Khơi nội lực ở Ngòi Trườn

Ngòi Trườn khá biệt lập. Đây cũng là thôn duy nhất ở xã Minh Thanh (Sơn Dương) chưa có sóng điện thoại… Vất vả là vậy, nhưng người Ngòi Trườn không vì thế mà ỷ lại, khi nội lực trong Dân được khéo léo khơi gợi, trở thành phong trào để người dân nơi đây vươn lên.

Ly kỳ chuyện bỏ hủ tục

Ngòi Trườn là thôn 100% đồng bào Nùng. Người Nùng ở Ngòi Trườn vốn di dân từ Hà Giang về những năm chiến tranh biên giới.

Cả khu vực Ngòi Trườn khá biệt lập. Thời điểm trước những năm 2020, đường đi lại vẫn chủ yếu là đường đất, việc đi lại khó khăn, nhận thức của bà con vì thế mà cũng hạn hẹp lại.

Ly kỳ nhất, có lẽ là chuyện… ma gà. Không có một dẫn chứng khoa học, cũng chẳng biết từ thời nào, mà mọi lý do cho những điều không may xảy ra ở Ngòi Trườn, đều được người dân quy về ma gà.

Ma gà làm cho trời đang yên lành bỗng dưng đổ một trận mưa đá.

Những ngôi nhà mới ở Ngòi Trườn mọc lên ngày càng nhiều, thay thế những ngôi nhà cũ.

Những ngôi nhà mới ở Ngòi Trườn mọc lên ngày càng nhiều, thay thế những ngôi nhà cũ.

Người trong nhà bị ốm, cũng do ma gà mà ra. Ngay cả con trâu, con bò trong nhà không may mắc bệnh, cũng là ma gà nó ám.

Nó sẽ làm héo úa cây rau, thối cây hoa. Làm xanh máu. Làm teo cơ. Trong người khó ở. Trẻ thì biếng ăn. Già thì đau xương nhức óc. Trâu, bò, lợn gà bỗng dưng biếng ăn…

Mọi chuyện, đều phải cúng ma gà. Không cần tìm nguyên nhân. Người ốm cũng không cần đi bệnh viện.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Minh Thanh Nguyễn Ngọc Sản kể: Ngày còn phụ trách chi bộ, anh cùng cán bộ thôn mất rất nhiều thời gian để tuyên truyền, vận động người dân, để làm sao bà con hiểu ra, ma gà chỉ là hình ảnh tưởng tượng, do thiếu hiểu biết và sợ hãi mọi thứ. Tất cả lời giải thích vừa phải khoa học, vừa phải dễ hiểu. Dần dà, bà con hiểu ra. Không có con ma gà nào ở đây cả.

Người ốm được đưa đi bệnh viện. Trâu, bò, lợn, gà được tiêm phòng bệnh theo từng mùa đầy đủ.

Ngòi Trườn vẫn là vùng lõm về sóng điện thoại di động. Năm 2021, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngòi Trườn Chu Thị Thanh Nga tự bỏ tiền kéo một đường dây mạng viễn thông về nhà. Sóng viễn thông từ chiếc điện thoại di động của Nga mở ra nhiều chân lý mới cho bà con người Nùng nơi đây.

“Vẽ” đường cho hộ nghèo vươn lên

Ngôi nhà sàn của gia đình anh Thèn Văn Phủi, thôn Ngòi Trườn, xã Minh Thanh (Sơn Dương) vừa hoàn thành. Ngôi nhà rộng rãi, được xây dựng theo mô hình nhà sàn kiểu mới, vẫn giữ phong cách truyền thống nhưng vật liệu đã được thay đổi để phù hợp.

Ngôi nhà cũ trước đây ọp ẹp lắm. Nhà ở 3 - 4 người không sao. Nhưng hôm nào có cỗ, ngồi đủ 2 - 3 mâm cơm là ngôi nhà đung đưa, rung lắc theo từng nhịp chân người bước, khiến chủ nhà lẫn khách không khỏi thấp thỏm, lo lắng.

Mất an toàn là vậy, nhưng để vận động được hộ gia đình này làm ngôi nhà mới, Trưởng thôn Ngòi Trườn Chu Thị Thanh Nga phải mất rất nhiều thời gian. Nhà anh Phủi là hộ nghèo. Tiền mặt, tài sản trong nhà không có gì giá trị. Ngôi nhà lắc lư đã kéo dài vài năm, muốn làm, nhưng anh Phủi sợ làm rồi không có gì trả nợ.

Chị Nga giải thích: Số tiền 50 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ rồi, mình vay mượn thêm anh em họ hàng, rồi vay thêm ngân hàng chính sách được hỗ trợ lãi suất. Hai vợ chồng còn trẻ, có nhà rồi, mình đi công ty làm việc, mỗi tháng cũng kiếm được hơn chục triệu đồng, là có tiền lo cho gia đình, có tiền trả nợ ngân hàng.

Suốt 3 tháng trời đi đi lại lại, anh Phủi cuối cùng cũng nhất trí làm nhà. Ngày khởi công, cả bản xúm vào mỗi người một chân một tay. Nhà nội nhà ngoại cũng mỗi người góp vào một ít, đủ để gia đình hoàn thiện ngôi nhà trị giá nửa tỷ đồng.

Ngôi nhà sàn kiên cố hoàn thành. Vợ chồng anh Phủi sau bữa cơm mừng nhà mới, khăn gói lên đường đi công ty làm việc. Vườn rừng của gia đình cũng sắp đến ngày khai thác, cũng góp thêm nguồn thu của vợ chồng anh yên tâm hơn. Đến nhà đúng ngày anh Phủi xin nghỉ phép về quê gặt mấy sào lúa, anh Phủi bảo: Lúc chưa làm nhà, cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng với ít đồi keo. Giờ vay mượn, có nhà cửa kiên cố, tự dưng có động lực phải đi làm ổn định để trả nợ, nuôi con.

Ngôi nhà của anh Phủi là một trong 9 ngôi nhà vừa hoàn thành trong năm nay ở Ngòi Trườn, tăng 1 nhà so với kế hoạch đề ra từ đầu năm 2024. Cách làm của chị Nga là ngoài vận động, còn “vẽ” ra cách làm, hướng đi sau này, để các hộ nghèo có động lực, có tương lai.

Như nhà anh Sèn Văn Chỉ, ngôi nhà thứ 9 vượt kế hoạch, được vận động xóa nhà tạm cũng nhờ chị Nga khéo tìm được điểm nghẽn để hóa giải.

Khi biết lý do anh Chỉ chưa làm nhà, là vì chưa được tuổi theo phong tục của người Nùng, chị Nga mời thầy về, tìm đúng tuổi hợp nhất - là tuổi của cậu con trai trong nhà.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngòi Trườn Chu Thị Thanh Nga cười: Những ngôi nhà mới ở Ngòi Trườn mọc lên, là thêm một hộ gia đình có người đi làm việc ở các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Vững ngôi nhà, rồi vững túi tiền… Người Nùng ở Ngòi Trườn đã “chạy thẳng”, bỏ cái nghèo, để yên tâm làm giàu nơi đất khó.

Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/khoi-noi-luc-o-ngoi-truon-201371.html