu chở 5 - 7 tấn đường mía ra đường lớn, hàng thì nặng, đường lại trơn, cả xe và hàng lao xuống ruộng.

Những đoạn chuyện ngắn ấy là quá khứ của các hộ ở thôn Hốc Đá. Mong mỏi tuyến đường kiên cố luôn thường trực trong suy nghĩ của họ, đặc biệt là nhóm 5 hộ làm đường mía. Vậy nên khi ý tưởng tự làm tuyến đường bê tông ông Trọng đưa ra, ngay lập tức nhận được sự đồng thuận.

Quyết là làm, 5 hộ ở góc thôn Hốc Đá bắt đầu thực hiện kế hoạch làm đường. Ban ngày, phụ nữ ở nhà chăm lo sinh hoạt gia đình, đàn ông vác xà beng đi cạy đá ở bìa rừng rồi chở về nhà. Tối xuống, khi cơm nước xong xuôi, 5 người đàn ông cùng nhau đập vỡ đá thành từng mảnh nhỏ làm vật liệu. Có đá rồi, họ lại đi đãi cát ở suối. Xi măng không thể tự làm thì góp tiền mua. Chẳng đợi xem ngày tháng thuận, khi chuẩn bị vật liệu xong xuôi, nhóm người bắt đầu khởi công. Xen vào tiếng cười vui, ông Tuy bảo, 2 tháng “an nhàn” ấy chỉ có ăn với đi làm đường.

Tháng 7, tháng 8 với những ngày nắng mưa thất thường năm ấy, biết bao người trong và ngoài thôn đến xem những “gã điên” đội nắng, đội mưa đập đá, đãi cát, đổ bê tông đường. Mặc kệ, họ vẫn hăng say làm việc. Ngày tuyến đường làm xong với chiều dài 1 km, chiều rộng 1 m chỉ đủ 1 chiếc xe đi mà nhóm hộ vui mừng khôn tả, bởi ít nhất những đứa trẻ cũng có thể đến trường mà không lo bị ngã, đường mía làm ra cũng không phải để góc nhà. Giữa thôn nghèo lại có một tuyến đường nhỏ kiên cố, sự chế giễu khi xưa của những người chưa hiểu chuyện đã thành ngưỡng mộ.

Làm xong đường lại tiếp tục làm cầu, làm cống. Nhưng lúc này là người dân cả thôn tham gia sau khi nhìn thấy lợi ích mà tuyến đường trước đó đem lại. 13 cầu, cống trong thôn cái thì xuống cấp, cái thì hư hỏng nặng được vá tạm bằng mảnh gỗ, thân tre, nguy hiểm cho người qua lại. Bên cạnh sự đầu tư sửa chữa, nâng cấp của Nhà nước, có những cây cầu xây mới hoàn toàn từ sức dân, trong đó có cây cầu được làm với vỏn vẹn 7 triệu đồng bà con góp mua vật liệu. Từ những nông dân quen chân lấm tay bùn, họ trở thành những “kỹ sư” xây dựng. Đấy cũng là lý do sau khi cây cầu dài 5,5 m, rộng 3 m hoàn thành suốt 2 tháng mà không ai dám đi qua, vẫn phải mò mẫm vượt suối vì lo cầu sập.

Nhìn cây cầu xây xong mà như vô dụng, ông Trọng nảy ra suy nghĩ tìm người quen có máy xúc, thuyết phục họ lái máy qua để kiểm định chất lượng công trình. “Lúc máy xúc đi lên cầu, ai cũng lo nhỡ sập cầu thì lấy đâu tiền mua đền máy cho người ta. Khi máy xúc sang bên kia cầu an toàn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm và nhờ đi thêm vài lượt nữa cho chắc”, ông Trọng hóm hỉnh kể lại. Từ đó, cây cầu đã nối những niềm vui, giúp bà con đi lại đỡ gian truân, vất vả.

… đến “miền quê đáng sống”

Chỉ tay ra đường bê tông sạch đẹp dẫn lối trước cổng nhà, cả ông Trọng và ông Tuy đều cười vui rằng con đường mơ ước khi xưa, sau mấy chục năm giờ đã thành sự thật. Năm 2014, khi ánh sáng nông thôn mới về, tuyến đường bê tông đầu tiên trong thôn do nhóm hộ làm đã bị đập bỏ. Trên nền đất cũ ấy, một tuyến đường mới đã được phủ lên thay thế, to, đẹp hơn với chiều dài 1 km, rộng 3 m và đến hôm nay tiếp tục được mở rộng thêm.

Liên tục thời gian sau đó, bà con ra sức hiến hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp hàng nghìn ngày công làm đường trục thôn, liên thôn; xây nhà văn hóa, cùng địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “về đích” xã nông thôn mới vào năm 2015. Sự đồng thuận của bà con Hốc Đá trong xây dựng thành công thôn kiểu mẫu năm 2018 càng cho thấy tinh thần đoàn kết và nỗ lực kiến thiết quê hương của đồng bào các dân tộc.

Những ngày cuối năm Tân Sửu, bà con nơi đây lại có thêm niềm vui mới, đó là hơn 2 km đường điện trong thôn hoàn thành, thay thế đường điện cũ một pha chập chờn chỉ đủ thắp đèn, nấu cơm. Nhận thấy để nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển sản xuất, đường giao thông là chưa đủ mà nguồn điện cần phải đảm bảo, bà con trong thôn đóng góp hơn 360 triệu đồng, hàng trăm ngày công và nhiều phần đất nơi đường điện chạy qua. Vừa kéo điện, bà con vừa tiếp tục làm công trình thắp sáng đường quê, niềm vui nối niềm vui giữa vùng quê đang trên đà đổi mới.

Từ mảnh đất nghèo, quanh năm làm chẳng đủ ăn, nhìn khắp nơi đâu đâu cũng chỉ thấy đồi, thấy đá, vậy mà giờ đây Hốc Đá đã chuyển mình, trở thành “miền quê đáng sống”. Những đồi đất bỏ không khi xưa, dưới bàn tay vun trồng của bà con, giờ rừng quế, mỡ vươn lên xanh tốt. Bao ngôi nhà dột nát chẳng đủ che mưa, che nắng giờ đổi thành nhà tầng cao rộng, khang trang. Nhìn vào thành quả ấy, tôi thầm ngưỡng mộ, cảm phục nguồn “nhựa sống” được khơi ra từ “đầu tàu” Vũ Kim Trọng và những cán bộ, đảng viên trong thôn, bởi họ là những người đi đầu trong công cuộc kiến thiết quê hương. Vườn tược, đất đai, sức lực, họ chưa khi nào đong đếm cũng chỉ để miền quê thêm trù phú. Từ họ, mỗi người con của mảnh đất này được tiếp thêm niềm tin, động lực để đắp bồi vào mạch nguồn “nhựa sống”.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352599-khoi-nguon-nhua-song